Chương trình giám sát năm 2024 tập trung vào vấn đề gì?
Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề
Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chương trình giám sát năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường |
Với mục tiêu giám sát phải được triển khai đồng bộ với quá trình triển khai xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật, năm 2024, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giám sát.
Cụ thể, về hoạt động giám sát chuyên đề, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề: Về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và về một số dự án quan trọng quốc gia và về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội tại kỳ họp thứ 7 và thứ 8.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 2 chuyên đề: Về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại phiên họp tháng 8 và tháng 9/2024.
Cùng với việc tích cực triển khai các hoạt động giám sát còn lại theo chương trình của năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chuẩn bị “từ sớm, từ xa” cho các hoạt động giám sát năm tới, trong đó, đã cho ý kiến sớm về kế hoạch, đề cương báo cáo giám sát của 4 chuyên đề năm 2024 ngay tại phiên họp tháng 8 và tháng 9/2023. Đến nay, 04 Đoàn giám sát đã ban hành kế hoạch và đề cương báo cáo gửi các cơ quan chịu sự giám sát, các địa phương để triển khai các hoạt động theo kế hoạch.
Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, ông Bùi Văn Cường thông tin, Quốc hội tổ chức 2 phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8. Nội dung chất vấn được lựa chọn sớm trên cơ sở các nguồn thông tin lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn theo 03 tiêu chí được quy định tại khoản 1 Điều 11 Quy chế Tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội.
Bên cạnh cách thức tổ chức chất vấn như thông lệ, trên cơ sở kết quả phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6, có thể nghiên cứu đổi mới cách thức tiến hành hoạt động chất vấn theo hướng lựa chọn nhóm vấn đề mang tính tổng hợp, liên quan đến nhiều lĩnh vực để nhiều Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp, phiên họp, nhiều vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên của đời sống kinh tế - xã hội thuộc nhiều lĩnh vực sẽ được xem xét, giải quyết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn tại phiên họp tháng 3 và tháng 8/2024, trong đó, tại phiên họp tháng 3 sẽ chất vấn các vấn đề “nóng”, nổi lên và tại phiên họp tháng 8 sẽ giám sát lại.
Về hoạt động giám sát lại, tại phiên họp tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn về việc thực hiện 04 nghị quyết về chất vấn và 04 nghị quyết về giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về xem xét báo cáo: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành thời gian nghiên cứu, xem xét các báo cáo theo quy định. Trong đó, căn cứ tình hình thực tế, tiếp tục đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí thảo luận về một số báo cáo; đồng thời, xem xét đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết hoặc kết luận sau khi xem xét báo cáo.
Phải làm rõ các nội dung có hạn chế, vướng mắc
Về hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật: Trên cơ sở Báo cáo các cơ quan của Quốc hội (chậm nhất là ngày 20/3/2024), Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2024 và gửi đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 |
Trong đó, cần tập trung giám sát các nội dung sau đây: Thứ nhất, các văn bản dưới luật liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; đấu thầu, cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế; xử lý các vướng mắc trong các quy định phòng cháy, chữa cháy, công tác đăng kiểm phương tiện giao thông, công tác quy hoạch…
Thứ hai, các văn bản trong các lĩnh vực qua rà soát của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội và qua theo dõi có nhiều kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật liên quan các vấn đề về phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh, đầu tư, sử dụng các nguồn vốn… cần giải quyết, tháo gỡ.
Thứ ba, các văn bản quy định về thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, điều kiện đầu tư kinh doanh có nội dung bất hợp lý, gây khó khăn, phiền hà đến hoạt động của người dân và doanh nghiệp; các văn bản có nội dung phân cấp, ủy quyền nhưng thiếu rành mạch và không rõ trách nhiệm.
Thứ tư, rà soát, giám sát các văn bản, quy định liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm thực thi công vụ, cấp phép, quyết định đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp; tiếp tục rà soát các văn bản phát hiện những nội dung còn sơ hở, chưa chặt chẽ, bất cập, có thể làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
"Kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật phải làm rõ các nội dung có hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc trong văn bản, việc thực hiện văn bản, trong đó cần phân tích, chỉ rõ nguyên nhân do quy định của luật hay văn bản dưới luật có sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu tính khả thi hay do công tác tổ chức thi hành pháp luật" - ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra hạn chế, vướng mắc; đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản để khắc phục tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.
Về hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri: Tại Kỳ họp thứ 7, thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Tại phiên họp hàng tháng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo về công tác dân nguyện. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri, chú trọng giám sát các vụ việc cụ thể.
Các Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường tổ chức giám sát những vấn đề nổi cộm, dư luận bức xúc, các vụ việc khiếu nại, tố cáo tại địa phương; thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các kiến nghị giám sát.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân: Trong năm 2024, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là lập hồ sơ đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Ngoài ra, trong năm 2024, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Chương trình giám sát năm 2025; quan tâm giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội, trong đó, tập trung chỉ đạo việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội…