Chùa Một Cột: Công trình kiến trúc độc đáo giữa lòng Thủ đô
Chùa Một Cột nằm ở trung tâm quận Ba Đình, bên cạnh quần thể di tích Quảng trường Ba Đình và lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chùa Một Cột được xem là biểu tượng văn hóa của Thăng Long trong suốt hàng ngàn năm qua, thu hút đông đảo du khách đến hành hương mỗi năm. Có thể thấy rằng, chùa Một Cột không chỉ đơn thuần là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, mà còn là biểu tượng của trí tuệ và triết lý nhân văn sâu sắc. Nơi đây ngoài đem đến cảm giác bình an, nhẹ nhõm, còn giúp du khách tìm thấy những chân thiện mỹ trong cuộc sống.
Chùa Một Cột hay còn được gọi với cái tên khác là chùa Mật, chùa Diên Hựu hoặc Liên Hoa Đài |
Chùa Một Cột hay còn được gọi với cái tên khác là chùa Mật, chùa Diên Hựu hoặc Liên Hoa Đài. Đây là một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tông năm 1049.
Tương truyền rằng, vua Lý Thái Tông nằm mơ thấy Quan Thế Âm Bồ Tát tọa thiền trên một tòa sen sáng rực, và Người đưa tay dắt vua lên trên đài sen. Sau khi tỉnh dậy, ngay lập tức, vua đã cho xây dựng Chùa Một Cột theo đúng những gì đã nhìn thấy trong giấc mơ đó.
Ngôi chùa được xây dựng với kết cấu một cột trụ độc đáo. Dáng kiến trúc nhìn như một đài sen mọc lên giữa hồ Linh Chiểu. Là sự sáng tạo kết hợp của nhiều bộ môn khác nhau từ điêu khắc, chạm vẽ, hội họa. Mặt nước cũng chính là nét đẹp, là gương soi làm sáng bừng lên ngôi chùa phía trên.
Mái chùa được lợp bằng ngói vảy truyền thống màu đỏ gạch phủ lớp rêu phong thời gian. Chùa có bốn mái cong đầu đao vút lên trời hay còn gọi là “tàu đao”. Mái chùa được đỡ bằng hệ thống thanh bẩy vươn ra sát phía dưới. Trên đỉnh mái chùa đắp hình “lưỡng long chầu mặt nguyệt”. Đôi long tượng trưng cho khí dương, hình mặt nguyệt tượng trưng cho khí âm. Tổng lại thành con số ba của sự sinh sôi nảy nở.
Chùa Một Cột được xây dựng theo khối hình vuông. Mỗi chiều của chùa là 3m. Phía dưới là cột trụ bằng đá cao 4m, đường kính 1,2m gồm 2 khối gắn với nhau. Trên thân trụ là 8 cánh gỗ xòe rộng nhìn như một bông hoa sen đang nở. Phía trên mái chùa là mặt nguyệt bốc lửa, hai bên là đầu rồng chầu mặt nguyệt. Chùa có 4 mái với 4 đầu đao cong và hình đầu rồng đắp nổi.
Ban đầu xây dựng, chùa chỉ gồm một cột đá chống đỡ ngôi lầu ngọc nhỏ ở phía bên trên. Trong ngôi lầu ngọc này có thờ tụng Tượng Phật bà Quan Âm. Nhà vua Lý Thái Tông thường lui đến chùa để cầu nguyện và tụng kinh niệm phật với mong ước "phước bền dài lâu" nên đã đặt tên chùa là Diên Hựu Tự.
Sau nhiều lần phải trải qua các triều đại lịch sử và qua các cuộc kháng chiến, ngôi chùa đã bị thay đổi, hư hỏng. Đặc biệt là sau việc đặt mìn phá hoại của quân đội viễn chinh Pháp thì chùa Một Cột đã sụp đổ hoàn toàn. Sau khi giành thắng lợi vào năm 1955, Bộ Văn hóa đã tiếp quản thủ đô và quyết định trùng tu tôn tạo chùa đúng với kiến trúc cũ. Từ đó đến nay, chùa đã được thành phố Hà Nội bảo tồn nguyên vẹn.
Cho đến hôm nay, kiến trúc của chùa cũng đã có sự thay đổi so với nguyên bản ban đầu. Chùa Một Cột đã được tổ chức Kỷ lục Châu Á xác nhận kỷ lục là Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất vào năm 2012.
Vì vậy, nếu muốn chuyến du lịch Hà Nội trở nên ý nghĩa và đặc biệt hơn, du khách dành chút thời gian ghé qua chùa Một Cột và cảm nhận những giá trị sâu sắc mà ngôi chùa này mang lại.