Chùa Báo Ân, Hưng Yên: Dấu tích còn mãi với thời gian
Theo văn bia ngọc phả của làng ghi lại, chùa được Trạng nguyên Đỗ Thế Diên xây dựng năm 1225 (một trong những ngôi chùa duy nhất còn lại thời nhà Lý). Trạng nguyên Đỗ Thế Diên mồ côi cha từ nhỏ, hai mẹ con lưu lạc và cuối cùng về sống ở cuối thôn Thanh Xá. Ông có tuổi thơ vô cùng vất vả, cuộc sống lại khó khăn nên ông rất chăm chỉ làm lụng, hiếu thảo với mẹ, thời gian rảnh rỗi ông tập trung vào việc đèn sách.
Vốn tính thông minh trời phú cùng với sự ham học hỏi, vào năm Trinh Phù thứ 10 (1185) đời vua Lý Cao Tông, triều đình tổ chức khoa thi, ông ra ứng thí và đỗ đầu. Thời Lý chưa có học vị Trạng nguyên nên mọi người gọi ông là cụ Trạng. Sau khi thi đỗ, triều đình mời ông làm quan và từng giữ chức Triều nghị đại nhập nội thị - phu tỉnh quảng từ công cung sự, quảng từ kiêm quan phán hình viên sự. Được vua ban túi dạ cá vàng và phong chức quan “Đại tư đồ” (Thượng thư Bộ hộ). Khi tuổi cao ông cáo lão về quê dành tiền xây dựng Chúc Thánh Báo Ân Tự trong khuôn viên phủ của mình với mục đích cải gia vi tự báo Phật ân đức. Sau khi ông mất, triều đình cho lập đền thờ tại khuôn viên tư gia (nay là thôn Thanh Xá). Tên chùa Báo Ân do cụ Trạng Đỗ Thế Diên đặt với ý nghĩa: “Báo đáp công ơn dưỡng dục của người đã sinh ra mình, tri ân nghĩa nặng tình sâu với quê hương, đất nước”.
Chùa Báo Ân là trung tâm phật giáo của cả vùng, hàng năm các vị tăng ni phật tử thường tập trung về chùa để được nghe thầy Thích Giác Nghiêm - trụ trì chùa dâng lời tác bạch về đạo lý làm người, về lẽ sống, về lòng hiếu thảo với cha mẹ, tình yêu quê hương đất nước…
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa từng là cơ sở đóng quân, mở các lớp tập huấn, là căn cứ cho các lãnh đạo hoạt động cách mạng trong đó có đồng chí Hoàng Quốc Việt… Ngôi chùa như một minh chứng chứng kiến biết bao thăng trầm, biến cố đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân, những dấu tích hoang tàn đổ nát khiến ngôi chùa trở nên vắng lặng giữa chốn quê nghèo khó.
Năm 2001, Đại đức Thích Giác Nghiêm thấy cảnh chùa như vậy, với tâm nguyện và sứ nguyện cao cả của người đệ đức Như Lai, là Hoàng Dương Chánh Pháp - hóa độ chúng sinh. Đại đức phát nguyện trùng tu tháp chùa Báo Ân, với mục đích khôi phục lại hình ảnh uy nghiêm và sự linh thiêng của chùa xưa. Sau hơn 800 năm, qua nhiều lần trùng tu ngôi chùa giờ đây đã được phục dựng lại rất công phu trên nền đất cũ, vẫn giữ được nét uy nghiêm vốn có từ trước.
Chùa Báo Ân là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa, truyền thống từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Bởi vậy người dân Việt mới truyền tụng câu ca:
“Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng, sông sâu
Người ta có nguồn gốc từ đâu
Có tổ tiên trước rồi sau mới có mình…”
Chùa Báo Ân là ngôi chùa đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa tâm linh người Việt. Về giá trị lịch sử, chùa Báo Ân gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của một nhân vật nổi tiếng dưới thời Lý là cụ Trạng Đỗ Thế Diên. Chùa Báo Ân còn là di tích lưu niệm gắn bó với sự kiện cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Nghĩa Hiệp. Hiện chùa còn bảo lưu nhiều văn tự có giá trị sử liệu quý giá.
Về giá trị văn hóa, chùa Báo Ân bảo tồn được hệ thống tượng, đồ thờ có giá trị nghệ thuật như tượng Tam Thế, Quan Âm chuẩn đề, tượng phật nghìn tay nghìn mắt… xứng đáng là bảo tàng mỹ thuật Phật giáo của người Việt. Đây là công trình kiến trúc hợp nhất các quần thể như cổng tam quan, hồ nước, các tòa bảo tháp… nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống ở làng quê Nghĩa Hiệp ngàn năm văn hiến.