Chú trọng tính thực tiễn và thống nhất với pháp luật hiện hành
Phát biểu tại hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức vào ngày 20/4, đại diện Bộ TN&MT đã trình bày sự cần thiết của bản dự thảo nghị định này trong bối cảnh hiện nay.
Dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đề xuất sửa đổi, bổ sung 6 nghị định |
Cụ thể, đại diện Bộ TN&MT cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Để tổ chức thi hành luật, Bộ TN&MT, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu, xây dựng 25 nghị định, trong đó có 16 nghị định ban hành mới, 6 nghị định sửa đổi, bổ sung và 2 nghị định ban hành thay thế. Các bộ, ngành cũng đã ban hành 59 thông tư, thông tư liên tịch, trong đó riêng Bộ TN&MT đã ban hành tới 46 thông tư.
Tuy nhiên, thời gian qua, trên cơ sở phản ánh, kiến nghị của các địa phương, người dân và doanh nghiệp về các khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Đất đai, Bộ TN&MT đã có những rà soát và chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại về: Hoạt động của tổ chức phát triển quỹ đất với chức năng khai thác nguồn lực đất đai còn bất cập, chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn; công tác đăng ký, cấp chứng nhận còn gặp khó khăn; việc tổ chức, lấy ý kiến và tích hợp phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trước khi tích hợp vào quy hoạch tỉnh còn vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai; vấn đề xác định giá đất còn kéo dài, chưa phù hợp với thị trường do vấn đề thông tin định giá và việc áp dụng các phương pháp định giá; đặc biệt việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất còn phát sinh nhiều bất cập...
“Từ thực tế trên, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai để giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn là cần thiết, trong khi Quốc hội chưa ban hành Luật Đất đai sửa đổi” – đại diện Bộ TN&MT nêu ý kiến.
Nghị định kỳ vọng sẽ giải quyết được những vướng mắc, tồn tại trong quản lý đất đai |
Góp ý cho Dự thảo Nghị định, ông Dương Đăng Huệ - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự (Bộ Tư pháp) - cho rằng: Quản lý đất đai là vấn đề vô cùng phức tạp. Trong khi đó, Dự thảo Nghị định này lại được xây dựng nhằm sửa đổi, bổ sung một số quy định tại các nghị định đã ban hành, nên có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều vấn đề về quản lý đất đai. Đòi hỏi ban soạn thảo không thể làm chung chung, mà cần đi vào cụ thể, chi tiết và có sự cân nhắc chắc chắn, để Nghị định được ban hành sẽ trở thành văn bản hướng dẫn cụ thể những vấn đề liên quan đến quản lý đất đai.
Góp ý cụ thể về một số điều tại Dự thảo Nghị định, ông Dương Đăng Huệ cho rằng, về chế tài xử lý khi người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền mặt trước và từ chối tham gia đấu giá. Theo quy định tại Điểm e, Khoản 5 Điều 17a thì “Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì trong thời gian 5 năm không được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất”.
“Tôi cơ bản đồng ý với quy định này, tuy nhiên ban soạn thảo có thể cân nhắc bổ sung thêm cụm từ “mà không có lý do chính đáng” để loại trừ những trường hợp bất khả kháng tương tự như quy định tại Điểm đ Khoản 5 Điều 17a - từ chối kết quả trúng đấu giá mà không có lý do chính đáng” - ông Dương Đăng Huệ đề nghị.
Cũng liên quan đến vấn đề đấu giá đất, ông Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý đầu tư, bất động sản - cho rằng: Dự thảo đề xuất tổ chức tham gia đấu giá phải có vốn sở hữu không thấp hơn 15 - 20% tổng mức đầu tư (tuỳ quy mô dự án). Nội dung này đã được quy định tại Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP nên nếu quy định thêm tại Điều 17a sẽ gây ra trùng lắp.
Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất tổ chức tham gia đấu giá phải có kinh nghiệm thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất. Đây là quy định cần thiết để sàng lọc nhà đầu tư, tránh các doanh nghiệp mới thành lập, chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án đã tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, quy định tổ chức có kinh nghiệm thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất còn mang tính chung chung, đề nghị cần quy định cụ thể hơn trong Nghị định để các địa phương thống nhất áp dụng hoặc giao cho Bộ Xây dựng hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết.
Đồng tình quan điểm sự cần thiết ra đời của Nghị định sửa đổi các nghị định quy định chi tiết thi hành luật đất đai, bởi không chỉ khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong quản lý đất đai hiện nay, mà còn mở ra những giải pháp mới trong quản lý, quy hoạch và phát triển thị trường bất động sản. Tuy nhiên, để Nghị định thực sự đi vào cuộc sống sau khi được bàn hành, các ý kiến cũng cho rằng, trong quá trình hoàn thiện, ban soạn thảo cần chú trọng đến tính thực tiễn và thống nhất với pháp luật hiện hành, pháp luật chung, đảm bảo tính khả thi khi đi vào thực hiện.
Dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định quy định chi tiết thi hành luật đất đai đề xuất sửa đổi, bổ sung 6 Nghị định, gồm: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất; Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP quy định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; sửa đổi, bổ sung Điểm b Khoản 4 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Sửa đổi, bổ sung Khoản 12 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. |