Thứ ba 26/11/2024 18:33

Chủ tịch Quốc hội lý giải vì sao thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương

Tại phiên thảo luận tổ ngày 22/10 của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế nhưng cũng vì mục tiêu chung cho quản trị của quốc gia.

Thảo luận tại tổ 3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, cũng có ý kiến đặt vấn đề vì sao địa phương này có cơ chế đặc thù còn địa phương khác không có. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thể chế chính sách của nước ta là thống nhất nhưng trong quá trình phát triển cần thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách mới, nếu kết quả thí điểm cho thấy hiệu quả, phù hợp thì có thể nhân rộng trong toàn quốc, nâng chính sách, pháp luật lên một chuẩn mới và sẽ tiếp tục thí điểm để lên chuẩn mới cao hơn nữa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp tổ của Quốc hội

“Đây là quá trình liên tục để đáp ứng yêu cầu phát triển chứ không phải chỉ những địa phương này mới được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù. Thí điểm ở một số địa phương nhưng cũng vì mục tiêu chung cho quản trị của quốc gia. Quá trình thí điểm tốt, hiệu quả thì sẽ tổng kết, đánh giá và trở thành quy định có tính phổ quát chung và tiếp tục phát triển cao hơn nữa” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu.

Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc lại chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước: Với những địa phương có tiềm năng, có khả năng phát triển trở thành đầu tàu, động lực thì có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để tạo điều kiện thúc đẩy các địa phương này phát triển, đồng thời tạo tác động lan tỏa cho các địa phương khác, cho cả nước; còn với các địa phương có điều kiện khó khăn hơn thì có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ vươn lên, rút ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương khác.

Với 4 địa phương được Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù lần này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Bộ Chính trị đều đã có các Nghị quyết riêng về phát triển các địa phương này trên cơ sở cân nhắc rất kỹ lưỡng các điều kiện, tiềm năng, thế mạnh, đặc thù, yêu cầu phát triển. Các dự thảo Nghị quyết lần này của Quốc hội đều nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương lớn tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Trung ương về các địa phương này.

Trong đó, với Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là địa phương nằm trong tam giác phát triển của phía Bắc, một trong những cực tăng trưởng của phía Bắc đã có những bứt phá mạnh mẽ trong thời gian gần đây cả về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới…

Hải Phòng hiện đã triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao với suất đầu tư từ 135 - 180 tỷ đồng cho một xã, những huyện có khả năng lên quận thì mức đầu tư còn cao hơn nữa. 9 tháng đầu năm nay, trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh nhưng Hải Phòng vẫn tăng trưởng 12,28%. Cả nước đang phấn đấu đến năm 2030 đạt mức thu nhập bình quân đầu người từ 5.000 - 7.000 USD thì Hải Phòng đặt mục tiêu vượt 16.000 USD. Nhu cầu phát triển của Hải Phòng rất lớn.

Tầm nhìn của Hải Phòng đến năm 2045 không chỉ là cực tăng trưởng nữa mà trở thành động lực tăng trưởng của khu vực và cả nước; phấn đấu là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trở thành thành phố tầm cỡ trong khu vực. Do đó, năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết riêng về phát triển TP. Hải Phòng với sự chuẩn bị hết sức công phu.

Phiên họp tổ 3 của Quốc hội ngày 22/10 về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế

Đối với Thừa Thiên Huế, trước đây chúng ta đã có Nghị quyết đặt mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Sau 10 năm thực hiện, Thừa Thiên Huế đã đạt được những bước phát triển tốt. Tuy nhiên, khu vực nông thôn, ví dụ như huyện miền núi A Lưới, có xuất phát điểm và hạ tầng rất khó khăn, khó có thể đạt tiêu chí Thành phố trực thuộc Trung ương.

Do đó, Bộ Chính trị đã có quyết sách mới, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương với cốt lõi là cố đô Huế. Như vậy, các tiêu chí của thành phố di sản trực thuộc Trung ương cũng sẽ khác và cần có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ Thừa Thiên Huế đạt được mục tiêu này. Ví dụ, vì sao Chính phủ lại đề xuất có Quỹ phát triển di sản cho Thừa Thiên Huế mà các địa phương khác lại không có là nhằm hỗ trợ thực hiện mục tiêu trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương.

Đối với Thanh Hóa, sinh thời, Bác Hồ đã nhiều lần vào thăm Thanh Hóa, Người nói “Thanh Hóa đất rộng, người đông, của cải nhiều chỉ thiếu sự sắp đặt và thu xếp”. Vừa qua, Thanh Hóa đã trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết phấn đấu trở thành một cực trong tứ giác phát triển ở khu vực phía Bắc bao gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, khu vực miền Tây Thanh Hóa còn rất khó khăn như huyện Mường Lát hiện vẫn rất khó khăn. Nghệ An cũng tương tự như vậy. Diện tích lớn nhất, dân số đứng thứ tư cả nước, có nhiều tiềm năng phát triển nhưng cũng còn nhiều khó khăn, nhất là các huyện miền tây Nghệ An.

Thanh Hóa và Nghệ An cũng là hai địa phương khởi đầu của phong trào xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản và hiện đang được nhân rộng ra cả nước. Đây là sáng kiến rất đặc thù của hai địa phương này.Từ điều kiện và yêu cầu phát triển thực tiễn của từng địa phương như vậy, cần thiết phải có cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho các địa phương tiếp tục phát triển - Chủ tịch Quốc hội nói.

Các cơ chế, chính sách được Chính phủ trình Quốc hội lần này đã được các địa phương, các cơ quan của Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, các cơ quan của Quốc hội đã thẩm tra, rà soát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, về phân quyền, phân cấp, quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chỉ phân quyền, phân cấp một cấp và có kèm theo điều kiện trình tự, thủ tục rất chặt chẽ.

Các dự thảo Nghị quyết này đã được chuẩn bị công phu, cơ bản đạt được sự đồng thuận khá cao. Nếu được Quốc hội đồng ý thông qua theo thể thức rút gọn tại Kỳ họp này, theo Chủ tịch Quốc hội, sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển của các địa phương, đồng thời cũng góp phần hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và phục hồi phát triển trong thời gian tới vì ở đây không chỉ có vấn đề nguồn lực mà còn có các cơ chế, chính sách, thể chế rất quan trọng.

Quỳnh Nga - Lan Anh

Tin cùng chuyên mục

Doanh nghiệp Việt Nam, Đan Mạch cùng tạo nên những thương hiệu quốc tế chung

Bộ trưởng Công an lý giải nguyên nhân nhiều người vi phạm giao thông

Từ việc kênh Youtube Quang Linh Vlog bị chiếm đoạt, đại biểu Quốc hội lo ngại xu hướng tội phạm mạng

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình họp với 3 bộ, 8 địa phương về cải cách thủ tục hành chính

60% khiếu nại liên quan đến đất đai đến từ người dân vùng nông thôn, miền núi

Hoạt động của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang tại Campuchia

Khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực đất đai có chiều hướng gia tăng

Sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới

Tội phạm đánh bạc trên mạng Internet tăng cao

Thủ tướng chỉ đạo chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ

Tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 6 nhóm tăng cường hợp tác với Bulgaria

Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam-Lào-Campuchia: Biểu tượng đoàn kết khu vực

Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm trường mầm non Việt-Bun

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Tổng thống Bulgaria Rumen Radev

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề về Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 'nóng' về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị