Thứ ba 26/11/2024 12:47

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp xúc cử tri thành phố Đà Nẵng

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp xúc cử tri thành phố Đà Nẵng chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, giải đáp nhiều vấn đề “nóng” cử tri quan tâm.

Cử tri đánh giá cao công tác phòng chống tham nhũng

Chiều 27/4, tại thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng tiếp xúc cử tri thành phố trước kỳ hợp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Tại buổi tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến tâm huyết của người dân thành phố Đà Nẵng đã gửi gắm đến đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề như đánh giá lại hiệu quả mô hình chính quyền đô thị thành phố Đà Nẵng; các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; vấn đề thiếu trang thiết bị, vật tư y tế; hỗ trợ người có công cách mạng; tình hình tội phạm mạng, tôi phạm công nghệ cao;…

Đặc biệt, cử tri Đà Nẵng dành sự quan tâm lớn cho Luật Đất đai (sửa đổi) và vấn đề phòng chống tham nhũng.

Các cử tri đánh giá cao sự quyết liệt của Trung ương và các địa phương trong phòng chống tham nhũng. Cử tri Lê Thị Bích Hòa (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) cho biết cử tri rất đồng tình, ủng hộ Trung ương xử lý hàng loạt vụ án, cán bộ tham nhũng bất kể là ai. Đồng thời mong muốn trong thời gian tới, Trung ương tiếp tục xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án; có thông tin chính thức để tránh đồn đoán, gây sai lệch thông tin.

Các cử tri thành phố Đà Nẵng đánh giá cao kết quả phòng chống tham nhũng của Trung ương trong thời gian qua và mong muốn công tác này sẽ được thực hiện quyết liệt hơn trong thời gian tới

Đánh giá cao kết quả phòng chống tham nhũng trong thời gian qua, tuy nhiên, cử tri Trần Văn Chức (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) cho rằng việc xử lý thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp so với thực tế và đề nghị Trung ương cần làm quyết liệt hơn vấn đề này.

Cũng liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, cụ thể là tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, cử tri Nguyễn Trí Tổng (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) cho rằng cần Luật Đất đai (sửa đổi) rất quan trọng, nhưng nạn tham nhũng tiêu cực liên quan đến đất đai chưa đẩy lùi, thị trường bất động sản chưa lành mạnh, số khiếu kiện liên quan đến đất đai chiếm tới hơn 70%. Đề nghị Quốc hội cân nhắc kĩ Luật Đất đai cũng như sớm thông qua để ngăn chặn tham nhũng trong lĩnh vực này. Ngoài ra, cử tri Nguyễn Trí Tổng đề nghị phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn đối với các hành vi tham nhũng.

Riêng cử tri Nguyễn Văn Trỗi (phường Chính Gián, quận Thanh Khê) thì mong muốn các Đại biểu Quốc hội sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa công tác giám sát trong công tác phòng chống tham nhũng. “Tham nhũng nhiều, đau xót nhất là mất cán bộ. Trung ương cần quyết liệt hơn để để chống tham nhũng, đẩy mạnh giám sát, nhất là các dự án đội vốn. Mong các đại biểu Quốc hội sẽ giám sát kỹ vấn đề này”, cử tri Nguyễn Văn Trỗi bày tỏ ý kiến.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định trong công tác phòng chống tham nhũng "sai chỗ nào xử lý chỗ đó, không có chuyện sai mà "hạ cánh an toàn""

Sai chỗ nào xử lý chỗ đó, không có chuyện sai mà “hạ cánh an toàn”

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cảm ơn sự theo dõi, quan tâm, tin tưởng của cử tri đối với sự phát triển của đất nước.

Chủ tịch nước đã giải đáp 3 vấn đề lớn mà cử tri quan tâm gồm chính sách cho người có công; ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) và công tác phòng chống tham nhũng.

Liên quan đến chính sách cho người có công, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới chính sách người có công, tùy theo tình hình kinh tế, khả năng chi trả ngân sách từng giai đoạn, chính sách này được điều chỉnh cho phù hợp, đáp ứng một phần nào. Đồng thời Chủ tịch nước cũng khẳng định, không thể có sự bù đắp nào bằng tiền bạc đối với sự hi sinh, mất mát của thế hệ cha ông chúng ta.

“Cho nên có thể nói, Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới chính sách và từng bước điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình xã hội và khả năng chi trả của ngân sách; theo hướng cứ chính sách sau cao hơn chính sách trước”. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói.

Gần 1.000 cử tri đại diện cho cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà tham dự buổi tiếp xúc cử tri

Liên quan đến Luật Đất đai (sửa đổi), theo Chủ tịch nước, Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đất đai, việc sửa đổi, bổ sung dựa trên báo cáo tổng kết, đánh giá thực hiện Luật trong thời gian qua.

Luật Đất đai trong thời gian qua đã mang lại những kết quả lớn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế yếu kém, khuyết điểm, thậm chí là sai phạm.

Hiện nay trong các cuộc khiếu kiện, khiếu nại, nhất là khiếu kiện khiếu nại đông người, kể cả khiếu kiện đơn lẻ có thể đến 70% là liên quan đến về đất đai. Trong các vụ việc tham nhũng bị phát hiện tỷ lệ cán bộ vi phạm về đất đai khá lớn.

Vì vậy, trong Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương lần thứ 5, khóa 13 về tiếp tục đổi mới hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng đất, tạo động lực để đưa nước ta trở thành nước phát triển, đã quy định rõ trình tự liên quan phải là: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất. Các dự án liên quan tới người dân chỉ được thực hiện sau khi có phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt, đặc biệt ở những dự án mà có yêu cầu tái định cư thì chỉ khi nào tái định cư xong mới được thu hồi đất.

Chủ tịch nước khẳng định phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết, phải thực hiện tái định cư cho người dân rồi mới tiến hành thu hồi đất. Trong trường hợp vì tiến độ, hay một lý do nào đó thật sự cấp bách, muốn thực hiện thu hồi đất trước thì phải có sự đồng thuận của người dân.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trò chuyện, thăm hỏi các cử tri thành phố Đà Nẵng

Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ: “Thời gian qua và sắp tới, Đảng tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, kiên quyết, kiên trì xử lý nghiêm cán bộ tham nhũng, tiêu cực, với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kỳ người đó là ai”.

Đồng thời cho biết việc xử lý tham nhũng gồm cả tham nhũng lớn và tham nhũng vặt. Và phải xử lý nghiêm, ở cả cấp trung ương và địa phương. Sai chỗ nào xử lý chỗ đó, không có việc làm sai mà “hạ cánh an toàn”. Ngoài xử lý cán bộ sai phạm, còn xử lý những cán bộ tuy chưa phát hiện ra tham nhũng nhưng đã không làm hết trách nhiệm, lãnh đạo chưa sát để nhiều cán bộ thuộc quyền quản lý có vi phạm khuyết điểm, tham nhũng tiêu cực.

“Đảng và nhà nước làm công khai cho nhân dân biết, không giấu giếm, và như vậy cũng còn nhiều vụ việc đang tiếp tục làm”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thông tin và cho biết thêm, Trung ương và địa phương không ngừng hoàn thiện khung pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, kịp thời thay thế cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, kết quả làm việc thấp, không chờ hết nhiệm kỳ, thời gian bổ nhiệm... "Chức vụ càng cao thì trách nhiệm càng lớn. đòi hỏi cán bộ phải đáp ứng yêu cầu. Nếu không đáp ứng được thì rút lui để người khác làm”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định.

Thông tin về nội dung dự kiến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ông Trần Chí Cường – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng cho biết kỳ họp thứ 5 sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, khai mạc ngày 22/5/2023, dự kiến bế mạc ngày 23/6/2023.

Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự luật, và 2 Nghị quyết. Cho ý kiến lần 2 đối với Luật Đất đai (Sửa đổi) và cho ý kiến lần đầu với 7 dự án luật khác.

Nghe, cho ý kiến xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội của cả nước.

Kỳ họp cũng sẽ dành thời gian để tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn; xem xét thông qua các nghị quyết về chương trình giám sát và thành lập đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ thực hiện quy trình công tác nhân sự một số chức danh theo quy định và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác (nếu có).

Thông tin về kết quả hoạt động của đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, ông Trần Chí Cường cho biết từ ngày 01/1 – 15/4/2023, Đoàn Đại biểu Quốc hội đã thực hiện 18 lượt tiếp công dân; tiếp nhận 81 đơn thư; chuyển các cơ quan chức năng xem xét giải quyết 58/81 đơn thư (hiện đã có kết quả của 41 đơn, số còn lại mới tiếp nhận, còn đang trong thời gian giải quyết), 23/81 đơn thư hoặc là trùng lắp hoặc được hướng dẫn để bổ sung thông tin.

Vũ Lê
Bài viết cùng chủ đề: Kỳ họp Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng chỉ đạo chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ

Tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 6 nhóm tăng cường hợp tác với Bulgaria

Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam-Lào-Campuchia: Biểu tượng đoàn kết khu vực

Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm trường mầm non Việt-Bun

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Tổng thống Bulgaria Rumen Radev

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề về Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 'nóng' về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Bulgaria Rumen Radev

Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Bulgaria gặp gỡ báo chí

Tuyên bố chung Việt Nam-Bulgaria: Đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực

Nên để cơ quan báo, tạp chí quyết định diện tích quảng cáo trên báo in

Kiểm soát nội dung quảng cáo trực tuyến: Thiết lập chế tài mạnh

Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, thống nhất nhiều vấn đề quan trọng

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Bulgaria

Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Tổng thống Bulgaria Rumen Radev gặp gỡ bạn bè Việt Nam từng học tập, làm việc tại Bulgaria