Chủ động phương án đảm bảo an toàn cho vùng hạ du và công trình trong mọi tình huống
Chủ đập, hồ chứa trực ban 24/24
Theo đó, thời điểm hiện tại, tình hình vận hành hồ chứa thủy điện, các hồ nhỏ diễn ra bình thường, các hồ lớn mực nước đã xấp xỉ mức mực nước dâng bình thường, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh đang chỉ đạo vận hành đảm bảo an toàn công trình và hạ dần mức nước để tăng khả năng phòng lũ. Lưu lượng xả/ lưu lượng về hồ (m3/s) các lưu vực sông bị ảnh hưởng bão số 9 tại lưu vực sông Cả: Chi Khê: 585/1027; Hố Hô: 143/202; Hủa Na: 397/600; Khe Bố: 241/728; tại sông Rào Quán: Quảng Trị: 45/43; lưu vực sông Hương: A Lưới: 42/85; Bình Điền: 305/243; Hương Điền: 267/224; lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn: A Vương: 174/153; Đắk Mi 4: 560/246; Sông Tranh 2: 641/414; Sông Bung 4: 770/375; lưu vực sông Ba: Sông Ba Hạ: 400/838; lưu vực các sông Trà Khúc; sông Sê San; sông Đồng Nai: Các hồ thủy điện vận hành ở chế độ bình thường.
Trong mọi tình huống, phải đảm bảo an toàn hạ du và công trình thủy điện |
Như vậy, tình hình vẫn hoàn toàn nằm trong các kịch bản kiểm soát, kể cả với mưa lũ đã qua và mưa lũ sắp đến.
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Tô Xuân Bảo – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Tại thời điểm này Cục cập nhật thường xuyên về tình hình hồ ở các khu vực, hiện giờ các hồ duy trì ổn định, theo đó mức nước xu hướng về hồ giảm, duy trì mực nước đón lũ hợp lý, từ đó giảm lũ.
“Phải chủ động kiểm soát, theo dõi quá trình vận hành của hồ, theo quy trình vào mùa này tại các tỉnh miền Trung nếu thời điểm chưa xảy ra lũ, bão phải luôn duy trì mức nước theo quy định của công trình, khi lũ về thì có giải pháp phòng lũ, không gây bất lợi cho hạ du”- ông Tô Xuân Bảo lưu ý.
Đảm bảo an toàn hạ du và công trình thủy điện
Ông Tô Xuân Bảo cũng nhìn nhận, vai trò của các hồ chứa thủy điện trong việc cắt/giảm lũ cho hạ du thể hiện rõ trong đợt mưa lũ vừa qua, lưu lượng về các hồ thủy điện khu vực miền Trung tăng nhanh. Tuy nhiên, các hồ thủy điện đã vận hành an toàn và tuân thủ quy trình vận hành (liên hồ, đơn hồ) được cấp thẩm quyền phê duyệt, không gây tác động bất lợi cho hạ du.
Theo quy trình vận hành liên hồ chứa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tất cả các hồ chứa thủy điện lớn trên cả nước đều phải duy trì mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường trong mùa lũ để tham gia cắt giảm lũ cho hạ du khi có yêu cầu, vận hành xả nước theo yêu cầu sử dụng nước của hạ du về mùa cạn.
Để đảm bảo vận hành an toàn hồ chứa thuỷ điện, đặc biệt là trong mùa mưa bão, Bộ Công Thương, trong vai trò cơ quan quản lý nhà nước, đã liên tục có những chỉ đạo đảm bảo công tác an toàn và xả lũ đúng quy định đối với hồ chứa thuỷ điện, trên tinh thần không gây bất lợi cho hạ du.
“Luôn chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn cho công trình thủy đện vvaf vùng hạ du; duy trì lực lượng thường trực vận hành điều tiết xả lũ hồ thủy điện trên địa bàn đảm bảo an toàn, đúng quy trình, có kế hoạch dự phòng giảm áp lực ngập lụt cho vùng hạ du. Đồng thời, tổ chức lực lượng tuần tra canh gác, ứng cứu đảm bảo an toàn các hồ chứa thuộc phạm vi quản lý để chủ động phòng, tránh”- ông Tô Xuân Bảo nhấn mạnh.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát tình hình, tăng cường phối hợp cùng địa phương và doanh nghiệp để đảm bảo việc vận hành an toàn các dự án thủy điện trong mùa mưa lũ, kịp thời ứng phó thiên tai, lường trước các tình huống xảy ra.
Bên cạnh đó, tổ chức quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn để chủ động báo cáo cấp thẩm quyền, phối hợp với các cơ quan có liên quan vận hành hồ chứa an toàn, hiệu quả; tham gia cắt/giảm/làm chậm lũ, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du; nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được phê duyệt, đặc biệt là khi xuất hiện các tình huống bất thường.