Chiều 15/8, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Ngày 15/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022. Phiên họp diễn ra trong thời gian 4 ngày làm việc (từ ngày 15 -18/8/2022) để Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét 11 dự án luật, pháp lệnh và nghị quyết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thành công của phiên họp chuyên đề này là một trong những yếu tố rất quan trọng quyết định chất lượng và sự thành công của Kỳ họp thứ 4. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung cao độ để cho ý kiến, chuẩn bị kỹ lưỡng, xem xét, toàn diện, đảm bảo chất lượng cao nhất các dự án luật trước khi trình Quốc hội.
Cụ thể, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 5 dự án luật đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và dự kiến sẽ xem xét và biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 4 gồm: Dự án Luật Dầu khí(sửa đổi), dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
“5 dự án luật này đều đã được cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra chuẩn bị một cách rất kỹ lưỡng, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, về cơ bản các dự án luật nhận được sự đồng thuận nhất trí cao và chỉ còn một số vấn đề quan trọng, cá biệt còn một số nội dung có ý kiến khác nhau” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đặc biệt, tại phiên họp chuyên đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 3 dự án luật trình Quốc hội lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4 gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), dự án Luật Phòng thủ dân sự và dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan tập trung cho ý kiến những vấn đề lớn, quan trọng, các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, kinh nghiệm quốc tế, nhu cầu thực tiễn…để tiếp tục làm sâu sắc và hoàn thiện hơn các dự án luật trước khi trình đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Theo dự kiến chương trình, chiều ngày 15/8, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Sau khi, Bộ trưởng Bộ Công Thương trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó, đã chỉ rõ và đặt ra yêu cầu xem xét, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Do vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có 07 chương, 80 Điều, trong đó, bổ sung mới 29 Điều khoản, sửa đổi 49 Điều khoản và giữ nguyên 02 Điều khoản (Các điều 68, 80 của Dự thảo, trong Luật hiện hành tương ứng với các Điều 39, 51).