Chiến sự Nga- Ukraine hôm nay ngày 6/8/2023: Ukraine thừa nhận thiếu vũ khí
Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời Cố vấn Tổng thống Ukraine Mikhail Podolyak đã thừa nhận lực lượng vũ trang Ukraine đang lâm vào tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược. Tuy nhiên, tình hình cụ thể không được tiết lộ.
“Do tình hình chiến sự căng thẳng, chúng tôi đang lâm vào tình trạng thiếu hụt vũ khí đáng kể”, ông Mikhail Podolyak nói. Do thiếu các trang bị rà phá bom mìn đã khiến chiến dịch phản công quy mô lớn của Ukraine không thể đạt được kết quả mong muốn.
Thay mặt Chính phủ Ukraine, ông Mikhail Podolyak mong muốn các đối tác phương Tây tăng cường viện trợ tên lửa và đạn pháo cho quân đội nước này. Cố vấn Tổng thống Ukraine nhấn mạnh, Ukraine hiện mong muốn sớm nhận được các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại và máy bay chiến đấu F-16.
Theo các con số thống kê trên chiến trường, tính từ đầu cuộc phản công tới nay, Quân đội Ukraine đã thiệt hại khoảng hơn 30% vũ khí, trang bị quân sự do Mỹ và phương Tây viện trợ. Con số viện trợ bổ sung không thể bù đắp hàng trăm phương tiện chiến đấu hạng nặng đã bị phá hủy hoặc vô hiệu hóa trên chiến trường.
Liên quan tới khả năng viện trợ máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, trả lời phỏng vấn hãng tin Izvesita, chuyên gia quân sự Dmitry Kornev đánh giá, các máy bay chiến đấu thế hệ 4 này có thể được quân đội Ukraine sử dụng như những bệ phóng tên lửa hành trình không đối đất. Với tầm bắn vượt ngoài các ô phòng không, sự kết hợp trên sẽ giúp giảm thời gian huấn luyện chuyển loại phi công Ukraine, khi họ chỉ cần thực hiện những thao tác đơn giản dựa trên các thông tin tình báo do Mỹ và phương Tây cung cấp về mục tiêu.
Ngoài ra, trong bối cảnh Ukraine đang thiếu máy bay chiến đấu trầm trọng, việc có thêm các máy bay F-16 sẽ giúp ích đáng kể cho Kiev trong các nhiệm vụ phòng không. Máy bay hạng trung F-16 phù hợp cho các nhiệm vụ ngăn chặn máy bay không người lái và tên lửa hành trình tấn công của Nga.
Không quân Ukraine cũng có thể sử dụng F-16 để đánh chặn các máy bay tiêm kích-bom của Không quân-vũ trụ Nga. Tuy nhiên, nhiệm vụ này cần các phi công kỳ cựu, có đủ kỹ năng tham gia các trận không chiến quần vòng hoặc không chiến ngoài tầm nhìn. Đây là nhiệm vụ rất nguy hiểm khi F-16 phải đối đầu với các đơn vị máy bay tiêm kích hạng nặng Su-30 và Su-35S cơ ưu thế về radar và vũ khí hơn đáng kể.
Đồng quan điểm về vấn đề này, nhà quan sát quân sự Viktor Litovkin nhận định, máy bay F-16 có tính năng thua kém nhiều so với các dòng tiêm kích phổ thông Su-30 và Su-35 của Nga. Ngoài ra, chuyên gia quân sự này cho rằng, ở thời điểm hiện tại, việc viện trợ F-16 cho Ukraine là vô nghĩa vì dòng máy bay chuẩn NATO này cần sân bay được chuẩn bị ở tiêu chuẩn cao và không thể hoạt động ở môi trường dã chiến như các loại máy bay tiêm kích đồng cấp do Liên Xô và Nga phát triển.
Từ thực tiễn chiến trường Ukraine, nhiều sĩ quan NATO đã nêu một chướng ngại đáng kể đối với chiến dịch phản công của Ukraine là do sự xanh tốt của cây cối trong mùa hè ở quốc gia Đông Âu này. Tờ 19FortyFive của Mỹ dẫn lời sĩ quan NATO đã nghỉ hưu Stavros Atlamazoglou đăng tải: “Trong các đoạn clip miêu tả hoạt động giao tranh, bạn có thể thấy các binh sĩ Ukraine chịu tổn thất cao như thế nào trước mìn sát thương. Đơn giản là họ không thể phát hiện ra mìn được cài trong các bụi rậm xanh tốt”.
Ông Stavros Atlamazoglou cũng đánh giá cao khả năng tác chiến của quân đội Nga, khi các đơn vị ngoài tiền tuyến có khả năng thích nghi và áp dụng nhiều chiến thuật đa dạng để làm chậm bước tiến phản công của Quân đội Ukraine.
Về vấn đề này, tướng Mỹ đã nghỉ hưu Mark Kimmitt cho rằng, Nga đã xây dựng hệ thống công sự và bãi mìn có tính chiều sâu và khoa học. Theo lời chuyên gia này, vùng xám do quân đội Nga tạo ra thực tế là “20km địa ngục” đối với bất kỳ đội quân nào.