Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 25/5/2024: NATO muốn Ukraine tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga?
Trả lời phỏng vấn tờ The Economist, Tổng thư ký khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia thành viên ủng hộ Ukraine được phép tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga.
Thất bại trên tiền tuyến khiến NATO phải tính toán cho Ukraine leo thang xung đột bằng cách tấn công vào lãnh thổ Nga. Ảnh: getty |
“Đã đến lúc các đồng minh cân nhắc liệu họ có nên dỡ bỏ một số hạn chế mà họ đặt ra đối với việc sử dụng vũ khí được chuyển giao cho Ukraine hay không”, ông Jens Stoltenberg tuyên bố.
Tổng thư ký NATO nhấn mạnh, chiến lược cần phải thay đổi ngay bây giờ, khi các hoạt động quân sự đang diễn ra ở vùng Kharkov, cách biên giới Nga không xa. Theo Tổng thư ký NATO, vì Kiev không thể tấn công “các mục tiêu quân sự hợp pháp” ở trên lãnh thổ Nga nên nước này khó có thể tự vệ. Đồng thời, ông bày tỏ nghi ngờ rằng cuộc tấn công của Nga trong khu vực sẽ dẫn đến đột phá chiến lược trên mặt trận.
Trong khi đó, đánh giá về khả năng NATO gửi quân tới Ukraine, ông Jens Stoltenberg tuyên bố: “Chúng tôi không có ý định gửi lực lượng trên bộ của NATO tới Ukraine”.
Đồng thời, ông này lưu ý rằng liên minh sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine vũ khí, đạn dược và giúp huấn luyện binh lính. Tổng thư ký NATO thừa nhận nguy cơ leo thang. Ông nói, nhiệm vụ là ngăn chặn cuộc xung đột biến thành một cuộc chiến toàn diện giữa Nga và NATO ở châu Âu.
Hiện tại, thời điểm chính xác Ukraine gia nhập NATO vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, ông Jen Stoltenberg nói rằng liên minh đang giúp Ukraine đạt được các điều kiện cho việc kết nạp.
Theo Tổng thư ký NATO, Kiev phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của liên minh và tăng cường “khả năng tương thích hoạt động” với liên minh. Ông cũng nói thêm rằng để kết nạp một quốc gia vào liên minh, cần phải có ý chí chính trị của lãnh đạo các nước tham gia liên minh.
Ông Jen Stoltenberg nhấn mạnh rằng ngay cả khi tình hình ở mặt trận trở nên thuận lợi cho Kiev, nước này sẽ không thể trở thành thành viên của liên minh trong nhiều năm tới. Ông cũng kêu gọi đừng mong đợi những quyết định nghiêm túc về Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào mùa hè tới nhân kỷ niệm 75 năm thành lập NATO.
Cuộc xung đột tại Ukraine chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt. Ảnh: AP |
Trước tuyên bố có phần leo thang xung đột của Tổng thư ký NATO, Chủ tịch Các vấn đề Dân tộc ở Crimea Zaur Smirnov tuyên bố: “Lời kêu gọi của Stoltenberg không gì khác hơn là một nỗ lực của tập thể phương Tây nhằm đe dọa Nga và gây áp lực lên chúng ta. Điều này xảy ra trong bối cảnh quân đội Nga tấn công thành công và củng cố vị thế của Nga trong trường hợp diễn ra đàm phán”.
Ông Zaur Smirnov cho biết Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công trên lãnh thổ Nga và nói thêm rằng trong trường hợp xảy ra nguy hiểm chiến lược, Moscow sẽ thực hiện các biện pháp phù hợp theo học thuyết quân sự đã đề ra.
Trong khi đó, các nguồn tin ngoại giao ở phương Tây đánh giá, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sẵn sàng đàm phán về các điều kiện hòa bình ở Ukraine.
Các nguồn tin trên cho biết, Tổng thống Nga từng thất vọng trước các nỗ lực của phương Tây khiến cuộc đàm phán tưởng chừng như đã diễn ra trong năm 2022 về vấn đề Ukraine đổ vỡ. Cũng như vấn đề Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky tuyên bố không đàm phán với Nga, khi ông Vladimir Putin còn giữ chức tổng thống trong một sắc lệnh chính thức cùng năm.
“Ông Putin có thể chiến đấu miễn là cần thiết, nhưng ông ấy cũng sẵn sàng ngừng bắn để đóng băng xung đột”, nguồn tin ngoại giao châu Âu đánh giá. Nhà lãnh đạo Nga coi những thành công trong Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đủ để được coi là một chiến thắng.
Theo hãng tin Reuters của Anh, giới chính trị phương Tây nhận định, sẽ không có thỏa thuận hòa bình tại Ukraine chừng nào Tổng thống Volodymir Zelensky còn tại vị ở Kiev. Như vậy, vấn đề hòa bình tại Ukraine chỉ có thể diễn ra giữa Nga và Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ không tin vào sự động lực của Nga trong việc giải quyết xung đột. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đánh giá rằng Moscow được cho là “chưa sẵn sàng cho việc này”.
“Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin thể hiện sự quan tâm nghiêm túc tới việc tổ chức đàm phán hòa bình, tôi tin chắc Ukraine sẽ phản ứng tích cực với sáng kiến này”, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố trong chuyến viếng thăm Kiev mới đây.