Chiến sự Nga - Ukraine 3/3: Tổng thống Putin tố quân Ukraine vượt biên giới
Thông tin chiến sự
Nga đẩy mạnh tấn công Bakhmut. Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết: “Quân Nga đang tấn công thị trấn Bakhmut” và nhắc lại thông tin binh sĩ Nga hiện diện trong thành phố, không chỉ ở ngoại ô. Trước đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cũng cho biết, các lực lượng Nga đã tiến vào trong Bakhmut và tiếp tục tấn công xung quanh thành phố.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine nói rằng, trong vòng 24h qua, các lực lượng Nga đã tiến hành 24 cuộc không kích vào các vị trí của quân đội Ukraine, mở 3 cuộc tấn công tên lửa vào TP. Chasiv Yar thuộc vùng Donetsk, nằm cách Bakhmut 5km về phía tây và Zaporizhzhia. Ngoài ra, các lực lượng Nga cũng tiến hành 55 cuộc tấn công bằng hệ thống phóng loạt tên lửa ở vùng Sumy. “Mối đe dọa về các cuộc tấn công tên lửa tiếp theo vẫn còn cao trên khắp Ukraine”, quân đội Ukraine cho biết.
Ukraine nêu khả năng rút khỏi pháo đài Bakhmut. Quân đội Ukraine tuyên bố đã tính đến phương án rút khỏi TP.Bakhmut, trong bối cảnh Nga tăng cường các cuộc tấn công vào pháo đài chiến lược này. Người phát ngôn Bộ chỉ huy tác chiến miền Đông Ukraine Serhiy Cherevaty hôm 2/3 cho biết quân đội nước này đã tính đến phương án rút khỏi Bakhmut, nhưng quyết định như vậy sẽ chỉ được đưa ra nếu “thực sự cần thiết”. “Nếu Bộ Tư lệnh thấy rằng việc duy trì một khu vực nhất định vẫn cần thiết, chúng ta sẽ chiến đấu vì điều đó. Nếu một hành động chiến thuật cần được thực hiện, chúng ta vẫn sẽ thực hiện”, ông Cherevaty tuyên bố. Theo ông Cherevaty, các lực lượng Ukraine đang chiến đấu để giữ vững TP. Bakhmut ở tỉnh Donetsk, nơi đã bị phá hủy phần lớn, ngay cả khi Nga đẩy mạnh cuộc tấn công khốc liệt vào khu vực này.
Một số diễn biến liên quan
Nga vạch lằn ranh đỏ xung đột trực tiếp với NATO. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev ngày 2/3 cảnh báo Mỹ và các đồng minh rằng, họ sẽ bị coi là các bên trực tiếp tham gia xung đột với Nga nếu ngoài cung cấp vũ khí, các nước này còn huấn luyện cho Ukraine, đưa máy bay chiến đấu đến đồn trú ở Ba Lan. “Nếu phương Tây đưa máy bay chiến đấu đến đồn trú ở Ba Lan để có thể chuyển cho Ukraine trong tương lai, điều đó có nghĩa là NATO sẽ trở thành bên trực tiếp tham gia vào xung đột với Nga, khi đó, họ sẽ phải gánh mọi hậu quả”, ông Medvedev bình luận trên mạng xã hội. Ông Medvedev nhấn mạnh: “Bất cứ ai quyết định viện trợ những vũ khí trên hay hỗ trợ sửa chữa chúng cùng với các huấn luyện viên quân sự, lính đánh thuê nước ngoài đều bị coi là mục tiêu tấn công quân sự chính đáng (của Nga)”. Ông cho rằng, lo ngại này là lý do duy nhất đến nay phương Tây vẫn do dự chưa chuyển máy bay chiến đấu và vũ khí tầm xa cho Kiev.
Tổng thống Putin tố quân Ukraine vượt biên giới, bắn dân Nga. Thống đốc tỉnh Bryansk Alexander Bogomaz viết trên Telegram: “Hôm nay, một nhóm trinh sát và phá hoại Ukraine đã thâm nhập vào quận Klimovsky ở làng Lubechanye. Họ bắn vào một chiếc ô tô đang chạy. Hậu quả của vụ tấn công là một người dân thiệt mạng và một trẻ em 10 tuổi bị thương”. Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin tố rằng nhóm người đã cố tình bắn chiếc xe dù biết nó là xe dân sự. “Chúng tôi sẽ nghiền nát họ”, ông Putin nói.
Mỹ công bố thêm viện trợ quân sự cho Ukraine. Nhà Trắng sẽ công bố một đợt hỗ trợ quân sự nữa cho Ukraine. Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden, điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết.
Tuyên bố trước các phóng viên ở Nhà Trắng, ông Kirby nói: “Mỹ sẽ có một đợt hỗ trợ cho Ukraine vào ngày 3/3, chủ yếu là đạn dược mà Ukraine cần cho các hệ thống mà họ đã có, như HIMARS và pháo”. Thông báo trên được đưa ra chỉ một tuần sau khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden công bố dành thêm 2 tỷ USD cho quỹ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine. Khoản tài trợ này dùng để mua sắm vũ khí, máy bay cho Ukraine.
Ukraine thúc giục EU trừng phạt Nga hơn nữa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleh Nikolenko đã thúc giục Liên minh châu Âu (EU) áp đặt gói trừng phạt thứ 11 nhắm vào Nga. Ông này lập luận Nga vẫn còn khả năng tiếp cận các nguồn tài chính và công nghệ khổng lồ, do đó EU cần thông qua gói trừng phạt mới “càng sớm càng tốt”. Gói trừng phạt thứ 10 của EU đã loại bỏ lĩnh vực hạt nhân của Nga do vấp phải sự phản đối của một số thành viên. Theo ông Oleh Nikolenko, không thể nới lỏng hay dừng trừng phạt Nga trong lúc “chiến tranh vẫn tiếp diễn ở trung tâm châu Âu”.
Đức kêu gọi Trung Quốc gây áp lực để Nga rút quân. Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi Trung Quốc không gửi vũ khí cho Nga, thay vào đó hãy gây áp lực để Nga rút quân. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Đức ngày 2/3, Thủ tướng Olaf Scholz nói ông thất vọng khi Trung Quốc không lên án cuộc tấn công của Nga, nhưng ông cũng hoan nghênh nỗ lực của Bắc Kinh trong việc giảm leo thang hạt nhân. “Thông điệp của tôi với Bắc Kinh rất rõ ràng: Hãy sử dụng ảnh hưởng để kêu gọi Nga rút quân và đừng cung cấp bất kỳ vũ khí nào cho Nga”, ông Scholz nói.
Cũng theo ông Scholz, Đức và các đồng minh đang đàm phán với Ukraine về các đảm bảo an ninh trong tương lai, nhằm chuẩn bị một nền hòa bình bền vững cho Ukraine. “Chúng tôi đang nói chuyện với Kiev và các đối tác khác về đảm bảo an ninh trong tương lai cho Ukraine”, ông Scholz nói. “Tuy nhiên, những đảm bảo an ninh như vậy đi kèm với giả định rằng Ukraine sẽ tự vệ thành công trong cuộc chiến này”, thủ tướng Đức nói thêm, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev.