Chiến sự Nga-Ukraine 2/4: Nga cảnh báo kịch bản EU hiện diện quân sự tại Ukraine; Kiev bác đề xuất hòa bình của Belarus
Đáp lại bình luận của Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 31/3 về khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên minh châu Âu (EU) tại Ukraine, Thư ký báo chí phủ Tổng thống Nga, Dmitry Peskov cảnh báo bất kỳ ý tưởng nào về khả năng triển khai lực lượng quân sự của EU ở Ukraine đều rất nguy hiểm.
Sự xuất hiện của lực lượng gìn giữ hòa bình EU tại Ukraine có thể làm leo thang đối đầu Nga - NATO |
"Nếu thông tin ấy thực sự nghiêm túc, thì đó là một cuộc thảo luận cực kỳ nguy hiểm. Trong thực tiễn thế giới, các lực lượng như vậy thường chỉ được sử dụng khi có sự đồng ý của cả hai bên. Trong trường hợp này, một quyết định như vậy có thể gây leo thang căng thẳng mạnh mẽ", ông D. Peskov nhấn mạnh.
Tuyên bố của Thư ký báo chí phủ Tổng thống Nga được đưa ra sau khi Thủ tướng Orban tiết lộ rằng các nhà lãnh đạo EU sắp tổ chức một cuộc thảo luận về việc liệu các quốc gia thành viên có thể hoặc có nên gửi một số lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine hay không, bất chấp những chỉ trích có thể xảy ra từ phía Nga.
Nhà lãnh đạo Hungary cảnh báo rằng cuộc xung đột ở Ukraine ngày càng trở nên căng thẳng hơn, đồng thời đặt câu hỏi tại sao các nhà lãnh đạo EU không tập trung vào việc cố gắng đạt được hòa bình thông qua các biện pháp ngoại giao, thay vì cung cấp các công cụ nguy hiểm hơn cho Kiev và châm ngòi cho chiến sự: "Nếu điều này tiếp tục, nguy cơ xảy ra xung đột thế giới không còn là phóng đại".
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm ngoái, Budapest đã liên tục phản đối các biện pháp trừng phạt đối với các nguồn năng lượng của Nga và từ chối gửi viện trợ quân sự cho các lực lượng của Kiev, viện dẫn nhu cầu duy trì và trang bị cho quân đội Hungary.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover tuyên bố trên kênh truyền hình HirTV rằng viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ USD dành cho chế độ Kiev đã biến các nước phương Tây thành bên tham gia xung đột: "Các thành viên của NATO và EU đã gửi cho Ukraine những thiết bị quân sự sát thương trị giá gần 60 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là những quốc gia thành viên của EU và NATO thực tế đều là thành viên của cuộc xung đột, mặc dù hiện thời họ chưa tham chiến".
Trong khi đó, nghị sĩ Nga Alexey Chepa cho rằng nếu EU quyết định cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine, thì chắc chắn điều đó sẽ được hiểu là can dự trực tiếp vào chiến sự và âm mưu kích động xung đột Nga-NATO. Trong trường hợp này, Nga có thể buộc phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đối tác Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), bao gồm Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.
Liên quan tới tình hình xung đột, Bộ Quốc phòng Ukraine vừa lên tiếng chỉ trích việc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn" giữa Nga và Ukraine và gọi đây là lời đề nghị vô lý nhất từng được đưa ra.
Sáng kiến của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko không được phía Ukraine chấp nhận ở thời điểm hiện tại khi thực tế chiến trường chưa ngã ngũ. |
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm 31/3 cảnh báo rằng cuộc xung đột ở Ukraine phải đi đến một kết thúc hòa bình trước khi bắt đầu leo thang: "Tôi sẽ mạo hiểm đề nghị chấm dứt chiến sự... tuyên bố đình chiến".
Bộ Quốc phòng Ukraineđã bác bỏ lời kêu gọi hòa bình trên Twitter, nói rằng: "Đây là đề nghị vô lý nhất từng được đưa ra. Trong bối cảnh một năm xảy ra sự kiện Bucha, Tổng thống Belarus đã đề xuất một thỏa thuận ngừng bắn với Nga".
Tại cuộc họp báo chung với lãnh đạo Moldova, Slovenia, Slovakia và Croatia đang ở thăm Ukraine, Tổng thống Volodymir Zelensky khẳng định, Ukraine vẫn để ngỏ đàm phán chấm dứt xung đột với Nga.
Mặt khác, ông nhấn mạnh, điều này chỉ xảy ra khi Nga tự nguyện rút quân khỏi các vùng lãnh thổ của Ukraine. Nhà lãnh đạo Ukraine nói, công thức hòa bình 10 điểm mà ông đưa ra đã vạch rõ quan điểm của Kiev về những hành động mà Moscow cần làm để chấm dứt xung đột: "Chắc chắn sẽ có xác nhận kết thúc chiến sự. Nhưng chỉ tại bàn đàm phán, nơi các bên sẽ ngồi xuống và đại diện của Nga tuyên bố sẽ rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine. Khi đó, tiến trình ngoại giao sẽ bắt đầu. Nếu như chúng tôi tìm cách đẩy lực lượng Nga bằng biện pháp quân sự thì sẽ không còn gì để đàm phán".
Ông V. Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình 10 điểm nhằm chấm dứt chiến sự với Nga vào năm 2022, trong đó yêu cầu Moscow rút toàn bộ quân và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ đề xuất này, coi những điều khoản mà Kiev đưa ra là "không thể chấp nhận được". Ngược lại, Moscow đưa ra bản kế hoạch hòa bình của mình gồm 10 điểm.
Theo bản đề xuất mà Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin đưa ra hồi đầu tuần, Quân đội Ukraine trước tiên phải hạ vũ khí, đồng thời phương Tây phải ngừng toàn bộ hoạt động cung cấp vũ khí cho Kiev.
Một số điều kiện khác là những yêu cầu mà Moscow đã đưa ra tại bàn đàm phán trước đó như Ukraine phải phi quân sự hóa, phi phát xít hóa, cam kết không bao giờ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) hay Liên minh châu Âu (EU), khẳng định vị thế trung lập.
Đặc biệt, Moscow đề nghị Kiev công nhận các thực tế mới về lãnh thổ hay thừa nhận việc Nga đã sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine gồm Kherson, Zaporizhia, Donetsk và Lugansk sau các cuộc trưng cầu dân ý.