Chiến sự Nga - Ukraine 23/2: Nga áp sát Bakhmut, tuyên bố sẽ tự vệ bằng mọi loại vũ khí
Thông tin chiến sự
Nga áp sát Bakhmut. Lãnh đạo nhóm quân sự tư nhân Nga Wagner Yevgeny Prigozhin tuyên bố đang đạt được đà tiến ở Berkhovka, nơi chỉ cách Bakhmut 7km, trong nỗ lực khép chặt vòng vây Ukraine tại chảo lửa Donetsk.
Ông Prigozhin ngày 22/2 tuyên bố nhóm Wagner sẽ sớm kiểm soát hoàn toàn khu định cư Berkhovka, nằm cách Artyomovsk (Ukraine gọi là Bakhmut) 7km. “Tôi tin rằng chúng tôi sẽ sớm cung cấp cho quý vị tin tốt rằng Bekhovka sẽ sớm bị kiểm soát trong thời gian ngắn. Các binh sĩ Wagner đang đạt được đà tiến”, ông Prigozhin nói.
Lực lượng Nga và Wagner đang tiến từ các hướng nhằm mục tiêu tạo thế siết gọng kìm Bakhmut, bất chấp Ukraine phản kháng quyết liệt khiến 2 bên đều chịu thương vong cao. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov tuyên bố, Moscow đã tấn công địa điểm triển khai của lính đánh thuê nước ngoài tại Memrik, Donetsk vào ngày 21/2.
Theo ông Konashenkov, trong 24 giờ qua, lực lượng tên lửa và pháo binh của Nga đã tấn công 84 đơn vị pháo binh Ukraine tại các vị trí khai hỏa, nhân lực và thiết bị quân sự ở 113 khu vực. Tại Kupyansk, Nga tuyên bố loại bỏ 40 binh sĩ Ukraine trong 24h qua. Ông cho biết các lực lượng Nga đã gây thiệt hại cho nhân lực và thiết bị của Ukraine ở khu vực Krasny Liman, làm đối thủ mất 135 binh sĩ trong ngày 21/2.
Ukraine khẳng định vẫn giữ vững tiền tuyến. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định lực lượng nước này vẫn duy trì các cứ điểm ở tiền tuyến tại miền đông, sau khi Nga cho biết đang tiến lên tại một mục tiêu chính trong khu vực. Nga đã nhiều lần tấn công nhằm giành quyền kiểm soát Bakhmut, khiến thành phố ở tỉnh Donetsk trở thành nơi giao tranh khốc liệt trong thời gian dài.
Giới chức Ukraine và phương Tây cho rằng lực lượng thân Nga đã tổn thất hàng ngàn binh sĩ tại đây. “Điều rất quan trọng là dù lực lượng Ukraine chịu áp lực lớn, tiền tuyến vẫn chưa bị thay đổi”, Tổng thống Zelensky phát biểu sau khi được báo cáo chi tiết. Ông cho biết các binh sĩ Nga còn tìm cách kiểm soát Avdiivka, điểm quan trọng thứ 2 tại Donetsk.
Một số diễn biến liên quan
Ông Medvedev tuyên bố Nga sẽ tự vệ bằng mọi loại vũ khí, kể cả hạt nhân. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết: “Tất cả các cường quốc đều thấy rõ rằng nếu Mỹ muốn đánh bại Nga, chúng ta sẽ đi tới một cuộc xung đột trên quy mô toàn cầu. Nếu Mỹ muốn đánh bại Nga, chúng tôi có quyền tự vệ bằng bất kỳ loại vũ khí nào, kể cả vũ khí hạt nhân”.
Ông Medvedev cho rằng việc Nga mới đây tuyên bố dừng Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) - hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng của nước này với Mỹ - là phản ứng đáng lẽ đã được đưa ra từ lâu, trước việc Mỹ và NATO “tuyên chiến” với Nga. “Việc Mỹ và các nước NATO khác tuyên chiến với đất nước chúng tôi đã buộc chúng tôi đưa ra quyết định này”, ông Medvedev giải thích.
Lãnh thổ Nga bị tấn công. Ít nhất 2 người bị thương phải nhập viện sau khi một trung tâm thương mại ở Shebekino, vùng Belgorod của Nga bị pháo kích ngày 22/2. Belgorod là vùng nằm giáp với Ukraine. Lãnh đạo Belgorod Vyacheslav Gladkov cho biết một trong 2 người bị thương trong tình trạng nguy kịch do bị trúng mảnh kim loại. Vụ pháo kích gây cháy trung tâm thương mại nhưng ngọn lửa được dập tắt sau đó.
Mỹ cảnh báo hậu quả nếu Trung Quốc cấp vũ khí cho Ukraine. Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cảnh báo Trung Quốc sẽ chịu hậu quả nếu nước này cung cấp viện trợ quân sự sát thương cho Nga trong cuộc xung đột với Ukraine. “Chúng tôi chưa thấy Trung Quốc viện trợ vũ khí sát thương cho Nga vào thời điểm này, cho cuộc xung đột, nhưng họ cũng không loại trừ khả năng đó. Tôi tin rằng Ngoại trưởng Blinken cũng đã gặp người đồng cấp của ông ở Đức vào tuần trước, chúng tôi nhất trí rằng sẽ có những hậu quả đối với Trung Quốc nếu mối quan hệ đối tác này với Nga ngày càng sâu sắc hơn”, bà Singh nói. Bà Singh nói thêm rằng việc Trung Quốc viện trợ vũ khí sát thương cho Nga trong cuộc xung đột với Ukraine “chắc chắn là một tính toán sai lầm”.
Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng về hòa bình ở Ukraine. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho rằng xung đột tại Ukraine phải được chấm dứt thông qua ngoại giao và đàm phán. “Chúng tôi, cũng như Tổng thống Zelensky biết rằng cuộc chiến này phải chấm dứt bằng ngoại giao, nó phải chấm dứt bằng đàm phán, và giờ đây chúng tôi tập trung tăng cường sức mạnh cho đối tác Ukraine để khi có đàm phán, họ có vị thế mạnh nhất”, theo ông Price. Đại hội đồng Liên hợp quốc họp vào ngày 22/2 và nhiều bên hy vọng sẽ đạt sự ủng hộ đối với một dự thảo nghị quyết kêu gọi hòa bình lâu dài cho Ukraine. Dự thảo nghị quyết được 60 nước ủng hộ sẽ được bỏ phiếu sau khi phần tranh luận kết thúc, dự kiến sẽ kéo dài ít nhất đến ngày 23/2.