Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030: Vì nền tài chính quốc gia minh bạch
Cùng với vai trò và địa vị của Kiểm toán nhà nước được hiến định trong Hiến pháp năm 2013; Luật Kiểm toán nhà nước năm 2005, Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (năm 2019) thì Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2020 và Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2021 - 2030) đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước. Trong đó, Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 giúp Kiểm toán nhà nước xác định rõ hơn bao giờ hết về tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi và mục tiêu phát triển trong thời gian tới…
Tạo nền móng cho hoạt động kiểm toán
Nhìn lại chặng đường vừa qua, Kiểm toán nhà nước đã triển khai thực hiện thành công Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2020, cơ bản hoàn thành tốt các mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra, tạo nền móng quan trọng cho việc xây dựng cơ quan Kiểm toán nhà nước có trình độ cao, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao và tạo tiền đề, động lực phát triển cho những năm tiếp theo.
Tổng Kiểm toán nhà nước - Ngô Văn Tuấn - cho biết, Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 đã xác định rõ quan điểm xây dựng Kiểm toán nhà nước xứng đáng là cơ quan thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại; giữ vững giá trị cốt lõi “Độc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín - Chất lượng”, góp phần quan trọng vào sự phát triển ổn định, bền vững, minh bạch nền tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch, bảo vệ pháp luật, sự liêm chính, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước…
Mục tiêu tổng quát đề ra trong Chiến lược là phát triển Kiểm toán nhà nước trở thành công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hỗ trợ Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Đồng thời, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân; góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý, quản trị tài chính, tài sản công của Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2030.
Thông qua hoạt động kiểm toán đã thúc đẩy trách nhiệm giải trình, tính công khai, minh bạch |
Việc thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 tập trung vào 3 trụ cột quan trọng là: Khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực và công nghệ. Từ 3 trụ cột trên, Chiến lược đã xác định rõ 7 nội dung cụ thể, gồm: hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước; phát triển hệ thống tổ chức bộ máy; phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng kiểm toán; hội nhập và hợp tác quốc tế; phát triển cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền và nghiên cứu khoa học; phát triển công nghệ thông tin nhằm hiện thực hóa các mục tiêu cụ thể của Chiến lược. Đồng thời, Chiến lược cũng đề cập đến các nhiệm vụ, lộ trình để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra.
Ông Hoàng Phú Thọ - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán nhà nước - cho biết, thông qua hoạt động kiểm toán đã thúc đẩy trách nhiệm giải trình, tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng tài chính công, tài sản công và nhận thức của xã hội. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ sở pháp lý để đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đặt ra đối với KTNN trong tình hình mới về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và kiểm soát quyền lực gắn với chức năng kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; phục vụ hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao của Quốc hội.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Kiểm toán nhà nước - Đỗ Văn Tạo - chia sẻ, Kiểm toán nhà nước hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực tinh gọn, đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và có cơ cấu hợp lý; đến năm 2030 tối đa không quá 2.700 người, sắp xếp bố trí, sử dụng đội ngũ dựa trên Đề án vị trí việc làm, tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ và yêu cầu công việc thực tế; 100% kiểm toán viên nhà nước, công chức trực tiếp tham gia hoạt động kiểm toán, làm công tác kế hoạch, tổng hợp, thẩm định báo cáo kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán tương xứng với yêu cầu của nghề nghiệp kiểm toán, chuẩn mực quốc tế...
Nâng cao toàn diện chất lượng hoạt động kiểm toán
“Trong thực hiện mục tiêu nhiệm vụ chính trị, Kiểm toán nhà nước đã và đang quyết liệt đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán toàn diện trên cả 3 mặt năng lực, hiệu lực và hiệu quả; đặc biệt là việc nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện kiểm toán” - ông Vũ Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán nhà nước - cho biết. Trong đó, Kiểm toán nhà nước phấn đấu giai đoạn 2026-2030 thực hiện kiểm toán thường xuyên hằng năm đối với quyết toán ngân sách nhà nước các Bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tăng cường kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường đạt tỷ lệ khoảng 30% đến 40% số lượng các cuộc kiểm toán hằng năm; chú trọng việc phát hiện các sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị hoàn thiện; nâng cao chất lượng các kết luận, kiến nghị kiểm toán, theo dõi, đôn đốc và có giải pháp để đến năm 2030 hầu hết các kiến nghị kiểm toán được thực hiện; chuyển đổi từ quy trình kiểm toán truyền thống sang quy trình kiểm toán số dựa trên nền tảng dữ liệu lớn với sự hỗ trợ của công nghệ trí tuệ nhân tạo một cách chủ động; thực hiện hoạt động “cho ý kiến” hoặc “tiền kiểm” với dự án đầu tư trọng điểm quốc gia, các chủ trương, chính sách lớn, các chương trình mục tiêu quốc gia; chú trọng kiểm toán các nội dung gắn với Chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững, ứng phó những vấn đề mới nổi; nâng cao năng lực kiểm toán đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của Chính phủ, yêu cầu giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp.
Kiểm toán nhà nước cũng không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán, rút ngắn thời gian kiểm toán; xây dựng phương án tổ chức kiểm toán hàng năm khoa học và chặt chẽ; nâng cao chất lượng công tác khảo sát lập kế hoạch kiểm toán và phân tích, tổng hợp kết quả kiểm toán; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, kiểm tra của Đảng và Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhất là công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán và trao đổi thông tin. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện đầy đủ các quy trình, hồ sơ mẫu biểu, hướng dẫn kiểm toán; chuẩn hóa hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán từ đoàn, tổ kiểm toán và thành viên đoàn kiểm toán. Nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, lựa chọn tiếp thu những phương pháp kiểm toán mới, tiên tiến, hiện đại.
Kiểm toán nhà nước tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Kiểm toán nhà nước |
Tích cực hội nhập quốc tế, ứng dụng công nghệ
Theo ông Nguyễn Bá Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Kiểm toán nhà nước, đối với mục tiêu hội nhập và hợp tác quốc tế đã được Kiểm toán nhà nước cụ thể hóa thành Chiến lược hội nhập và hợp tác quốc tế đến năm 2030 với yêu cầu đặt ra là lấy hội nhập chuyên môn làm trụ cột; nhanh chóng thu hẹp khoảng cách, khẳng định năng lực chuyên môn của Kiểm toán nhà nước Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; phát triển đồng thời hợp tác song phương và đa phương, trong đó hợp tác đa phương nhằm nâng cao hình ảnh, vị thế với cộng đồng quốc tế thông qua việc chủ động tham gia, xây dựng các quy tắc, chuẩn mực kiểm toán chung; hợp tác song phương nhằm tập trung phát triển chiều sâu, chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, nâng cao năng lực của Kiểm toán nhà nước; tổ chức thực hiện một số cuộc kiểm toán phối hợp, cử hoặc tiếp nhận cán bộ tham gia thực tập kiểm toán, thực hiện đánh giá chéo giữa các cơ quan Kiểm toán tối cao khu vực và thế giới.
Kiểm toán nhà nước tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Kiểm toán nhà nước, gắn với cải cách hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động kiểm toán; hình thành hệ thống nền tảng quản trị thông minh, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số; tăng cường các cuộc kiểm toán tại trụ sở; đến năm 2025 cơ bản hình thành kiểm toán số phù hợp với lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình kiểm toán nhằm thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán đảm bảo tính khách quan, đúng đắn, trung thực, rút ngắn thời gian và giảm thiểu rủi ro kiểm toán.
Có thể thấy rõ, với nội dung toàn diện, sát thực tiễn tình hình, việc thực hiện Chiến lược sẽ tác động tích cực đến việc định hướng hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước, nâng tầm ảnh hưởng, vai trò, vị thế của Kiểm toán nhà nước ở trong nước và trên trường quốc tế. Chiến lược cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thiện tổ chức bộ máy Kiểm toán nhà nước tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; định hướng xây dựng kế hoạch kiểm toán có lộ trình phù hợp với chiến lược phát triển đất nước; nâng cao giá trị kết luận, kiến nghị kiểm toán, ý kiến của Kiểm toán nhà nước phục vụ cho công tác lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; đồng thời tích cực phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn thất thoát, lãng phí nguồn lực quốc gia và sử dụng hiệu quả các nguồn lực công.