Cháy lớn tại xưởng may Hoàng Mai: Cảnh báo nguy cơ cháy nổ từ loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh
Khoảng 20h20 ngày 14/3, Trung tâm thông tin chỉ huy Công an TP. Hà Nội nhận được tin cháy xưởng may tại TT6.1B Khu đô thị Đại Kim, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Cháy lớn tại xưởng may ở quận Hoàng Mai |
Ngay sau khi nhận được tin báo, trung tâm đã điều lực lượng phòng cháy chữa cháy quận Hoàng Mai và Thanh Xuân đến chữa cháy. Sau khoảng 5 phút tích cực chữa cháy, đám cháy được dập tắt hoàn toàn, không cháy lan.
Cùng thời điểm, lực lượng chữa cháy đang dập lửa tại tầng một, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tìm kiếm, tiếp cận 5 nạn nhân và đưa họ xuống vị trí an toàn rồi bàn giao lại cho lực lượng y tế và Công an phường.
Điểm cháy được xác định xuất phát từ tầng 1, phòng chứa vải, diện tích khoảng 7-10m2. Sau đó, khói từ đám cháy lan lên các tầng trên. Đây được xác định là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Tầng 1 là phòng chứa vải, các tầng trên cho thuê phòng trọ.
Rất may mắn không có thương vong về người nhưng sau sự việc các chuyên gia một lần nữa cảnh báo tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ từ loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh.
Loại nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chủ yếu nằm trong khu vực đông dân cư, nhà liền kề dẫn tới nguy cơ cháy lan cao; công tác tiếp cận để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
Các mặt hàng kinh doanh chủ yếu là hàng tạp hóa, gas, buôn bán quần áo, nghề thủ công... là những mặt hàng dễ cháy nổ.
Qua công tác khảo sát thực tế của lực lượng chức năng cho thấy, hệ thống dây dẫn điện trong những loại nhà này không phù hợp với phụ tải, lắp đặt đấu nối không đúng kỹ thuật phục vụ việc kinh doanh và sinh hoạt; không có sự bảo trì, cải tạo, hệ thống điện đã xuống cấp; treo mắc hàng hóa, vật dụng lên đường dây điện; để các chất dễ cháy (gas, xăng, dầu, giấy, vải…) gần đường dây điện và các thiết bị sinh nhiệt như đèn, bếp điện, ổ cắm điện…
Các loại nhà này được thiết kế, xây dựng theo kiểu nhà ống, chỉ có lối đi lại ở cửa chính, đồng thời cũng là cửa thoát nạn, mà không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan, chống khói.
Nhiều hộ kinh doanh còn tự ý cơi nới, cải tạo; lắp đặt biển quảng cáo có kích thước lớn, xây dựng các “lồng” bằng thép kiên cố ở khu vực ban công. Thực trạng đã làm cho công tác phòng chống cháy nổ và cứu nạn cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
Để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ đối với hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, cơ quan chức năng khuyến cáo: Chủ hộ gia đình cần chủ động tìm hiểu để có kiến thức và kỹ năng cơ bản về phòng cháy chữa cháy; đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong hộ gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy và nắm vững kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy, thoát nạn, cứu người trong đám cháy, sơ cứu ban đầu.
Bố trí mặt bằng, sắp xếp vật dụng, hàng hóa bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy. Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt. Chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra.
Chủ động đầu tư lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy sớm như đầu báo cháy tự động, camera; trang bị, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như: Nước, chăn, bình chữa cháy xách tay… để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh; trang bị dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực…), đèn pin, mặt nạ phòng độc, khăn mềm để phòng chống ngạt khói... để mở cửa và thoát nạn.
Quy định rõ vị trí đặt phương tiện này, bảo đảm yêu cầu dễ thấy, dễ lấy và gần lối thoát nạn. Thành viên hộ gia đình cần nắm rõ lối ra thoát nạn tại tầng 1, lối ra khẩn cấp (lối ra thứ 2), vị trí để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ trong nhà; tại khu vực sản xuất, kinh doanh.
Mỗi hộ dân, hộ kinh doanh cần tự trang bị các kiến thức phòng ngừa, kỹ năng khi xảy ra sự cố cháy, nổ; chấp hành pháp luật, bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy.