Cấp phép cho lao động nước ngoài qua mạng: Thuận lợi, giảm chi phí
Lao động nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam tăng |
Dịch chuyển lao động giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển và hội nhập. Bởi vậy, thời gian qua, nước ta đã tiếp nhận lượng lớn lao động nước ngoài tới làm việc. Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội – LĐ-TB&XH), tính đến hết tháng 7/2019, có 91.200 người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam; trong đó, 81.900 người thuộc diện cấp giấy phép. Lao động nước ngoài vào Việt Nam hiện đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo quy định của Chính phủ, khi người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam, cần xin giấy phép lao động để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp; đồng thời giúp cơ quan có thẩm quyền quản lý các hoạt động của lao động tại Việt Nam. Để tiết kiệm chi phí cũng như thời gian của người làm thủ tục, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư số 23/2017/TT-BLĐTB&XH hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử. Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng Cổng thông tin điện tử http://dvc.vieclamvietnam.gov.vn thực hiện việc cấp giấy phép cho lao động nước ngoài qua mạng điện tử. Đồng thời, tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, giúp tăng thêm lựa chọn nhận kết quả cấp giấy phép lao động cho người sử dụng lao động.
Theo đó, người sử dụng lao động khai thông tin vào tờ khai hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động qua cổng thông tin điện tử trước ít nhất 7 ngày làm việc kể từ ngày lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ khai và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, cơ quan cấp giấy phép lao động trả lời kết quả qua thư điện tử cho người lao động, nếu thiếu hồ sơ thì đề nghị bổ sung. Sau khi được trả lời hồ sơ phù hợp, người lao động nộp bản gốc hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động đến cơ quan cấp giấy phép lao động để kiểm tra, đối chiếu và lưu theo quy định. Cơ quan cấp giấy phép lao động phải trả kết quả cho người lao động trong thời hạn không quá 8 giờ làm việc kể từ khi nhận bản gốc hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.
Để xin cấp giấy phép lao động qua mạng điện tử, người lao động cần chuẩn bị đầy đủ những hồ sơ, giấy tờ như: Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH; giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe. Ngoài ra, người lao động cần có văn bản chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia lao động kỹ thuật; phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp; bản sao có chứng thực hộ chiếu, giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị theo quy định của pháp luật; các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài tùy theo từng trường hợp…
Đến nay, đã có hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai phần mềm cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài qua mạng điện tử. Việc làm này đã giảm bớt áp lực cho các bộ phận giải quyết thủ tục, giảm chi phí, rút ngắn thời gian. Đồng thời, góp phần thu hút nguồn lao động nước ngoài có trình độ tới làm việc tại Việt Nam và giải quyết được vấn nạn lao động "chui". |