Cảnh giác cao với thực phẩm kém vệ sinh trong mùa dịch bệnh
Tiềm ẩn mối nguy từ thực phẩm kém chất lượng
TP. Hồ Chí Minh là địa phương thực hiện khá quyết liệt công tác kiểm tra, xử lý tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái phép, thực phẩm kém chất lượng. Tuy nhiên tình trạng sản xuất, chế biến thực phẩm từ nguyên liệu kém phẩm chất, tẩm ướp hoá chất, phụ gia thực phẩm trái phép, vượt ngưỡng quy định; bày bán các loại thực phẩm ôi thiu; chứa trữ, sản xuất thực phẩm trong điều kiện mất vệ sinh vẫn thường xảy ra.
An toàn vệ sinh thực phẩm là mối quan tâm của nhiều người tiêu dùng ở TP. Hồ Chí Minh |
Cụ thể, trong tháng 7/2020, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh kiểm tra hơn 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đã phát hiện 37 cơ sở vi phạm và xử phạt hành chính 39 vụ vi phạm với số tiền hơn 560 triệu đồng.
Trước đó, thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid - 19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện kiểm tra 477 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đã phát hiện 50 cơ sở không đủ điều kiện để hoạt động.
Tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, ngoài các loại thực phẩm tươi sống như cá thịt, rau củ quả tươi, thực phẩm chế biến... nhiều loại thực phẩm chức năng hiện cũng đang được báo động về tình trạng mất an toàn vệ sinh. Trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra 195 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, phát hiện 27 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 26 cơ sở, với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, kiểm tra 90 cơ sở, phát hiện 5 cơ sở vi phạm, đã xử phạt 4 cơ sở 179,7 triệu đồng, 1 cơ sở bị đình chỉ hoạt động có thời hạn, 1 cơ sở bị buộc tiêu huỷ sản phẩm.
Từ những con số thống kê nêu trên cho thấý, các loại thực phẩm đang bày bán trên thị trường vẫn tiềm ẩn mối nguy mất an toàn vệ sinh. Đặc biệt, trong tình hình dịch Covid - 19 diễn biến còn phức tạp, việc vận chuyển, giao nhận, chứa trữ, chế biến... thiếu thuận lợi và cơ quan chức năng khó kiểm soát, vì thế thực phẩm khó đảm bảo an toàn vệ sinh như bình thường.
Kiểm soát chặt chất lượng thực phẩm trong mùa dịch Covid-19
Để bảo vệ sức khoẻ của người dân khi dịch Covid - 19 tái bùng phát, các cơ quan chức năng của TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường lực lượng, tần suất kiểm tra hoạt động tại 240 chợ truyền thống, hàng nghìn chợ tự phát, các nhà hàng, quán ăn; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh - cho biết, cùng với kế hoạch tập trung xây dựng các chuỗi thực phẩm an trên địa bàn, Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố tiếp tục khảo sát, xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm, hiện tại đã thực hiện được 15/24 chợ.
Để các tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại các chợ truyền thống thực hiện đúng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, theo bà Lan, các cơ quan chức năng cần mở lớp tập huấn cho các tiểu thương, đồng thời cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các loại hình ăn uống tại chợ, đề nghị các tiểu thương ký cam kết an toàn thực phẩm.
Theo đánh giá của Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, thực hiện Bộ tiêu chí phòng chống dịch Covid - 19 về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua, thực tế vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa đủ điều kiện 10 tiêu chí theo quyết định của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid - 19 TP. Hồ Chí Minh và yêu cầu thực hiện nghiêm túc những quy định này.
Dịch Covid -19 chưa được kiểm soát cùng với mưa bão làm gia tăng mối lo về an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh |
Nhằm phòng chống dịch Covid - 19 đạt hiệu quả, ba chợ đầu mối gồm chợ Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn đang được Sở Công Thương, Ban quản lý An toàn thực phẩm và Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh tăng cường công tác kiểm soát chất lượng thực phẩm và các biện pháp phòng chống dịch Covid - 19 của Bộ Y tế. Theo đó, các loại thực phẩm chiều mua vào và chiều bán ra đều được kiểm soát chặt, các tiểu thương kinh doanh ở chợ đều phải ký cam kết thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Trương Văn Ba - Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh - cho biết, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu thụ hàng hoá thiết yếu của người dân thành phố sẽ tăng mạnh, kéo theo hoạt động buôn lậu, sản xuất hàng giả, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm mất an toàn vệ sinh cũng gia tăng. Vì vậy, Cục QLTT thành phố sẽ tăng cường lực lượng tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, nhất là hệ thống chợ truyền thống và chợ đầu mối. Mục tiêu là kiểm soát chặt đầu vào của các nguồn cung cấp thực phẩm cho thị trường thành phố, đồng thời cương quyết xử lý các vụ việc vi phạm.