Thứ ba 26/11/2024 22:41

Cần tránh bị động trong sản xuất nông sản, thêm giải pháp hạn chế "tắc biên"

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, vấn đề nông sản nếu cứ làm theo cách cũ sẽ bị động. Do đó, ngành nông nghiệp cần có kế hoạch sản xuất theo yêu cầu, nhu cầu từng thị trường. Còn về ùn tắc nông sản, trước mắt với tinh thần "tắc đâu thì phải thông đấy", Bộ Công Thương đã phối hợp với phía bạn bàn bạc các biện pháp tháo gỡ, tạo lập các vùng xanh an toàn để xuất khẩu, đơn giản hóa quy trình thủ tục tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa...

Thành lập một vùng xanh an toàn cho hàng hóa

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng ngày 16/3, nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội đề cập đến vấn đề hàng hóa nông sản, bảo đảm vấn đề lưu thông, xuất khẩu hàng hóa. Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn Lạng Sơn có nêu: Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã liên tục phối hợp với các ngành để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, cũng như khuyến cáo, cảnh báo các doanh nghiệp, tổ chức và thương nhân, nhưng tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu vẫn diễn ra. Đề nghị Bộ Công Thương làm rõ hơn vấn đề này?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn sáng ngày 16/3

Trả lời đại biểu Lưu Bá Mạc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, nguyên nhân của việc ùn ứ hàng hóa trong thời gian qua, thứ nhất do Trung Quốc thực hiện chính sách Zezo Covid; thứ hai, hàng hóa nông sản của Việt Nam xưa nay bán qua biên giới chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch và sản phẩm xuất sang bên đó chủ yếu sản xuất không theo quy hoạch và cũng không đạt được tiêu chuẩn cho nên bị ùn tắc.

Về giải pháp trong thời vừa qua, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ có chỉ đạo thống nhất quan điểm trao đổi với Bộ đối tác Trung Quốc để xây dựng một quy trình thông quan. Trước hết, thành lập một vùng xanh an toàn cho hàng hóa. Bên cạnh đó, thống nhất quy trình để giao nhận hàng hóa ở biên giới được thuận lợi. Đồng thời, chỉ đạo các tỉnh có cửa khẩu phải hỗ trợ đối với các chủ hàng, các phương tiện vận tải.

Ngoài ra, có thông tin thường xuyên đối với vùng trồng, vùng nuôi ở những địa phương có sản phẩm để có sự hợp tác tốt trong việc khi mà cửa khẩu của phía bạn không mở do Covid-19 thì cũng sẽ không gây sức ép cho các địa phương có cửa khẩu này.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo tăng cường các hoạt động tiêu thụ trên thị trường nội địa bằng cả hình thức truyền thống và thương mại điện tử, chỉ đạo các thương vụ của chúng ta ở nước ngoài tăng cường kết nối giao thương để từng bước chúng ta sẽ mở rộng các thị trường.

Đang xây dựng Đề án xuất khẩu qua biên giới theo chính ngạch

Trả lời vấn đề đặt ra của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP. Hồ Chí Minh) về ùn ứ nông sản, cho thấy chiến lược lưu thông hàng hoá "bế tắc", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, hàng hóa ùn ứ như thế cho thấy chiến lược sản xuất và tiêu thụ nông sản chúng ta rõ ràng còn luẩn quẩn, có nhiều bế tắc. Để giải bài toán này, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã không dưới 3 lần kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cần phải có phương án quy hoạch lại vùng trồng vùng nuôi, phải bám sát tín hiệu của thị trường.

"Đặc biệt người sản xuất ngay từ lúc bắt đầu sản xuất phải trả lời được ba câu hỏi là: Sản xuất cái gì, để bán ở đâu và cho ai, nếu cứ cách làm cũ có gì làm đấy, có gì bán nấy, thật sự chúng ta bị động"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lo ngại và đề nghị các địa phương và ngành chức năng nghiên cứu, tham mưu có những chỉ đạo để quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi, và phải bám sát nhu cầu của thị trường, xây dựng kế hoạch, đề án sản xuất theo yêu cầu của từng thị trường.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thông tin, gần đây đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trao đổi, hướng dẫn thông tin và tập huấn cho các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất nông sản thực phẩm để chính các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài (do Bộ Công Thương quản lý) hướng dẫn về cách làm, tiêu chuẩn, tập quán tiêu dùng của địa phương. Đây cũng là cách để chúng ta chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, bán tiểu ngạch sang chính ngạch.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đây là câu chuyện dài hơi. Trước mắt là phải nỗ lực bằng mọi cách để giải quyết ùn tắc biên giới. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đang nỗ lực họp bàn, trao đổi với Trung Quốc. Tuy nhiên, do Trung Quốc thực hiện chính sách Zezo Covid, phong tỏa một số thành phố như Thâm Quyến, nên cũng gặp khó khăn trong lưu thông hàng hóa.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin, đầu tuần trước, Bộ Công Thương đã được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án xuất khẩu qua biên giới theo chính ngạch, với những tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện hàng hóa cụ thể. Bộ Công Thương đã trình lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề án này.

"Hy vọng trong thời gian tới, Chính phủ thông qua, đây sẽ là cơ sở để triển khai. Chúng tôi đề nghị các địa phương phối hợp với hai Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để cùng nhau làm cái này cho tốt, nếu không thì sẽ rất khó khăn" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

"Tắc đâu phải thông tới đó"

Đại biểu Tô Văn Tám - đoàn Kon Tum đặt câu hỏi: Đến hẹn lại lên, hàng năm nông sản vẫn diễn ra tình trạng ùn ứ và cần giải cứu. Vấn đề được đặt ra từ rất lâu rồi nhưng vẫn chưa giải quyết căn cơ tình trạng này phải xuất khẩu bằng con đường chính ngạch, nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Trách nhiệm Bộ trưởng, trách nhiệm của Bộ Công Thương đến đâu trong sự chậm trễ này? Bộ trưởng cho biết khi nào thì vấn đề để giải quyết?.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hông Diên khẳng định, trước mắt, ùn ứ là phải giải tỏa, tắc đâu phải thông tới đó.

Một lần nữa Bộ trưởng nhấn mạnh, cần dứt khoát xoay lại sản xuất theo tiêu chuẩn và tín hiệu của thị trường. Nhìn nhận rõ vấn đề, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án xuất khẩu qua biên giới theo chính ngạch và Chiến lược xuất nhập khẩu cũng được Bộ Công Thương trình lên Chính phủ cách đây 2 ngày.

“Nếu như chiến lược này và Đề án xuất khẩu qua biên giới cũng được thông qua, việc tiếp theo là các bộ, ngành, địa phương phối hợp với nhau để khuyến cáo, giúp đỡ hỗ trợ về vùng trồng. Riêng đối với doanh nghiệp và người sản xuất phải thực hiên theo tín hiệu thị trường sẽ xuất hàng hóa sẽ không còn cảnh ùn ứ nữa”- Bộ trưởng kỳ vọng.

Bộ trưởng cũng nhìn nhận, thị trường nội địa là rộng lớn, tuy nhiên, thị trường Trung Quốc chúng ta sẽ phải chinh phục. Bởi trước đây hoạt động thương mại xuất khẩu chính ngạch rất ít, nhưng tiểu ngạch lại nhiều. Bây giờ Trung Quốc trở cũng đang đề xuất để trở thành thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Như vậy là hàng hóa vào Trung Quốc sẽ không còn dễ dàng như trước nữa. Theo đó, tiêu chuẩn hàng hóa và Trung Quốc bây giờ phải đạt tiêu chuẩn của khu vực, của khối của RCEP. Chính vì vậy chúng ta chỉ còn các thay đổi để thích ứng.

Nỗ lực thông quan cửa khẩu biên giới

Bà Lê Thị Song An - đoàn Long An nêu, trong thời gian qua Bộ Công Thương đã tích cực tham mưu Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tăng cường lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa trước sự tác động rất nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, trong đó có các mặt hàng nông sản.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng người nông dân sản xuất được mùa thì mất giá, đặc biệt là các mặt hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thanh long tại các tỉnh Bình Thuận, Long An thời điểm vào vụ có lúc chỉ còn 2.000 đồng/kg với lý do là không xuất khẩu được. Điều này chưa tạo được sự an tâm sản xuất của bà con nông dân. "Đây là vấn đề cử tri ý kiến rất nhiều trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri ở tỉnh. Đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ có các giải pháp gì để giải quyết căn cơ và hiệu quả hơn vấn đề này?" - bà Lê Thị Song An - đoàn Long An băn khoăn.

Với câu hỏi của đại biểu đoàn Long An, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, chúng ta đang vận hành trong cơ chế thị trường và phải cố gắng tranh thủ cơ hội. Việt Nam đang hội nhập kinh tế thế giới với 17 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia, ký kết và có quan hệ thương mại với hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ.

"Với nhu cầu tiêu dùng thế giới, nhất là sản phẩm trái cây vùng nhiệt đới rất cần tại các thị trường ôn đới, thực tế cho thấy, những sản phẩm, dòng sản phẩm trái cây như những trái thanh long được sản xuất tại vùng trồng đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường và hiện xuất khẩu rất tốt qua đường biển, hàng không, đường sắt…" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, một số sản phẩm chúng ta làm chưa đạt chuẩn, không có hợp đồng thật sự. Câu chuyện này không phải là lần đầu tiên Bộ Công Thương đề cập. "Bản thân tôi về Bộ Công Thương 10 tháng và đã đề xuất 2 lần về vấn đề này. Tôi và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp làm việc với các địa phương, trong đó có Long An. Chúng tôi đã khuyến cáo về lâu dài căn cơ, cần phải thay đổi cách sản xuất, quy hoạch vùng trồng, phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn cấp sản phẩm, chúng ta mới có thể xuất khẩu được.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chia sẻ những khó khăn với bà con nông dân, mặc dù không phải là trách nhiệm chính của Bộ Công Thương, nhưng Bộ đã cùng với các bộ, ngành liên quan rất nỗ lực trong việc thông quan cửa khẩu biên giới. "Một lần nữa chúng tôi nhận trách nhiệm sẽ cùng với các bộ, ngành chức năng tham mưu Chính phủ để có giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề này"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Quỳnh Nga - Lan Anh - Thu Phương
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

Doanh nghiệp Việt Nam, Đan Mạch cùng tạo nên những thương hiệu quốc tế chung

Bộ trưởng Công an lý giải nguyên nhân nhiều người vi phạm giao thông

Từ việc kênh Youtube Quang Linh Vlog bị chiếm đoạt, đại biểu Quốc hội lo ngại xu hướng tội phạm mạng

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình họp với 3 bộ, 8 địa phương về cải cách thủ tục hành chính

60% khiếu nại liên quan đến đất đai đến từ người dân vùng nông thôn, miền núi

Hoạt động của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang tại Campuchia

Khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực đất đai có chiều hướng gia tăng

Sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới

Tội phạm đánh bạc trên mạng Internet tăng cao

Thủ tướng chỉ đạo chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ

Tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 6 nhóm tăng cường hợp tác với Bulgaria

Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam-Lào-Campuchia: Biểu tượng đoàn kết khu vực

Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm trường mầm non Việt-Bun

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Tổng thống Bulgaria Rumen Radev

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề về Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử