Cần tăng cường truyền thông về cháy rừng khu vực miền Trung
Báo động cháy rừng
Khu vực miền Trung là địa bàn có thời tiết khắc nghiệt nhất cả nước. Tại địa bàn này còn nhiều cánh rừng tự nhiên, rừng trồng cũng như các loại cây nông sản của người dân canh tác nằm dưới lưới điện truyền tải 200/500kV.
Vào mùa khô, nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, chỉ cần một sơ ý nhỏ về lửa có thể dẫn đến nguy cơ cháy rừng trên diện rộng, ảnh hưởng lớn tới đường dây truyền tải 500kV Bắc Nam.
Theo báo cáo của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), vào sáng ngày
05/08, truyền tải điện (TTĐ) Quảng Ngãi đã phát hiện tại khoảng cột 99 - 100 (thôn Làng Xinh, xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà tỉnh Quảng Ngãi) có đám cháy lớn. Nguyên nhân gây ra cháy do người dân đốt bì thực vật trong lúc thời tiết nắng nóng, gặp phải gió mạnh nên đám cháy bùng phát dữ dội, sau đó cháy lan vào rừng phòng hộ nằm dưới tuyến đường dây truyền tải điện, gây khói bụi kết hợp gió đã xảy ra sự cố đường dây 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2.
Sau đó, 2 ngày, vào khoảng 20h30 tối ngày 7/8/2021, đơn vị quản lý vận hành đường dây TTĐ 500 kV đoạn Hà Tĩnh – Đà Nẵng phát hiện đám cháy rừng tại khoảng cột 193-194 thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Do đám cháy rừng xảy ra rất gần với đường dây 500 kV nên có nguy cơ cao gây nguy hiểm đến việc vận hành an toàn đến hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc – Nam, đồng thời gây ảnh hưởng đến cung cấp điện.
Đặc biệt, tại thời điểm này, đường dây 500 kV Bắc – Nam đang phải truyền tải cao liên tục để tăng cường phục vụ cung cấp điện khi phụ tải tăng cao do thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài.
Ngay sau khi nhận được thông tin, các đơn vị Truyền tải địa phương đã báo cáo để có phương án điều độ hệ thống điện hợp lý; huy động toàn bộ lực lượng, phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương nhằm dập tắt đám cháy; đồng thời nhanh chóng xử lý sự cố, đảm bảo hệ thống đường dây vận hành an toàn.
Việc để xảy ra sự cố cháy rừng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống điện quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình cung cấp điện và nhiều khó khăn, thách thức cho các lực lượng chức năng trong việc dập tắt đám cháy, xử lý sự cố, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt, và tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp; cộng thêm vào đó là địa bàn rừng núi, giao thông đi lại khó khăn, nguồn nước thiếu và các yếu tố khách quan khác.
Cháy rừng ở khu vực gần đường dây truyền tải gây nguy cơ lớn đến việc cung cấp điện |
Cần truyền thông nâng cao ý thức
Cháy rừng là điều không ai mong muốn bởi hệ luỵ của nó là rất lớn, do đó cần sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân.
Để giảm thiểu tối đa nạn cháy rừng, tăng cường công tác ứng phó, xử lý sự cố, giảm thiểu thiệt hại, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 905/CĐ-TTg về việc tăng cường biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong đó yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng, thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”.
Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương làm rẫy; tạm dừng những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng, phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng…
Đối với ngành điện, nhận thức được tầm quan trọng và mức độ nguy hiểm của cháy rừng đối với hệ thống điện, hàng năm trước mùa khô, các đơn vị truyền tải đều tăng cường các biện pháp giảm thiểu nguy cơ cháy rừng như phát quang hành lang tuyến, dọn dẹp thực bì; tăng cường các biện pháp kiểm tra thực địa; áp dụng công nghệ thông tin để sớm phát hiện nguy cơ; chuẩn bị sẵn sàng phương án, kịch bản ứng phó. Đặc biệt đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn tới cộng đồng người dân từng địa phương nơi có đường dây truyền tải đi qua bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cũng như các cấp chính quyền. Tuy nhiên, tình trạng cháy rừng vẫn xảy ra do sự sơ ý hoặc thiếu ý thức của một số người dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền một cách thường xuyên về nguy cơ cháy rừng cũng như những hệ luỵ có thể xảy ra cho người dân; Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng tại địa phương gắn với trách nhiệm người đứng đầu; đồng thời phải xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng cháy rừng, có như vậy mới hạn chế tối đa các vụ cháy rừng như thời gian vừa qua, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động nặng nề đến thời tiết ở Việt Nam.