Cần sửa đổi mức lãi suất để xử lý hành vi cho vay có cầm cố tài sản
Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển nhìn nhận cần nâng cao kiến thức tố tụng cho cán bộ cơ sở |
Ông Đỗ Đức Hiển, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, qua rà soát, Bộ Tư pháp nhận thấy, quy định về tính mức lãi suất làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản tại điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP do Bộ Công an chủ trì trình Chính phủ với mức lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm cho vay đến nay không còn phù hợp với quy định về lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 là 20%/năm/khoản tiền vay. Bên cạnh đó quy định này cũng không còn phù hợp với quy định của Bộ luât Hình sự năm 2015.
Cũng theo nhìn nhận của Bộ Tư pháp, các nội dung của Nghị định 167 chưa điều chỉnh được hết các hành vi vi phạm trong giao dịch cho vay do hiện nay nhiều trường hợp cho vay không cần cầm cố tài sản chỉ cần chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ khẩu hoặc giấy tờ tùy thân khác hay hình thức "bốc họ".
“Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định 167. Bên cạnh đó hiện Bộ Tư pháp cũng đang xây dựng trình Chính phủ Nghị định về hụi, họ, biêu, phường để bảo đảm cơ sở pháp lý cho các giao dịch này phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành”, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp thông tin.
Liên quan đến dự thảo Nghị định này, một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi của quy định UBND cấp phường xã giám sát các hoạt động này. Trả lời băn khoăn đó, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế cho biết, quy định này đã được xây dựng dựa trên các khảo sát thực tế trong vòng 2 năm. Dự thảo quy định 2 nội dung là dây họ có giá trị các phần họ tại một kỳ mở họ từ 100 triệu đồng trở lên và thông tin về chủ họ phải được thông báo với UBND phường xã sở tại không phải để giám sát mà để có cơ sở thông tin khi được cơ quan chức năng yêu cầu.
“Trên thực tế nhiều vụ vỡ hụi lên đến nhiều tỷ đồng xảy ra gây nhiều hệ lụy về trật tự xã hội trong khi UBND nơi sở tại lại hoàn toàn không có thông tin gì để xử lý”, ông Tú phân tích.
Liên quan đến các tranh chấp trong đầu tư quốc tế mà Bộ Tư pháp là đại diện của Chính phủ, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện này việc phòng ngừa để không đợi đến khi có xảy ra tranh chấp rồi mới xử lý sẽ được Bộ Tư pháp đặc biệt quan tâm. Theo đó Bộ sẽ chủ động phối hợp với các trọng tài viên, công ty luật để chủ động đi trước trong việc “bắt mạch” các diễn biến trong hoạt động đầu tư dễ phát sinh tranh chấp và kịp thời chỉ đạo đội ngũ trọng tài viên vào cuộc khi có tranh chấp.
Theo phân tích của Bộ Tư pháp, tranh chấp trong đầu tư chủ yếu phát sinh từ địa phương trong quá trình thẩm định, cấp phép các dự án. Do vậy tới đây Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức và hiểu biết về quá trình tố tụng cho cán bộ cấp cơ sở.