Cần có hiệp ước chống biến đổi khí hậu toàn cầu
- Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu với 28 thành viên thuộc nhiều cơ quan liên ngành tham dự COP -17.
Với 5 vấn đề chính, liên quan đến lộ trình thực thi các thỏa thuận đã đạt được tại hai hội nghị trước đó (COP-15 và COP-16), hội nghị COP-17 lần này các đại biểu tập trung thảo luận việc xây dựng văn kiện ràng buộc pháp lý mới thay thế giai đoạn I của Nghị định thư Kyoto; xác định rõ trách nhiệm tài chính và nghĩa vụ cắt giảm khí thải của các nước phát triển và một số nước mới nổi có lượng khí thải lớn; tìm ra cơ chế phối hợp thực hiện các biện pháp thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu; cuối cùng là đảm bảo sự gắn kết của các thỏa thuận với nguyên tắc lợi ích chung của các bên và cộng đồng quốc tế.
Theo báo cáo thường niên "Thu hẹp khoảng cách" vừa mới được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố, thế giới sẽ khó có thể đạt được mục tiêu kìm hãm sự gia tăng nhiệt độ trái đất ở mức 20 C như khuyến cáo của các nhà khoa học, cho dù có hoàn thành tất cả các mục tiêu cắt giảm khí thải đề ra. Giáo sư Joseph Alcamo cho biết: "Cả thế giới đang phải hứng chịu tác động của tình trạng gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Vì vậy, các quốc gia cần chia sẻ trách nhiệm trong việc thu hẹp khoảng cách về mục tiêu khí thải".
Tại Hội nghị các bên tham gia Nghị định thư Kyoto lần thứ 7 (CMP-7) tổ chứcmới đây trong bài phát biểu về COP-17 Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nêu rõ đã đến lúc các nhà lãnh đạo thế giới cần đẩy nhanh việc xây dựng và thông qua một văn kiện mới thay thế cho giai đoạn I của Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào cuối năm 2012, nhằm giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt và khó dự đoán.
Bàn về kế hoạch hành động, chung tay cùng tham gia cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, bà Connie Hedegaard- Cao Ủy châu Âu về hành động vì khí hậu nói: “Vấn đề mà chúng ta cần đạt được tại hội nghị này là một khuôn khổ toàn cầu cho hành động của tất cả các nền kinh tế lớn, đã phát triển và đang phát triển về việc xây dựng ngay một hiệp ước với vấn đề cốt lõi trong việc giải quyết vấn đề khí hậu toàn cầu”.
Hiện nay biến đổi khí hậu đang trở nên tồi tệ hơn, lụt lội tại Thái Lan hay hạn hán tại Texas và vùng rừng châu Phi là những điều nhắc nhở gần đây nhất cho chúng ta thấy rằng, thách thức về biến đổi khí hậu luôn là vấn đề cấp bách và việc giải quyết sẽ vấp phải không ít khó khăn…
Báo cáo Tầm nhìn năng lượng thế giới của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) là một lời kêu gọi rõ ràng: thời gian đang sắp hết và chi phí phải trả sẽ tăng nhiều lần nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ. Để chống biến đổi khí hậu thành công chúng ta cần thu hút các quốc gia phát triển vào việc ký một cam kết thứ hai của Nghị định thư Kyoto để tiếp nối cam kết thứ nhất khi cam kết này hết hiệu lực vào năm 2012. EU ủng hộ Nghị định thư Kyoto và EU là khu vực có mục tiêu tham vọng nhất trong Kyoto, đang tiếp cận mục tiêu.
Thực tế trong những năm qua EU có khả năng vượt mục tiêu thực hiện các quy định trong Nghị định thư Kyoto. Tuy nhiên Nghị định thư Kyoto dựa trên một sự phân biệt rõ ràng giữa các nước phát triển và đang phát triển và chỉ yêu cầu các nước phát triển hành động. Song thực tế trong hai thập kỷ qua sự thay đổi của nền kinh tế thế giới đã ngày càng làm lu mờ đi sự khác biệt này!
Tại châu Á một số nước như Singapore và Hàn Quốc có nền kinh tế xuất khẩu mạnh với các ngành công nghiệp cạnh tranh cao và đạt được những thành tích cao về chỉ số phát triển con người của Liên hiệp quốc. Tuy nhiên, trong Nghị định thư Kyoto, những nước này được tính là những nước đang phát triển. Hoặc lấy một nền kinh tế năng động đang nổi là Brazil, ccó nền công nghiệp đang nở rộ, tài nguyên thiên nhiên khổng lồ và thu nhập tính theo đầu người cao hơn đáng kể so với các nước như Bulgaria hoặc Rumani. Cách gây ô nhiễm cũng đang thách thức sự khác biệt giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển ở mức độ tương tự.
Theo IEA mức tăng ô nhiễm CO2 ngày nay chủ yếu là từ các nền kinh tế đang nổi phụ thuộc lớn vào than, xu thế này chỉ có thể tăng… Vì vậy COP-17 cần thống nhất xây dựng một Hiệp ước toàn cầu cho hành động của tất cả các nền kinh tế lớn đã phát triển và đang phát triển. Một khung hành động phản ánh trung thực thế giới của thế kỷ 21 trong đó tất cả các cam kết đều có sức nặng pháp lý như nhau.
Kim Hiền