Cần cân nhắc kỹ đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá
Với phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", Chính phủ đã đặt ra mục tiêu là thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng phải bảo đảm nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực tế việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp là mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương. Một chính sách hỗ trợ hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi, nhanh chóng lấy lại đà phát triển. Với các chính sách thuế, việc duy trì chính sách hiện hữu trong 2-3 năm tới cũng là một trong những giải pháp bền vững được các chuyên gia kinh tế ủng hộ.
Lực lượng QLTT tạm giữ số lượng lớn thuốc lá nhập lậu |
Liên quan đến thuế TTĐB với thuốc lá, trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV mới đây, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cho rằng, tăng thuế TTĐB với thuốc lá rất phức tạp, phải đánh giá tác động cẩn trọng. Bởi nếu như tăng thuế tiêu thụ thuốc lá phải đi đôi với chống buôn lậu thuốc lá. Vì nếu chỉ tăng mà không chống được buôn lậu thì sẽ phản tác dụng, dẫn đến kích thích buôn lậu thuốc lá, lúc đó lợi nhuận buôn lậu thuốc lá có khi còn cao hơn ma túy, giá thuốc lá lên quá cao sẽ đẩy buôn lậu lên.
Thực tế, cuối năm 2021 và giai đoạn trước khi bước vào Tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu thuốc lá ngay lập tức diễn biến phức tạp trở lại ở nhiều điểm nóng trên suốt các tuyến biên giới, đặc biệt ở các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang... Với đặc điểm đường biên giới dài, lại thêm nhiều đường ngang, ngõ tắt, đường mòn, lối mở nên việc kiểm soát người, phương tiện qua lại biên giới vẫn luôn là thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu nói chung và thuốc lá nói riêng. Các đầu nậu đã vận chuyển thuốc lá lậu với số lượng lớn, nhiều chủng loại, bằng nhiều phương tiện như đường bộ, đường thủy từ khu vực biên giới về Việt Nam để tiêu thụ.
Trong khi tình hình ngoài biên giới là vậy, khảo sát 1 vòng thị trường cũng cho thấy, thuốc lá lậu ngày càng dễ dàng tiếp cận hơn, giá cả cạnh tranh hơn, nhất là những sản phẩm nhập lậu từ 15.000 - 30.000/bao. Các sản phẩm này không phải đóng bất kỳ loại thuế, phí nào và có thể mua dễ dàng tại các điểm bán lẻ, các chợ đầu mối, cạnh tranh trực tiếp với thuốc lá sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu chính ngạch, vốn đang đóng góp mấy chục ngàn tỉ đồng cho ngân sách Nhà nước hàng năm.
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên tìm cách kiểm soát thuốc lá nhập lậu và các hoạt động kinh doanh bất chính đi kèm thay vì tập trung vào việc tăng thuế TTĐB, tức chỉ “đánh” vào các hoạt động kinh doanh hợp pháp thay vì giải quyết tận gốc đâu là nguyên nhân thực sự đang tước đi nguồn thu của Chính phủ, đồng thời cũng khiến mục tiêu giảm tiêu dùng thuốc lá trở nên khó hoặc không khả thi.
Thực tế, trong thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thuốc lá nhập lậu, và đã đạt những kết quả nhất định. Đặc biệt, Chính phủ đã có Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo quy định, các đối tượng vận chuyển từ 1.500 gói thuốc lá lậu mới bị khởi tố, vì vậy các đối tượng thường tìm cách né bằng việc vận chuyển số thuốc lá dưới mức quy định. Phương tiện dùng để chuyên chở thuốc lá chủ yếu là thuê, mượn, nên khó bị xử lý.
Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thuốc lá nhập lậu, cũng có ý kiến cho rằng, Việt Nam vẫn nên tăng thuế TTĐB để vừa tăng thu ngân sách, giảm cầu và giảm các thiệt hại, hệ lụy khác về mặt xã hội. Tuy nhiên, việc thay đổi phương thức đánh thuế lại cần cân nhắc thận trọng. Bài học từ một số quốc gia lân cận, như tại Malaysia, theo một báo cáo của Oxford Economics, sau khi Chính phủ tăng thuế TTĐB gần 40% vào cuối năm 2015, giá thuốc lá hợp pháp tăng chóng mặt. Thị phần thuốc lá hợp pháp tại Malaysia vào năm 2016 đã lập tức giảm 26% và sau đó tiếp tục giảm qua các năm và cho đến năm 2020 đã giảm 42% so với năm 2015. Điều đáng chú ý là lượng tiêu thụ thuốc lá nói chung tại Malaysia (bao gồm hợp pháp và bất hợp pháp) đã tăng đều khoảng 5%/năm, chủ yếu do thuốc lá lậu tràn ngập thị trường (ghi nhận giảm nhẹ vào năm 2020 do đại dịch Covid-19).
Hay tại New Zealand - quốc gia này được biết đến với chính sách quản lý buôn lậu, bao gồm cả thuốc lá, khá hiệu quả trong nhiều năm, nhưng khi thuế tăng lên 73,8 cent/điếu (tốc độ tăng khoảng 22%) từ năm 2015 - 2017, lượng thuốc lá lậu đã tăng hơn gấp đôi, số tiền thất thu thuế tăng gấp ba lần, lên tới 320 triệu NZD. Điều đó cho thấy ngay cả khi công tác buôn lậu thuốc lá được kiểm soát tốt, việc tăng thuế, đặc biệt là tăng đột ngột vẫn có thể tiềm ẩn những nguy cơ gây thiệt hại cho nền kinh tế, tăng thất thu ngân sách, thậm chí còn tăng sản lượng tiêu thụ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Từ những bài học của các quốc gia trên cho thấy, việc tăng thuế sẽ dẫn đến việc tăng thuốc lá lậu và thất thu ngân sách tăng cao. Theo ước tính, lượng thuốc lá lậu tại Việt Nam chiếm khoảng 20% thị phần, tương đương khoảng 20 tỷ điếu, dẫn đến thất thu thuế khoảng hơn 7.000 tỷ/năm.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, nếu thuế TTĐB được điều chỉnh tăng theo các đề xuất hiện nay sẽ dẫn tới tăng đột biến giá của sản phẩm sản xuất hợp pháp, khiến bản đồ thị phần của ngành thuốc lá thay đổi. Tổng sản lượng tiêu thụ của ngành được dự báo sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Thuốc lá lậu sẽ lấn sân, thị phần thuốc lá lậu có thể sẽ tăng lên đến 30% - 40% và sẽ còn gia tăng mạnh hơn trong tương lai.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh phương thức thu thuế, nếu có, nên được Quốc hội và Chính phủ thảo luận và chuẩn bị trong giai đoạn 2023 - 2025, khi tác động của dịch Covid-19 đã hạ nhiệt, doanh nghiệp đã hồi phục và sẵn sàng trở lại đường đua nhằm cạnh tranh với hàng lậu.