Cấm xe khách vào nội đô TP. Hồ Chí Minh có giảm được áp lực giao thông?
Kỳ vọng giải tỏa áp lực giao thông
Mới đây, trong văn bản gửi xin ý kiến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh về phương án tổ chức giao thông đối với phương tiện xe khách trên địa bàn thành phố nhằm để giải quyết triệt để nạn xe “dù”, bến “cóc”, giảm ùn tắc giao thông. Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh đã trình 2 phương án tổ chức quản lý, kiểm soát hoạt động phương tiện vận tải hành khách.
Cụ thể, theo phương án 1 có 2 giai đoạn, theo đó giai đoạn 1 từ năm 2022 - 2025, Thành phố sẽ hạn chế các loại xe khách giường nằm lưu thông vào khu vực nội đô từ 6 - 22 giờ hằng ngày. Giai đoạn 2 từ năm 2025 - 2030 hạn chế tiếp các loại xe khách trên 30 chỗ (trừ xe buýt, xe phục vụ đám tang, xe công vụ, các xe du lịch được cấp phù hiệu riêng khi thành phố ban hành). Khu vực hạn chế được giới hạn theo hành lang của Quyết định 23/2018/QĐ-UBND. Theo đó, các loại phương tiện này chỉ được phép di chuyển theo lộ trình QL1 (TP. Thủ Đức, quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh) - Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh, quận 7) - Võ Chí Công (TP. Thủ Đức) - Đồng Văn Cống (TP. Thủ Đức) - Mai Chí Thọ (TP. Thủ Đức) - Xa lộ Hà Nội (TP. Thủ Đức).
Đề xuất cấm xe khách vào nội đô TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng giảm áp lực giao thông cho thành phố. Ảnh internet |
Với phương án 2 cũng chia làm hai giai đoạn 2 giai đoạn cấm xe vào nội đô Thành phố theo khung giờ 6-22 giờ hàng ngày. Theo đó, giai đoạn 1 từ 2022-2025 cấm xe khách giường nằm. Giai đoạn 2 là từ 2025-2030 có đối tượng hạn chế là xe khách trên 16 chỗ. Trong đó, trừ xe buýt, xe phục vụ đám tang, các xe công vụ khác, các xe du lịch được cấp phù hiệu riêng khi Thành phố ban hành.
“Người trong cuộc” nói gì?
Đước trước 2 phương án đề cấm xe khách vào nội đô của Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, một số doanh nghiệp bày tỏ quan điểm không đồng tình về các phương án này. Theo lý giải của doanh nghiệp, việc này làm ảnh hưởng đến không hoạt động kinh doanh vân tảicủa doanh nghiệp mà gây nên phiền hà cho hành khách khi phải di chuyển nhiều trong một hành trình.
Là một doanh nghiệp có gần cả trăm đầu xe khách giường nằm chạy tuyến từ TP. Hồ Chí Minh đi Đà Lạt và Cần Thơ xuất phát tại 3 bến miền Tây, miền Đông và ở quận 5, ông Lê Đức Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thành Bưởi bày tỏ quan điểm “không đồng tình” về đề xuất cấm xe khách giường nằm vào thành phố. Ông Thành cho rằng, 2 phương án này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp.
“Là thành phố du lịch nếu cấm như vậy sao làm du lịch được. Việc này gây khó khăn không chỉ doanh nghiệp mà cho cả hành khách bởi khách đi xe vào trung tâm thành phố sẽ phải bắt khách đi xe trung chuyển và ngược lại khách ở trung tâm thành phố muốn đi tỉnh lại phải đi trung chuyển ra bến. Khi đó, người ta lại lách luật chuyển sang đi các loại xe nhỏ để đi vào trung tâm làm tăng số lượng xe và tần xuất xe ra vào trung tâm”- ông Thành phân tích.
Từ những thực tế đó, ông Thành kiến nghị, nên nhìn ra nước ngoài. Họ tập trung ở một vài điểm đón trả khách tại trung tâm thành phố để tạo thuận lợi cho người dân và du khách.
Liên quan đến vấn đề này Hiệp hội vận tải ô tô hành khách TP. Hồ Chí Minh đồng tình với phương án 1 và đã có văn bản góp ý, cụ thể như: Xe vận chuyển khách du lịch hiện nay theo quy định xe đã được cấp biển hiệu không giống với các xe khác là phù hiệu, cho nên không cần phải có phù hiệu riêng.
Đối với xe vận chuyển theo hợp đồng thì không thể cấm hoàn toàn (như văn bản dự thảo). Vì bản chất của loại hình này là các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải vận chuyển theo yêu cầu cụ thể từng hợp đồng của hành khách. Khách họ muốn đi từ đâu đến đâu là quyền của hành khách, miễn là ở nơi đó không có quy định cấm cụ thể nào.
Ngoài ra, loại hình vận chuyển này đã được quy định rất chặt chẽ như: hợp đồng phải có phiếu thu tiền, có danh sách người đi, có hành trình đi cụ thể và trước khi đi nhất thiết phải báo cáo về cho Sở Giao thông vận tải thì mới hợp lệ.
Theo đó, Hiệp hội Vận tải cho rằng nếu muốn hạn chế loại xe hợp đồng này thì phải ngoại trừ các đối tượng phương tiện trên 30 chỗ nằm trong vi phạm hành lang theo Quyết định 23/2019 của UBND TP. Hồ Chí Minh.