Cải cách hành chính - nhân tố quan trọng hỗ trợ sự phục hồi của doanh nghiệp sau dịch Covid-19
87,2% DN chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19
Báo cáo Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với DN Việt Nam trong năm 2020 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cho hay, đại dịch Covid-19 nhìn chung có tác động rất tiêu cực đến DN tại Việt Nam. 87,2% DN cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực.” Chỉ 11% DN cho biết “không bị ảnh hưởng gì” và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”.
Cả khu vực DN tư nhân trong nước và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề. Trong số các nhóm DN, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các DN mới hoạt động dưới 3 năm và các DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ. Tác động của dịch Covid-19 với DN ở một số ngành là đặc biệt lớn. Điều này xảy ra với DN tư nhân trong các ngành: May mặc (97%); thông tin truyền thông (96%); sản xuất thiết bị điện (94%).
Dịch Covid-19 đã tác động đến các DN tại Việt Nam trên nhiều phương diện |
Báo cáo cũng chỉ rõ, Covid-19 tác động đến DN tại Việt Nam trên nhiều phương diện. Đa số DN cho biết dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, tiếp đến là bị ảnh hưởng về dòng tiền và ảnh hưởng tới vấn đề nhân công, người lao động của DN. Chuỗi cung ứng của nhiều DN đã bị gián đoạn. Một số DN cho biết còn bị ảnh hưởng tới các vấn đề khác, từ giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện….
Đại dịch Covid-19 có tác động nghiêm trọng tới doanh thu của các DN trong năm 2020. 65% DN tư nhân và 62% DN FDI cho biết doanh thu của họ sẽ bị giảm so với năm 2019. Tỷ lệ DN cho biết bị giảm doanh thu gia tăng theo số năm hoạt động. Doanh thu dự kiến cũng giảm nhiều hơn với các DN tư nhân quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Trong khi đó, với DN FDI, mức suy giảm doanh thu dự kiến lại xảy ra nhiều hơn với các DN quy mô lớn. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cho thấy mức giảm doanh thu trung bình với DN tư nhân là 36%, và DN FDI là 34%.
Về ứng phó của DN đối với đại dịch Covid-19, hầu hết các DN đã áp dụng một hoặc nhiều biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Cụ thể, DN chủ động triển khai phương thức, mô hình làm việc mới, linh hoạt hơn (37% DN tư nhân và 40% DN FDI). Dự trữ hàng hoá và nguyên vật liệu là giải pháp được nhiều DN lựa chọn tiếp theo (20% DN tư nhân và 24% DN FDI). Một số DN đã tìm kiếm các giải pháp mới/thay thế chuỗi cung ứng (16% DN tư nhân và 24% DN FDI)…
Cần có chính sách tạo thuận lợi hơn cho các DN sau dịch Covid-19
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, dù ngân sách Nhà nước rất eo hẹp, nhưng Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN chịu tác động do dịch Covid-19. Kết quả khảo sát cho thấy, một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập DN, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.
Có ba chính sách được các DN đánh giá cao nhất bao gồm gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng, gia hạn đóng thuế thu nhập DN và gia hạn nộp tiền thuê đất. Dù các DN cho biết khó tiếp cận chính sách vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, nhưng các DN vẫn đánh giá cao sự cần thiết của chính sách này…
Theo dự báo, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian tới. Do vậy, bên cạnh các giải pháp trực tiếp đã được Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương ban hành như miễn giảm thuế, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí của hoạt động kinh doanh, nhiều DN cũng đề cập đến những giải pháp có tính lâu dài hơn. Chẳng hạn, Chính phủ cần tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi. DN cũng cho rằng các chính sách kinh tế vĩ mô trong dài hạn cần quan tâm phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy sự kết nối giữa DN trong nước với người tiêu dùng.
Có thể thấy, nếu như các giải pháp về thuế, phí, hỗ trợ tiếp cận tín dụng có dư địa không nhiều vì những giới hạn ngân sách thì những giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhìn chung dễ thực hiện hơn và vốn đã được thúc đẩy trong những năm gần đây. Ý kiến từ phía cộng đồng DN trong khảo sát này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật nhằm tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho sự phục hồi bền vững của các DN trong quá trình ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19.
Về phía VCCI, cũng kiến nghị các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành. Cần quan tâm hơn nữa các DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ bởi khả năng chống chịu kém của nhóm DN này. Cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu, mặt khác cũng tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm cơ hội hưởng lợi từ các FTA đòi hỏi hàm lượng xuất xứ nội địa/nội khối cao.
Đại dịch Covid-19 đang tạo cho Việt Nam cơ hội làm việc đó, khi các quốc gia đối tác lớn như Nhật, Mỹ, EU, Úc… đang tìm kiếm nơi để chuyển một phần nguồn cung cho các chuỗi của họ ra khỏi Trung Quốc. Với một số FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, Việt Nam càng có cơ hội được chọn, nếu Chính phủ có chính sách, mục tiêu rõ ràng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho DN Việt Việt Nam và thu hút đầu tư từ các đối tác trên vào những ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên.
Có chính sách tạo thuận lợi hơn cho các DN tư nhân Việt Nam trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch Covid-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới. Việc này quan trọng không kém việc cứu các DN gặp khó khăn, vì sẽ giúp DN và nền kinh tế sớm vươn lên phục hồi tăng trưởng và đi vào giai đoạn phát triển mới cao hơn. Điều này cũng giúp các DN tìm cơ hội mới trong bối cảnh mới.
Các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các gói chính sách hỗ trợ DN phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021-2025.