Chủ nhật 22/12/2024 13:17

Các quốc gia làm gì trong cuộc chiến chống đầu cơ bất động sản?

Việc đầu cơ bất động sản đang diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, gây ảnh hưởng đến giá bất động sản cũng như khiến người thu nhập thấp không mua nổi nhà.

Trong khi nhiều đại gia bất động sản châu Á làm giàu nhờ phân lô bán nền, người dân đua nhau mua đất để dành, qua đó đẩy giá nhà tăng nóng, điều này lại là điều phi thực tế tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đầu cơ tích trữ bất động sản khiến nguồn cung nhà ở thiếu hụt, giá nhà vì thế tăng vọt và gần như tước đi cơ hội sở hữu nhà của những người nghèo. Vậy các nước trên thế giới đã có chính sách đánh thuế bất động sản như thế nào?

Tại Trung Quốc cuộc chiến chống đầu cơ bất động sản bắt đầu từ gần 2 thập kỷ trước, khi giá nhà đất ở nước này bắt đầu tăng cao.

Năm 2010, thị trường bất động sản ở Trung Quốc liên tục nóng, giá nhà đất tăng chóng mặt. Thời điểm ấy, hàng chục triệu căn hộ ở khắp các đô thị của Trung Quốc đã xây xong từ lâu nhưng không có người ở.

Đầu cơ tích trữ bất động sản khiến nguồn cung nhà ở thiếu hụt, giá nhà vì thế tăng vọt và gần như tước đi cơ hội sở hữu nhà của những người nghèo. Ảnh: Pixabay

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Nhiều người mua nhà chỉ để nghỉ dưỡng hoặc mua nhà rồi lại chuyển tới thành phố khác làm việc. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là tình trạng đầu cơ bất động sản, mua với mục đích đầu tư sinh lời, khiến tình trạng nhà bị bỏ trống càng nhiều.

Tình trạng này kéo dài và trầm trọng tới mức cuối năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải đưa ra chủ trương “nhà là để ở, chứ không phải để đầu cơ”, đồng thời chỉ đạo thiết lập một hệ thống chính sách để “kiểm soát và điều chỉnh” thị trường.

Tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Thành Đô, chính quyền quy định rất nghiêm ngặt về việc sở hữu nhà thứ hai trở lên. Người mua căn thứ hai phải đặt cọc từ 60-85%, căn thứ 3 đến 100%.

Thuế cũng đánh mạnh vào căn hộ thứ 2 trở đi. Bắc Kinh, Thượng Hải còn nghiêm ngặt hơn trong việc quy định hộ khẩu khi xét duyệt mua nhà. Thành phố Đường Sơn, phía Đông Bắc đất nước, thì quy định bất kỳ ai mua nhà đều phải nắm giữ tài sản ít nhất 3,5 năm.

Tại Mỹ, người mua bất động sản sẽ phải thanh toán nhiều loại thuế liên bang và tiểu bang. Thậm chí tại một số khu vực, người sở hữu nhà đất sẽ phải chi trả thêm một số loại thuế và phí khác, như thuế phát triển cơ sở hạ tầng hay phí hiệp hội dân cư nhằm phát triển trường học, bệnh viện.

Nếu không đóng thuế, chủ sở hữu sẽ bị phạt, nếu không đóng phạt thì chính phủ sẽ đưa khoản nợ đó vào hồ sơ giao dịch để khấu trừ khi bán nhà. Trong trường hợp người mua vay tiền ngân hàng, lãi suất tiền vay sẽ được khấu trừ vào lợi nhuận phát sinh từ khu đất. Mỹ đã áp dụng thuế bất động sản được hơn 220 năm.

Tại Anh, thuế người mua phải trả khi mua căn nhà đầu tiên được tính theo phương pháp lũy tiến, dựa trên giá nhà. Bất động sản có giá từ 250.000 Bảng trở xuống sẽ được miễn thuế. Ở các bậc giá sau đó, thuế áp dụng lần lượt là 5%, 10% và 12%.

Điều này đồng nghĩa bất động sản càng đắt đỏ, mức thuế áp dụng càng cao. Nếu mua một căn nhà giá 295.000 Bảng, tổng thuế người mua phải nộp là 2.250 Bảng. Nếu sở hữu thêm căn nhà thứ 2, mức thuế phải nộp sẽ được cộng thêm 3% so với các mức trên. Theo đó, các bậc thuế sẽ là 3%, 8%, 13% và 15%.

Ngoài ra, người sở hữu bất động sản còn phải nộp thuế hội đồng (Council Tax) hàng năm. Số tiền này được chính quyền địa phương dùng vào các dịch vụ công cộng như thu gom rác hay sửa đường. Mức thu tùy vào từng địa phương và giá trị tài sản.

Tại Canada, mức thuế 1% được áp dụng toàn quốc với các căn nhà bỏ không hoặc dùng không hết sức chứa (Underused Housing Tax). Dù vậy, thuế này chủ yếu áp với người nước ngoài, hoặc các tổ chức, quản lý quỹ tại Canada.

Ở cấp địa phương, một số tỉnh thành tại Canada cũng đánh thuế với nhà bỏ không. Ví dụ tại Vancouver, thuế nhà bỏ không được áp dụng từ năm 2017 để giá nhà phải chăng hơn. Hàng năm, người dân thành phố này phải kê khai về tình trạng ngôi nhà. Các căn nhà bỏ hoang sẽ phải đóng thuế 3% với mức định giá của chính quyền ở thời điểm đó.

Thuế bất động sản từ lâu được đánh giá là một công cụ điều tiết thị trường rất hiệu quả mà nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng. Ảnh: Pixabay

Tại Singapore, nhà có giá trị dưới 8.000 USD được miễn thuế, còn nếu đắt hơn thì mức thuế là 4-16%. Đặc biệt, thuế bất động sản với nhà đất bỏ hoang là 10-20%. Theo quy định của nước này, khi mua thêm căn nhà thứ hai, người dân và doanh nghiệp tại Singapore sẽ phải trả thuế trước bạ bổ sung (Additional Buyer's Stamp Duty).

Thuế này được áp dụng tùy từng đối tượng. Công dân Singapore sẽ phải trả 20% thuế nếu mua nhà thứ 2 và 30% với căn nhà thứ 3. Hai mức thuế này với người thường trú lần lượt là 30 và 35%. Còn với người nước ngoài, các tổ chức và doanh nghiệp bất động sản, thuế trước bạ bổ sung được áp dụng với mọi giao dịch, ở mức 35-65%. Mức thuế này áp dụng từ tháng 4/2023, cao hơn đáng kể so với mức cũ giai đoạn tháng 12/2021-4/2023.

Tại Hàn Quốc, cũng áp thuế đóng với người sở hữu nhiều nhà có tổng giá trị trên 600 triệu Won (gần 460.000 USD). Thuế này được đưa ra năm 2005, buộc các chủ nhà phải đóng hàng năm và sẽ được điều chỉnh tùy tình hình thị trường.

Tháng 7/2020, khi giá nhà liên tục tăng cao, giới chức nước này thông báo những người sở hữu từ 3 căn nhà trở lên, hoặc sở hữu 2 căn tại các khu vực thường bị đầu cơ, như Seoul, sẽ phải đóng thuế 1,2-6%, cao hơn mức áp dụng trước đó là 0,6-3,2%.

Tại Pháp, nếu sở hữu nhà trong thời gian dài, người dân sẽ được giảm thuế. Mức thuế thặng dư vốn khi bán nhà ở đây là 19%. Tuy nhiên, tùy vào thời gian sở hữu nhà, người bán sẽ được giảm thuế.

Nếu bán trong vòng 5 năm kể từ ngày mua, họ sẽ không được giảm. Nếu đã sở hữu 6-21 năm, họ sẽ được giảm 6% tiền thuế với mỗi năm. Ở năm thứ 22, mức giảm là 4%. Sau năm này, việc bán nhà được miễn thuế.

Mới đây, trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về nguyên nhân bất động sản tăng giá, Bộ Xây dựng đề xuất đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. Việc này đưa ra trong bối cảnh giá bất động sản, nhà ở liên tục tăng mạnh từ đầu năm.

Hôm 27/9, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đồng tình với đề xuất này và sẽ nghiên cứu đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất. Đây không phải lần đầu giải pháp này được nêu nhằm hạ giá nhà.

Trước đó, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng đề xuất chính sách thuế bất động sản áp cho hai đối tượng, gồm người mua căn nhà thứ hai trở lên và chủ sở hữu bỏ hoang dự án. Mức thuế sẽ tăng dần với giao dịch mà người bán có thời gian sở hữu ngắn.

Thanh Bình
Bài viết cùng chủ đề: Bất động sản

Tin cùng chuyên mục

43 sự kiện mở bán Sông Town – CaraWorld diễn ra đồng loạt trên toàn quốc

Căn hộ cho thuê 'lease home' tại trung tâm Hà Nội: Cơ hội cho nhà đầu tư

Nền tảng công nghệ bất động sản lớn tại Đông Nam Á đổi chủ

Indochina Kajima khởi công dự án văn phòng hạng A tại khu trung tâm mới phía Tây Hà Nội

Sun Group khởi công tổ hợp nghỉ dưỡng - giải trí - thương mại trị giá 13.000 tỷ đồng tại Phú Quốc

Bất động sản Cần Thơ – tâm điểm chuyển dịch mới của giới đầu tư

Cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp sáng tạo của ROX Group

Chuyên gia hiến kế bịt kẽ hở trong đấu giá đất

Dòng tiền bất động sản có xu hướng dịch chuyển vào Nam

Nhìn lại 30 năm thăng trầm của thị trường bất động sản Việt Nam

Hà Nội: Khởi công xây dựng dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Hạ Đình

Căn hộ 'chiếm sóng' bất động sản cho thuê

Quy hoạch Thủ Thiêm thúc đẩy các dự án bất động sản hạng sang tăng giá trị

Hội nghị bất động sản Việt Nam 2024: Điểm nhìn từ thị trường

Từ vụ bất thường đấu giá đất ở Sóc Sơn: Nghiêm trị nếu có chiêu trò đầu cơ, trục lợi

Lễ ký hợp đồng giữa EXIMRS và VSIP Hải Phòng - Sẵn sàng bứt phá và nâng tầm sống mới

Dự án đáng sống 2024 vinh danh Đô thị nghỉ dưỡng của Sun Group Hà Nam

Thắp sáng TP. Tân Uyên tại lễ ra mắt dự án Truc Quyen Land

Nhiều yếu tố đang hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi

Khám phá không gian tiện nghi tại dự án chung cư hạng sang The Nelson