Các hãng tàu biển container phải thực hiện nghiêm việc niêm yết giá
Cục Hàng hải Việt Nam đã nhận được phản ánh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu về tình trạng các hãng tàu vận tải biển container tăng giá, phụ giá dịch vụ vận chuyển container lên rất cao hoặc thiếu container rỗng để đóng hàng xuất khẩu, không có tàu chuyên chở… Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các hãng tàu biển container như sau:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Cục Hàng hải Việt Nam tại công văn số 4525/CHHVN-VTDVHH ngày 30/11/2020 về việc thực hiện niêm yết giá theo Nghị định đố 146/2016/NĐ-CP. Cung cấp thông tin về việc niêm yết giá, phụ giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển theo Phụ lục kèm theo gửi về Cục Hàng hải Việt Nam.
Việc tăng giá vận tải khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn |
Thứ hai, có biện pháp tăng lượng dự trữ container rỗng (loại 40 feet) ở Việt Nam để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa bằng container cho các chủ hàng trong giai doạn nhu cầu tăng cao hiện nay.
Thứ ba, công khai, minh bạch về giá cước vận chuyển container và thực hiện việc tăng giá theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam; đồng thời có biện pháp kiểm tra, giám sát các bộ phận điều hành, không để cho các cá nhân lợi dụng tình hình hiện tai của thị trường để trục lợi, chào giá bất hợp lý, gây khó khăn cho các chủ hàng và gây rối thị trường vận tải biển.
Thứ tư, kêu gọi các hãng tàu vận tải biển container đồng hành cùng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn khó khăn hiện nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19, Văn bản số 251/TB-VPCP ngày 24/7/2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá..
Thứ năm, đề xuất các giải pháp để lưu chuyển lượng container rỗng nội địa phục vu hàng hóa xuất nhập khẩu và các giải pháp khác nhằm giảm thiểu việc tăng giá vận chuyển container trong giai đoạn hiện nay
Cục Hàng hải việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành kiểm tra trực tiếp tại các hãng tàu và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm theo đúng các quy định.
Trước đó, theo phản ảnh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các Hiệp hội ngành hàng, từ cuối tháng 10/2020, các doanh nghiệp đã nhận thông báo của một số hãng tàu vận tải container về tăng phụ phí với hàng container xuất khẩu từ Việt Nam đi các thị trường châu Á. Mức tăng từ phổ biến từ 50 - 200 USD/container và áp dụng luôn từ ngày 1/11/2020, chỉ vài ngày sau khi gửi thông báo tới khách hàng. Ngoài tăng phụ phí (Rate Restoration), một số hãng tàu còn thông báo tăng phí phụ phí mùa cao điểm (Peak Season Surcharge) từ 150 - 450 USD/container. Mức tăng này đã khiến doanh nghiệp lỗ hàng tỷ đồng. Chưa kể, việc thiếu container rỗng còn khiến doanh nghiệp phải rời đơn hàng đến năm sau.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, liên tục thời gian gần đây, Cục Xuất nhập khẩu đã nhận được phản ánh của các Hiệp hội, doanh nghiệp về một cuộc khủng hoảng giá cước chưa từng có. Có những chuyến đi Bắc Âu, giá cước vượt đến 10.000 USD/container là điều không chấp nhận được. Nhất là mới chỉ cách đây 4-6 tháng, giá cước vẫn ở mức rất thấp. Thậm chí có hãng còn phát giá bằng 0.
Ông Trần Thanh Hải chia sẻ: “Chúng ta đều thấy nguyên nhân gây sốt giá là do dịch Covid-19, các nước tập trung mua hàng từ các nước Đông Á gây nên tình trạng các luồng hàng đi từ Đông Á thì nhiều nhưng nguồn về ít hơn. Việc container rỗng tồn đọng ở các nước, do tình trạng đóng cửa, giãn cách xã hội mà không đưa được về, đó là yếu tố khách quan. Nhưng ta vẫn cần có biện pháp, giải pháp”.
Ngay sau cuộc họp, Cục Xuất nhập khẩu sẽ phối hợp với Cục Hàng hải báo cáo lãnh đạo 2 Bộ, báo cáo Chính phủ vì đây là vấn đề tác động mạnh đến xuất nhập khẩu.
“Xét cho cùng, mối quan hệ giữa các hãng tàu và DN xuất nhập khẩu là mối quan hệ hữu cơ, cho nên cần có trách nhiệm chia sẻ khó khăn để cùng nhau phát triển. Chưa kể, các DN vận tải biển hoạt động kinh doanh, thu lợi tại Việt Nam cũng phải có trách nhiệm chia sẻ và góp phần phát triển kinh tế Việt Nam. Trong đó có việc chia sẻ khó khăn về giá, phí vận chuyển”, ông Hải chỉ rõ.