Các địa phương miền Trung: Đảm bảo an toàn hồ đập trước mùa mưa bão
Nhiều hồ chứa hư hỏng, xuống cấp
Mùa mưa bão ở tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị thường diễn ra từ tháng 9-12 hàng năm, đây cũng là thời điểm địa phương tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập.
Quảng Trị hiện có 131 hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế gần 423 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho 25.000ha đất canh tác, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt. Ngoài ra tỉnh còn có 221 đập dâng các loại.
Đến đầu tháng 9/2022, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã kết thúc đợt tưới vụ Hè Thu 2022; lượng nước ở các hồ còn khoảng trên 46% so với dung tích thiết kế.
Tồn tại hiện nay là nhiều hồ đập đã và đang bị xuống cấp do xây dựng từ lâu nên có nguy cơ mất an toàn, nhất là khi có mưa bão. Để khắc phục, tỉnh đã ưu tiên dành nguồn vốn và huy động các nguồn lực khác để nâng cấp, sửa chữa hồ đập.
Điển hình là giai đoạn 2018-2022, tỉnh tập trung nguồn lực sửa chữa đập tràn xả lũ Nam Thạch Hãn. Công trình này được xây dựng từ năm 1978, bị sụt lún vào tháng 10/2017 do mưa lũ.
Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Quảng Bình, nhiều hồ, đập chứa nước do địa phương quản lý có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ 2022. Qua kiểm tra 153 hồ chứa, đập trên địa bàn, hiện có 49 hồ chứa không tích nước do bị hư hỏng, nguy cơ mất an toàn rất cao.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 153 hồ chứa, 193 đập dâng thủy lợi và 32 đập dâng. UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi.
Hồ Thanh Sơn- xã Thái Thuỷ (Quảng Bình) |
Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trước mùa mưa bão năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra 153 hồ chứa, đập trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 49 hồ chứa không tích nước do bị hư hỏng và có nguy cơ sự cố mất an toàn cao và hồ chứa hư hỏng phải tích nước hạn chế trong đó có hồ Dạ Lam (xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy).
Các hạng mục công trình bị hư hỏng: Đối với đập có 30 cái bị thấm nước, 26 cái bị biến dạng mái đập, 3 cái bị nứt thân đập; đối với tràn xả lũ có 21 cái nứt và hư hỏng, trong đó hư hỏng nặng 6 cái hư hỏng nặng. Số lượng tràn được đánh giá thiếu khả năng xả lũ là 5 cái; đối với hạng mục cống lấy nước, hư hỏng thân cống là 26 cái, hư hỏng cửa van là 9 cái.
Ưu tiên nguồn vốn sửa chữa hồ đập
Theo đó, trong năm 2022 tỉnh Quảng Trị ưu tiên dành nguồn vốn và huy động các nguồn lực khác để nâng cấp, sửa chữa các hồ đập do xây dựng lâu năm nên đang bị xuống cấp, gây nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Tỉnh này đã đầu tư 100 tỷ đồng để sửa chữa công trình, chia làm 3 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 và 2 đã thực hiện từ năm 2018-2020 với tổng vốn đầu tư 57 tỷ đồng, giai đoạn 3 từ năm 2021-2022 vốn đầu tư 43 tỷ đồng.
Giai đoạn 2019-2022, từ nguồn vốn vay 214 tỷ đồng của Ngân hàng Thế giới (WB) tỉnh đã và đang đầu tư nâng cấp, sửa chữa 12 hồ đập gồm Kinh Môn, Đập Hoi ở huyện Gio Linh; Khe Muồng ở huyện Hải Lăng; Hồ Km6 ở thành phố Đông Hà; Cổ Kiềng 2, Hồ Trằm, Khe Ná, Khóm 2, Dục Đức ở huyện Vĩnh Linh; Khóm 7 và Tân Vĩnh ở huyện Hướng Hóa; Đá Cựa ở huyện Cam Lộ.
Ông Hà Sỹ Đồng- Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai tốt công tác xây dựng phương án đảm bảo an toàn hệ thống hồ đập.
Đặc biệt là chỉ đạo công tác vận hành hồ chứa, đảm bảo hài hòa giữa việc tích đủ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và an toàn công trình trong mùa mưa bão; phối hợp với các địa phương, đơn vị kiểm tra hiện trạng công trình hồ đập nhằm đánh giá tổng thể khả năng thích ứng, chống chịu thiên tai.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cũng đã yêu cầu các đơn vị quản lý hồ đập rà soát, cập nhật phương án ứng phó thiên tai, quy trình vận hành; lập phương án phối hợp với các địa phương và lực lượng khác để chủ động triển khai ứng phó khi có thiên tai, sự cố xảy ra.Các chủ hồ chứa thủy điện thực hiện nghiêm quy định về vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.
Tại tỉnh Quảng Bình, hiện tại các hồ chứa được Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn hồ đập (WB8) và công trình đập dâng Rào Nan do Trung ương hỗ trợ đã được triển khai đầu tư xây dựng; một số đập, hồ chứa được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn khác đang thực hiện đảm bảo yêu cầu, tiến độ vượt lũ, không có nguy cơ mất an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ tới.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, hiện tại, UBND cấp huyện giao cho UBND cấp xã và các tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý khai thác 121 hồ chứa và 189 đập dâng. Các hồ, đập do địa phương quản lý chưa được các cấp chính quyền bàn giao cho các tổ chức quản lý đích thực, các hồ đập không có hồ sơ lưu trữ, thiếu các thông số về hồ chứa, hơn nữa cán bộ quản lý hồ không có trình độ chuyên môn nên những nội dung quy định của Nghị định 114/2018/NĐ-CP thực hiện không đầy đủ.
Tình hình thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập đến hiện tại chỉ có Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý thực hiện cơ bản đầy đủ theo quy định (32/32 hồ chứa). Do điều kiện nguồn vốn khó khăn, các chủ đập chủ yếu tập trung lập quy trình vận hành cho các hồ chứa lớn có tràn xả sâu. Toàn tỉnh có 7 hồ có cửa van, trong đó 6/7 hồ đã có quy trình vận hành được UBND tỉnh phê duyệt.
Theo ông Trần Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, hiện nay cơ sở vật chất, trang thiết bị quản lý, quan trắc, thông tin liên lạc, vật tư, vật liệu tại chỗ chuẩn bị cho việc ứng cứu công trình của các hồ chứa địa phương quản lý không có, hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu về công tác quản lý, vận hành.
Ngoài ra, một số địa phương, đơn vị, tổ chức lập các dự án đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa nâng cấp các công trình hồ, đập nhỏ thường do các Phòng, ban hoặc UBND xã làm chủ đầu tư là những đơn vị không đủ năng lực chuyên ngành trong quản lý đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; các tổ chức tư vấn lập dự án, thiết kế bản vẽ thi công do các chủ đầu tư thuê không đáp ứng về chất lượng dẫn đến các công trình được đầu tư xây dựng chưa đảm bảo kỹ thuật, chất lượng cũng như hiệu quả đầu tư chưa cao.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, xử lý kịp thời các hư hỏng phát sinh.