Buôn lậu và sản xuất thuốc lá giả - Chưa thuyên giảm
Hội nghị Triển khai công tác chống buôn lậu thuốc lá điếu, sản xuất kinh doanh thuốc lá giả năm 2011.
- Tình hình thuốc lá nhập lậu vào nước ta liên tục tăng: năm 2006, số lượng nhập lậu 600 triệu bao, năm 2007 nhập lậu 636 triệu bao, năm 2008 nhập lậu 750 triệu bao, năm 2009 nhập lậu 870 triệu bao và năm 2010 nhập lậu 813 triệu bao. Hầu hết số thuốc lá nhập lậu vào nước ta chủ yếu là loại JET, HERO, qua tuyến biên giới phía Tây Nam và Trung Bộ. Đặc biệt, giữa năm 2010, xuất hiện loại thuốc lá nhập lậu mới ESSE có xuất xứ từ Hàn Quốc, qua tuyến biên giới phía Bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn). Với số thuốc lá nhập lậu hàng năm, ngành công nghiệp Việt Nam đã mất thị trường cung ứng nguyên liệu gần 18.000 tấn, tương ứng với 10.000ha diện tích trồng thuốc lá và hơn 50.000 lao động nông nghiệp mất việc làm trong thời vụ 4-5 tháng. Ngoài gây thất thu ngân sách, những nguy hại ảnh hưởng đến xã hội, sức khỏe con người do những thành phần độc hại không kiểm soát được, nạn thuốc lá nhập lậu còn là nguy cơ cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp thuốc lá trong nước, làm “chảy máu” ngoại tệ của đất nước trên 400 triệu USD/năm. Đây là thông tin được Ban Chỉ đạo 127 Trung ương (BCĐ 127/TW) công bố tại Hội nghị Triển khai Công tác chống buôn lậu thuốc lá điếu, sản xuất kinh doanh thuốc lá giả năm 2011 được tổ chức sáng nay (8/4) tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Năm 2010, ngành thuốc lá Việt Nam đã phối hợp với các lực lượng chức năng công an, quản lý thị trường và bộ đội biên phòng trực tiếp thu giữ, tiêu hủy trên 15.000 vụ; tính đến tháng 3/2011 bắt giữ gần 2.000 vụ. Thực tế cho thấy, số vụ nhập lậu và bắt giữ thuốc lá lậu ngày càng tăng. Đồng thời, hình thức hành vi nhập lậu thuốc lá ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn và có tổ chức hơn.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thái Sinh - Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam kiến nghị với BCĐ 127/TW cần có những chính sách hỗ trợ thực hiện hiệu quả chương trình phòng chống buôn lậu thuốc lá điếu, sản xuất, kinh doanh thuốc lá giả như: đề nghị xúc tiến đàm phán liên Chính phủ với Vương quốc Cam - pu- chia, nâng thuế nhập khẩu, bàn và thống nhất chính sách chống buôn lậu thuốc lá giữa 2 quốc gia; không thực hiện quyết định hàng hóa tạm nhập tái xuất đối với mặt hàng thuốc lá điếu và nguyên liệu thuốc lá; tăng cường kinh phí hỗ trợ cho các lực lượng tham gia phòng chống buôn lậu thuốc lá điếu và sản xuất buôn bán thuốc lá giả…
Hầu hết báo cáo tham luận của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Cảnh sát, Bộ đội Biên phòng, BCĐ 127/TW các tỉnh Quảng Trị, tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và Tổng công ty Khánh Việt đều nhận định, tình hình buôn lậu thuốc lá điếu vẫn đang diễn biến phức tạp và đề nghị: cần chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống buôn lậu thuốc lá điếu, sản xuất, kinh doanh thuốc lá giả trong nhân dân; tăng cường tính đoàn kết, hợp tác chiến giữa các ngành liên quan được giao thực hiện công tác này; cần nâng mức hỗ trợ tài chính, nhân lực, phương tiện cho lực lượng chức năng trực tiếp bắt giữ, tiêu hủy thuốc lá nhập lậu; bổ sung, tăng cường chế tài xử lý đối với các hành vi, đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá điếu…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Phó BCĐ 127/TW Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh: Đứng trước tình hình buôn lậu thuốc lá điếu và sản xuất, kinh doanh thuốc lá giả vẫn diễn biến phức tạp và hiệu quả của công tác phòng chống còn hạn chế, trong thời gian tới, yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn. Đặc biệt là tăng cường kiểm soát việc vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới và kinh doanh trong thị trường nội địa. Sau hội nghị này, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127/TW hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chức năng giải quyết những đề xuất, kiến nghị kịp thời. Đề nghị BCĐ 127 các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng đóng trên địa bàn triển khai thực hiện những chương trình, giải pháp đã đề ra trong năm 2011.
Quỳnh Mỹ