Bội thu đơn hàng, xuất khẩu rau quả sẽ cán mốc 5 tỷ USD trong năm 2023
Bội thu đơn hàng
Tấp nập chuẩn bị cho những đơn hàng xuất khẩu, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vina T&T Group, cho biết: Hiện Trung Quốc đang đẩy mạnh thu mua nhiều loại trái cây Việt Nam, đặc biệt là sầu riêng. Những ngày này, doanh nghiệp đều đặn đóng hàng để xuất sang Trung Quốc. Năm nay, doanh nghiệp đã kýp được hợp đồng xuất khẩu 1.500 container (mỗi container 15 tấn) sầu riêng cho đối tác Trung Quốc. Đến thời điểm này, doanh nghiệp đã trả được khoảng 30% đơn hàng.
“Sầu riêng thu hoạch theo lứa nên nếu chín rộ sẽ xuất đi nhiều và ngược lại. Tuy nhiên, thời điểm này đang không đủ hàng trả đơn cho đối tác”, ông Nguyễn Đình Tùng nói.
Ngoài Trung Quốc, xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác như Mỹ, Úc và EU đều ghi nhận mức tăng từ 5-10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, Công ty CP Ameii Việt Nam cũng đang tất bật chuyển bị các đơn hàng vải thiều xuất khẩu đi Nhật Bản, Đức, Anh, Trung Đông,... Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết, tại thị trường Nhật Bản, năm nay, doanh nghiệp dự kiến xuất khẩu lượng vải thiều tăng khoảng 30-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, sầu riêng xuất sang Nhật cũng tăng trưởng tốt.
Mặt hàng sầu riêng được xem là động lực tăng trưởng của ngành rau quả trong 6 tháng đầu năm 2023 |
Không chỉ xuất khẩu quả vải thiều sang các thị trường truyền thống, thời gian qua nhiều doanh nghiệp còn khai mở thêm các thị trường như Anh, Mỹ. Quả vải thiều, vải thiều không hạt của Việt Nam lên quầy kệ siêu thị Anh được bán với giá 400.000-800.000 đồng/kg.
Trong khi đó, lô hàng vải thiều tươi của Việt Nam cũng được triển khai bán đồng loạt tại nhiều siêu thị và chợ châu Á lớn nhất trong tháng 6/2023 như Hong Kong, Tân Bình, Việt Hoa, Linda’s Tropical Fruits, Ca Mau,…
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 có nhiều khởi sắc. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm đạt trị giá gần 2,8 tỉ USD, tăng mạnh 64% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng trong tháng 6/2023, xuất khẩu của ngành rau quả ước tính đem về gần 950 triệu USD, tăng 2,6 lần so với tháng 6/2022. Kết quả xuất khẩu của tháng 6 đã bỏ xa con số đã từng là kỷ lục trong tháng 5 với gần 560 triệu USD. Trong các mặt hàng, sầu riêng tăng trưởng mạnh nhất, sau đó là thanh long, chuối, xoài, mít… Ngoài ra còn có dưa hấu, vải thiều.
Về cơ cấu thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu số 1. Nửa đầu năm, thị trường Trung Quốcchiếm gần 59% thị phần, thứ hai là Mỹ, sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan, Đài Loan…
Sẽ cán mốc 5 tỷ USD
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu rau quả trở thành điểm sáng của ngành nông nghiệp khi hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều có xu hướng tăng trưởng tốt. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc bùng nổ đơn hàng.
"Nếu chúng ta được cấp thêm mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, hạn ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt khoảng 400-500 ngàn tấn thì năm nay loại quả này có thể thu về khoảng 1,5 tỷ USD", ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ.
Với mặt hàng thanh long, ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An nhìn nhận, xuất khẩu thanh long thuận lợi hơn những năm trước rất nhiều nhờ Trung Quốc “ăn hàng” mạnh. Nguyên nhân là do sản lượng thanh long của Trung Quốc đang sụt giảm do hạn hán nên họ nhập khẩu nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa.
“Mặt hàng thanh long có thể lấy lại vị thế trái cây tỉ USD. Từ cuối năm ngoái đến nay, giá bán thanh long luôn cao hơn giá thành, nông dân có lãi. Với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, nông dân lãi khoảng 400 triệu đồng/ha/năm”, ông Nguyễn Quốc Trịnh thông tin.
Ngoài ra, mặt hàng chuối, năm ngoái xuất khẩu chỉ đạt 311 triệu USD thì năm nay, xu hướng xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... tăng mạnh. Do vậy, xuất khẩu chuối dự kiến thu khoảng 700-800 triệu USD.
Đánh giá về dư địa xuất khẩu trong nửa 6 tháng cuối năm 2023 và những năm tiếp theo, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, hiện nhiều loại trái cây Việt Nam bước vào vụ thu hoạch và có đặc tính rải vụ nên xuất khẩu rau quả năm nay được đánh giá còn nhiều dư địa.
Theo thống kê, trong quý 2/2023, sản lượng trái cây cả nước ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, chuối khoảng 460 nghìn tấn, xoài 350 nghìn tấn, sầu riêng 300 nghìn tấn, thanh long 250 nghìn tấn, vải thiều 330 nghìn tấn, dứa 217 nghìn tấn, nhãn 110 nghìn tấn, cam 180 nghìn tấn... Dự báo, trong quý 3 - 4/2023 sẽ có gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính cần tiêu thụ như: xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, vải, nhãn, sầu riêng, mít, bơ... Như vậy, có thể thấy, nguồn cung trái cây đang và sẽ rất dồi dào, đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
“Xuất khẩu rau quả đã đạt gần 3 tỷ USD chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023. Trong khi chúng ta còn nguồn sầu riêng rất lớn tại Tây Nguyên khi một tháng nữa mới ra trái, mùa vụ kéo dài đến cuối năm. Như vậy, với đà tăng trưởng này, dự báo nửa cuối năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sẽ cán mốc 5 tỷ USD. Con số này gần như trong tầm tay”, ông Đặng Phúc Nguyên khẳng định.