Bóc mẽ thủ đoạn lừa đảo của Facebook giả mạo Học viện Cảnh sát nhân dân
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, tài khoản tên “Học viện Cảnh sát nhân dân – Cổng thông tin” có ID: 212411291956047, được tạo lập vào ngày 16/1/2024.
Trang này giới thiệu có địa chỉ phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội; số điện thoại: 02438362811; email: cttdt@hvcsnd.edu.vn; web: https://hvcsnd.edu.vn/. Đối chiếu với thông tin trên web chính thức của Học viện Cảnh sát nhân dân, những thông tin trên trang giả mạo hoàn toàn trùng khớp, chỉ có email là khác, nên người dân rất dễ bị nhầm lẫn.
Facebook giả mạo Học viện Cảnh sát nhân dân để lừa đảo. |
Vẫn theo ghi nhận của phóng viên, trang này hiện có 3,8 nghìn lượt theo dõi. Để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trang giả mạo này đã đăng tải bài cảnh báo với nội dung: “Bộ Công an khuyến cáo người dân cảnh tỉnh với những hình thức lừa đảo trực tuyến trên mạng xã hội Internet. Nếu là nạn nhân của những vụ lừa đảo hãy nhanh chóng liên hệ với chúng tôi để tố giác tội phạm và nhận hỗ trợ từ đội ngũ điều tra của Cục An ninh mạng – Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao”.
Trang này còn lưu ý: “Báo án tố giác tội phạm trung thực. Cố tình báo án sai vu khống cho người khác sẽ phải chịu các hình thức xử phạt của pháp luật”.
Ngày 28/1, trong vai một nạn nhân bị lừa đảo, phóng viên Báo Công Thương đã liên hệ với trang này để làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động.
“Tôi tên H.Q.H. Tôi bị một đối tượng giả mạo công an gọi điện, hướng dẫn cài đặt ứng dụng công giả mạo. Sau đó, tài khoản của tôi bị chiếm đoạt số tiền 400 triệu đồng. Tôi có thể liên hệ với cơ quan nào để trình báo sự việc?”, phóng đặt câu hỏi.
Đáp lại là một tin nhắn tự động: Chào bạn! Bạn đã là nạn nhân của những vụ lừa đảo trên internet phải không? Tiếp đó, trang này yêu cầu phóng viên cho biết họ tên, số điện thoại và thông tin chi tiết về vụ lừa đảo, số tiền bị lừa đảo…
Khi phóng viên nói đã trình bày ở trên, trang này tiếp tục yêu cầu cung cấp các bằng chứng chứng minh bị lừa đảo. Đồng thời, giới thiệu là cán bộ ở bộ phận an ninh mạng, Bộ Công an đang tiếp nhận hồ sơ báo án online.
Khi phóng viên hỏi các đồng chí ở Cục nghiệp vụ nào; tôi có thể tới báo án trực tiếp với các đồng chí không? Nhóm đối tượng không trả lời và nói: Anh là một nạn nhân thực sự cần sự hỗ trợ lấy lại toàn bộ số tiền bị chiếm đoạt, tôi mong anh không phải là một đối tượng cố gắng quấy rối làm phiền chúng tôi”.
“Chúng tôi bên bộ phận an ninh mạng của Bộ Công an, đang tiếp nhận hồ sơ báo án online. Nếu bạn không phải nạn nhân đừng làm phiền chúng tôi vì chúng tôi còn rất nhiều nạn nhân cần được hỗ trợ”, trang này trả lời khi phóng viên tiếp tục hỏi có thể báo án ở công an địa phương không? Sau đó, trang giả mạo này đã chặn tin nhắn của phóng viên.
Liên quan tới hoạt động của trang có tên “Học viện Cảnh sát nhân dân – Cổng thông tin”, đại diện Công an TP. Hà Nội khẳng định, đây là trang lừa đảo. “Đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo mong muốn lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng đã lấy hình ảnh của Học viện Cảnh sát nhân dân để tạo dựng niềm tin, tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo các nạn nhân”, Công an TP. Hà Nội cho biết.
Theo Công an TP. Hà Nội, thủ đoạn của các đối tượng này không mới. Đó là khi có nạn nhân liên hệ báo án, các đối tượng sẽ hướng dẫn nạn nhân đóng phí để hỗ trợ hoặc làm nhiệm vụ để rút tiền treo trên hệ thống. Khi có người chuyển tiền, các đối tượng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về.
Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên. “Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Không nên tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo”, Công an TP. Hà Nội khuyến cáo.