Bộ Y tế đề nghị xử lý hình sự Tiktoker bán hàng xách tay, trốn thuế
Ngày 23/4/2025, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ban hành Công văn số 1149/QLD-MP, yêu cầu các Sở Y tế địa phương và các doanh nghiệp trong ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường mỹ phẩm, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội như: TikTok, Zalo, Facebook, YouTube và các sàn thương mại điện tử.
Theo Cục Quản lý Dược, thời gian gần đây, qua công tác kiểm tra hậu mại, đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm, bao gồm: "Sản xuất mỹ phẩm tại cơ sở chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất; kinh doanh mỹ phẩm có thành phần công thức không đúng với hồ sơ công bố; thay đổi nội dung đã công bố nhưng chưa được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền; không lưu giữ đầy đủ hồ sơ thông tin sản phẩm và không xuất trình cho cơ quan kiểm tra khi được yêu cầu".
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra lô mỹ phẩm vi phạm. |
Đáng chú ý, văn bản nêu rõ tình trạng phổ biến trên không gian mạng hiện nay: "Trên các trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, sàn giao dịch thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo, YouTube...) có tình trạng kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm là hàng xách tay, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; có dấu hiệu tiêu thụ sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu và trốn thuế; quảng cáo mỹ phẩm không phù hợp với bản chất của sản phẩm… quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu lầm sản phẩm đó là thuốc".
Trước tình trạng này, Cục Quản lý dược yêu cầu: Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp mỹ phẩm trên địa bàn, đặc biệt là "hoạt động kinh doanh mỹ phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội: TikTok, Zalo, Facebook, YouTube nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trái phép, mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm chưa được cấp số tiếp nhận phiếu công bố".
Xử lý, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo các Nghị định: 117/2020/NĐ-CP, 38/2021/NĐ-CP, 119/2017/NĐ-CP; đồng thời thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các loại mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm không đạt chất lượng…; chuyển hồ sơ tới cơ quan điều tra để xử lý hình sự theo quy định trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm.
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng yêu cầu doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ theo Thông tư 06/2011/TT-BYT, không sản xuất tại cơ sở chưa đủ điều kiện, không đưa sản phẩm ra thị trường khi chưa được cấp số công bố. “Phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, chất lượng và hiệu quả sản phẩm”, Cục Quản lý Dược nhấn mạnh.
Ngoài gửi đến Sở Y tế các địa phương, các cơ sở sản xuất, công bố, nhập khẩu mỹ phẩm, công văn này cũng được gửi tới Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và các cơ quan liên quan như: Cục TMĐT, Cục PTTH&TTĐT, Cục Hải quan, Cục Thuế… để phối hợp.