Bộ Tư pháp giải đáp một số vấn đề dư luận quan tâm
Theo đó, trước phản ánh của một số cơ quan báo chí về việc thời gian qua, tại một số địa phương, người dân phải “nộp phạt” hoặc “tự nguyện đóng góp” một khoản tiền khi đăng ký khai sinh cho con thứ ba trở lên, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực phối hợp với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tiến hành kiểm tra, xác minh thực tế. Kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy, sự việc báo chí phản ánh là có thật; đây là một trong những biện pháp được một số địa phương áp dụng, nhằm hạn chế tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Tư pháp, việc yêu cầu người dân phải “nộp phạt” hoặc “tự nguyện đóng góp” một khoản tiền mới được đăng ký khai sinh đối với trường hợp sinh con thứ ba trở lên là không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành (Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Bộ Luật Dân sự, Luật Trẻ em, Luật Hộ tịch, Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Để khắc phục tình trạng này, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã có công văn gửi Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, yêu cầu chỉ đạo các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn thực hiện đúng quy định và tạo điều kiện thuận lợi để đăng ký khai sinh cho trẻ em; không có bất cứ hành vi cản trở, gây khó khăn trong việc đăng ký khai sinh cho trẻ em. Đồng thời, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực rà soát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật và của địa phương về đăng ký hộ tịch nói chung, đăng ký khai sinh nói riêng, nếu phát hiện có sai phạm thì chấn chỉnh kịp thời. Trường hợp địa phương ban hành văn bản dưới bất kỳ hình thức nào nhằm thu tiền của người dân liên quan đến việc đăng ký khai sinh do sinh con thứ ba trở lên thì phải bãi bỏ.
Liên quan đến việc cảnh sát giao thông xử phạt người điều khiển phương tiện ôtô tham gia giao thông không mang bản chính giấy đăng ký xe, Bộ đã giao Cục Quản lý xử phạt vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật phối hợp với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và một số đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý.
Giải thích thêm, Cục trưởng Cục Quản lý xử phạt vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật - Đặng Thanh Sơn - cho biết, hiện có khoảng 1,3 triệu các phương tiện giao thông đang thực hiện việc thế chấp tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng. "Nếu tiếp tục xử phạt với người không mang theo giấy đăng ký xe bản chính có thể tác động tiêu cực đến hoạt động tài chính, kinh tế, người dân có thể không thực hiện việc thế chấp vay vốn nữa" - ông Sơn nhìn nhận.
Cho nên, trong điều kiện pháp luật có những điểm không quy định cụ thể về việc người tham gia giao thông phải mang bản chính giấy đăng ký xe, phương tiện giao thông là vấn đề cần nghiên cứu, kiến nghị đề xuất xử lý.
"Trên cơ sở các ý kiến phản ánh, nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành và yêu cầu của thực tiễn, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, trình lãnh đạo Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng" - ông Đỗ Đức Hiển, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết.