Bộ trưởng Lê Thành Long: Tình trạng sợ trách nhiệm không chỉ ở Bộ Tư pháp
Cán bộ sợ trách nhiệm, có xu hướng giải thích để "tiện cho mình"
Sáng 15/8, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đăng đàn trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp, tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương… công tác tư pháp nói chung đã đạt được những kết quả thiết thực, đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn |
Bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế, tồn tại, đòi hỏi Bộ cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đáp ứng tốt hơn mong mỏi của Đảng, Quốc hội, cử tri cả nước. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, sẽ lắng nghe ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội và giải trình đầy đủ.
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Trịnh Minh Bình - đoàn Vĩnh Long dẫn báo cáo của Bộ Tư pháp, hiện nay, còn một số nơi cán bộ có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong công tác tham mưu xây dựng pháp luật. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân chính của vấn đề trên và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Tư pháp có nêu, quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong kiểm tra văn bản chưa thực sự rõ ràng, hợp lý. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của tình trạng này và chỉ ra các giải pháp để nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, qua đó tránh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam?
Trả lời chất vấn của đại biểu Trịnh Minh Bình, Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận tình trạng sợ trách nhiệm là có và không chỉ ở Bộ Tư pháp. Theo ông, lượng hóa việc này rất khó. Thực tế không làm được hoặc ngại thì nói do quy định của pháp luật.
Tổng Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nói rất nhiều, đánh giá về khâu yếu của chúng ta là tổ chức thi hành pháp luật. Dù không thể bao quát hết các nội dung, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phản ánh thực tế là nhiều khi do không xem xét vấn đề trong tổng thể nên cứ nói do pháp luật, báo cáo rà soát cũng nói đó là vướng mắc nhưng trên thực tế nhiều cái không phải như vậy.
Bên cạnh đó, một số nơi có xu hướng giải thích theo hướng “tiện cho mình”, hoặc hiểu, áp dụng về pháp luật còn chưa thống nhất, có tình trạng hành chính hóa.
Mặc dù, Bộ Nội vụ được giao ra Nghị định về bảo vệ người dám nghĩ dám làm nhưng còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Bởi đây chỉ là Nghị định còn những vấn đề liên quan lại ở tầm luật.
Chưa có kế hoạch sửa đổi Bộ Luật hình sự 2015
Đại biểu Lê Tất Hiếu - đoàn Vĩnh Phúc đặt câu hỏi, Bộ Luật hình sự 2015 hiện đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập. Xin Bộ trưởng cho biết lộ trình giám sát, sửa đổi, bổ sung luật trong thời gian tới như thế nào? Hiện việc thu hút người làm giám định tư pháp rất khó khăn. Bộ trưởng có giải pháp gì để giúp địa phương thu hút người làm công việc giám định tư pháp?
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi vào năm 2017 đã đề xuất một loạt ý tưởng mới như trách nhiệm hình sự pháp nhân, bỏ một số tội về tội phạm ma túy, kéo gần các khung lại, không để quá rộng. Ngoài ra còn sửa một số nội dung như liên quan án tử hình… Bộ Tư pháp đang nghiên cứu nhưng chưa có kế hoạch sửa đổi bổ sung cụ thể.
Trước đó, báo cáo về các vấn đề thuộc lĩnh vực của ngành tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu, Bộ Tư pháp đang tham mưu giúp Chính phủ ban hành nghị quyết về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đang tham gia góp ý, xây dựng dự thảo quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật.
Về mặt hạn chế, Bộ trưởng Tư pháp cho hay vẫn còn tình trạng các dự án vào chương trình xây dựng luật không theo chương trình tổng thể hoặc đề nghị sát thời điểm tổ chức kỳ họp, phiên họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang có chiều hướng tăng lên.
Một số dự án chưa được nghiên cứu, tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, tác động của chính sách trong dự án luật nên chưa được bổ sung vào chương trình xây dựng luật.
Đáng lưu ý, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ, chất lượng một số dự án luật chưa cao. Cạnh đó là tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đồng bộ giữa một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến cách hiểu khác nhau, khó tổ chức thi hành…
Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, song Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ ra thực tế có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu xây dựng thể chế tại một số nơi.
Về giải pháp, Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh, việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật, đặc biệt là tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan Chính phủ. Ngoài ra, tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.
Theo Bộ trưởng Tư pháp, Chính phủ sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác xây dựng pháp luật.