Bộ trưởng báo tin vui khi Chỉ số hạnh phúc và Chỉ tiêu năng suất lao động của Việt Nam đều tăng
Chiều ngày 4/11, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội, nhìn chung các chính sách xã hội được triển khai cơ bản, đúng, đủ và kịp thời, thông qua đó tạo chuyển biến rất quan trọng về nhận thức, hành động và hiệu quả. Đặc biệt, chính sách về người có công là một trong những chính sách nổi trội, một trong những chính sách xã hội thực hiện tốt nhất hiện nay. Các chính sách giảm nghèo bền vững dành cho đối tượng yếu thế theo hướng đảm bảo an sinh tối thiểu và nâng dần các mức trợ giúp xã hội đang được thực hiện có hiệu quả.
Trong đó, các chính sách người có công được kể đến là điểm nổi trội, cùng với các chính sách giảm nghèo bền vững dành cho đối tượng yếu thế theo nguyên tắc đảm bảo an sinh tối thiểu, nâng dần các mức trợ giúp xã hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo tin vui khi Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội |
Về kết quả giảm nghèo ở mức giảm 1,93% đạt được năm nay, Bộ trưởng khẳng định, đây là cố gắng lớn của cả nước trong điều kiện thiên tai, lũ, bão liên tiếp xảy ra. Tiếp nữa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, lần đầu tiên chỉ tiêu về năng suất lao động tăng 5,56%, đạt yêu cầu đề ra.
Và điều đáng mừng là Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc. Cụ thể, theo Báo cáo hạnh phúc thế giới năm 2024 do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc công bố dựa trên kết quả khảo sát tại 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam đứng thứ 54, cải thiện tích cực so với vị trí 65 của năm 2023. Xét ở khu vực châu Á, Việt Nam đứng vị trí thứ 6.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng vui mừng cho biết, vừa qua, cuối tháng 10, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á được các nước G7 mời trực tiếp đến báo cáo điển hình về việc thực hiện chính sách xã hội và phát huy vai trò người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội hiện nay... "Nói một cách khiêm tốn, khách quan nhất, Việt Nam là một trong những quốc gia thực hiện tốt chính sách xã hội, nhất là so với các nước có điều kiện kinh tế tương đồng”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Về triển khai Đề án hỗ trợ người có công khó khăn về nhà ở, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo chỉ đạo đồng bộ cả 3 chính sách, chính sách hỗ trợ nhà ở người có công, chính sách triển khai hỗ trợ nhà ở người nghèo theo 3 chương trình mục tiêu, chính sách hỗ trợ những người không thuộc 2 đối tượng trên đang ở diện khó khăn về nhà ở với 153.000 đối tượng.
"Riêng về chính sách hỗ trợ nhà cho người có công. Đây là chính sách Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo và dùng ngân sách Nhà nước. Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì đề án này và trong tháng 10/2024, Bộ Xây dựng đã bắt đầu xây dựng đề án theo quy định của Chính phủ. Đề án sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2024", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Liên quan đến Chỉ số hạnh phúc, theo Đại biểu Quốc hội, PGS-TS Bùi Hoài Sơn cho biết, cũng trong ngày 4/11, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (TP. Hồ Chí Minh) đã có một phát biểu rất đáng suy nghĩ về việc Việt Nam cần xây dựng Chỉ số hạnh phúc. Lấy ví dụ về việc thế giới xếp hạng hạnh phúc của Việt Nam ở vị trí 54/143 quốc gia (tăng 11 bậc so với kỳ xếp hạng trước), trong khi xếp hạng GDP bình quân đầu người chỉ ở vị trí 101/176 quốc gia, đại biểu nhấn mạnh, nhu cầu xây dựng Chỉ số hạnh phúc như là cách chúng ta tập trung cho phát triển đất nước bền vững, thể hiện tính ưu việt của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Một trong những thước đo đánh giá về Chỉ số hạnh phúc của người dân đó là sự hài lòng cải cách hành chính - Ảnh: VGP |
Đại biểu Bùi Hoài Sơn cũng cho biết, Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam liên tục tăng trong các năm 2023, 2024, điều này phản ánh Việt Nam đang có một vị trí ấn tượng, đặc biệt trong bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Mặc dù GDP bình quân đầu người của Việt Nam không cao so với nhiều quốc gia khác, nhưng tuổi thọ và sự hài lòng trong cuộc sống của người dân được đánh giá là cao, vượt trội hơn nhiều nước có nền kinh tế lớn hơn. Đây là một thành tích đáng kể khi Việt Nam được coi là một trong số ít quốc gia có dấu chân sinh thái đủ nhỏ để duy trì bền vững, nhờ các chính sách xã hội và dịch vụ công mạnh mẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm bất bình đẳng.
Một trong những công cụ có thể là thước đo về Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đó là việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công năm 2023 ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 74,87- 93,16%. Cùng với đó, người dân hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước nói chung trong cả nước năm 2023 (SIPAS 2023) ở mức 82,66%, tăng so với năm 2022 (80,08%). Mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 75,03 - 90,61%. Cùng với đó, kết quả đo lường sự hài lòng của người dân năm 2023 là người dân được khảo sát trong cả nước quan tâm đến các chính sách ở mức khá cao, nằm trong khoảng từ 76,06 - 81,19%. Những số liệu này cho thấy, người dân đang có sự quan tâm và hài lòng đối với các chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Đảng, Nhà nước là rất lớn… Điều này cho thấy, nâng cao chất lượng cuộc sống và giá trị hạnh phúc luôn là mục tiêu xuyên suốt trong sự lãnh đạo của Đảng trong thời gian qua. Đồng thời, các chính sách đã và đang phát huy tác dụng lớn, thể hiện tính ưu việt giúp người dân cải thiện cuộc sống.
Thờ gian tới, để nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam, theo Tiến sĩ Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện chính trị khu vực IV cho rằng, một trong các giải pháp đó là phát triển kinh tế luôn gắn với giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội nhằm hướng đến tiến bộ, công bằng xã hội.
Phát triển kinh tế là cơ sở để giải quyết tốt các vấn đề xã hội và đến lượt mình, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Do đó, để hiện thực hóa khát vọng “đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc”, trước hết là phát triển kinh tế đảm bảo sự phát triển bền vững; khuyến khích làm giàu hợp pháp góp phần thúc đẩy phân tầng xã hội hợp thức, xử lý nghiêm túc đối với hành vi làm giàu bất chính (buôn lậu, trốn thuế…). Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nông thôn nhằm góp phần thu hẹp chênh lệch giàu nghèo. Tăng cường liên kết vùng trên mọi lĩnh vực đảm bảo chia sẻ các nguồn lực, giảm thiểu sự chênh lệch giữa các vùng trong quá trình phát triển. Xây dựng các chính sách xã hội đảm bảo công bằng cơ hội cho các nhóm xã hội.
Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng một xã hội hài hòa, trước hết là hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và công bằng. Hoạch định và thực thi chính sách xã hội đảm bảo tính bao trùm, dựa trên nguyên tắc đảm bảo quyền con người và bình đẳng giới. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Xây dựng môi trường xã hội thân thiện, xây dựng bộ quy tắc ứng xử giữa con người với con người, con người với tự nhiên.
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2024 được đưa ra dựa trên khảo sát Gallup World Poll, trong đó đánh giá các quốc gia và vùng lãnh thổ theo thang điểm 10, dựa trên các tiêu chí gồm GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ, sự tự do trong lựa chọn cuộc sống, sự hào phóng, nhận thức về tham nhũng. Khảo sát đào sâu vào các lĩnh vực này và cung cấp thông tin chuyên sâu về xếp hạng chất lượng cuộc sống của người dân tại các quốc gia/vùng lãnh thổ được khảo sát. |