Bình tĩnh chờ tiếp sức
Ông đánh giá như thế nào về những hậu quả do dịch Covid - 19 gây ra đối với DNNVV?
Đã có nhiều nhận định, đánh giá về khó khăn, thiệt hại của DN, nhất là khối DNNVV rất lớn ở khía cạnh thị trường, sản xuất, lao động do dịch Covid-19 tác động đến. Trong đó, về mặt thị trường hầu như đều sụt giảm mạnh cả nội địa, xuất khẩu; quy mô, sản lượng sản xuất bị thu hẹp, tỷ lệ lao động nghỉ việc cao do DN tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, do dịch vẫn có những diễn biến khó lường, việc thực hiện giãn cách xã hội, nên chưa thể thống kê số liệu chính xác số DN phá sản, vì cần phải có sự đo lường khoa học.
Thực tế, vào giữa tháng 2, khi dịch chưa bùng phát, lan rộng như hiện nay, VINASEM đã nhận được thông tin, phản ánh từ DN về khó khăn trước dịch bệnh và đã sớm báo cáo lên Chính phủ; trong đó đưa ra các cảnh báo, lường trước nguy cơ sẽ có nhiều DN bị phá sản, dừng hoạt động trước đại dịch, nhất là với khối DN siêu nhỏ, tiềm lực yếu, mỏng manh.
Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN. Đánh giá của ông về các chính sách của Chính phủ và khả năng tiếp cận của DN?
Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ rất lớn, toàn diện và đầy đủ, vừa hỗ trợ cho DN, vừa hỗ trợ người lao động; trong đó, gói hỗ trợ vay không lãi suất đã thể hiện rõ nét về mặt kinh tế lẫn sự nhân văn. Ngoài ra, các chính sách, hoạt động hỗ trợ từ các bộ, ngành cũng rất quyết liệt, nhanh chóng, như: Giảm thuế, giãn nộp thuế của Bộ Tài chính; giảm lãi suất của các tổ chức tín dụng; Bộ Công Thương thực hiện thông quan rất mạnh, chủ động, tạo điều kiện tốt nhất cho DN kết nối, duy trì thị trường, tham gia xuất nhập khẩu.
Những chính sách, hành động của Chính phủ, các bộ, ngành thể hiện rõ quyết tâm, ý chí, tạo dựng được niềm tin lớn cho DN ra sao, thưa ông?
Ở đây, chúng tôi đánh giá cao nhóm chính sách ngắn hạn, thể hiện sự hỗ trợ kịp thời, sâu rộng, giúp DN tránh được sự đổ vỡ trước dịch bệnh, tiếp thêm nguồn lực để DN cùng nhau hoạt động kinh tế chia sẻ, đó là gói tài chính cho vay chi trả lương, giãn, giảm nộp thuế; gói an sinh xã hội. Đối với gói hỗ trợ trung hạn, giúp DN nâng cao năng lực sản xuất, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, tái cơ cơ cấu thị trường… cũng đã tập trung một nguồn lực lớn để DN có thêm điểm tựa duy trì hoạt động ổn định sau đại dịch.
Để đánh giá chính xác về khả năng tiếp cận chính sách của DN hiện có thuận lợi hay không là chưa thể kết luận, vì khi triển khai chính sách, bất luận là hỗ trợ hay không hỗ trợ chúng ta đều phải thực hiện theo quy định, nhằm tránh tạo kẽ hở, lỗ hổng, gây thất thoát. Mặt khác, phần lớn các chính sách trong đại dịch của Chính phủ đều mới, chưa có tiền lệ trong bối cảnh rất đặc biệt. Do đó, với tinh thần "chống dịch như chống giặc" cũng khó để quan liêu, nhũng nhiễu, phiền hà xảy ra, nên DN cũng cần bình tĩnh chờ được tiếp sức từ chính sách.
Để sớm phục hồi, trụ vững sau khi dịch kết thúc, ông có khuyến nghị gì tới cộng đồng DNNV và kiến nghị đối với Chính phủ cũng như các bộ, ngành?
Cái gì đến rồi cũng sẽ đi, dịch Covid - 19 cũng vậy, sẽ kết thúc. Công tác chống dịch ở Việt Nam quyết liệt, hiệu quả. Vì vậy khi dịch kết thúc, nguồn lao động dồi dào, ít xáo trộn, cộng với sự hỗ trợ của Chính phủ thì tốc độ hồi phục của DN sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, trước mắt DN cần thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành về phòng, chống dịch bệnh. Mặt khác, phải phân tích được tình hình, xây dựng chiến lược hoạt động phù hợp để bật lên; nắm rõ chính sách hỗ trợ, xem mình có phải là đối tượng được khoanh nợ, giảm lãi suất hay không, để thêm nguồn lực tái cơ cấu lại DN. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến một số lĩnh vực mới như kinh tế chia sẻ, vì DNNVV tiềm lực yếu, quy mô nhỏ. Việc liên kết sẽ tạo sức mạnh lớn hơn, thúc đẩy số hóa...
Đối với Chính phủ, những chính sách như vậy tương đối đầy đủ. Cùng những chính sách đang có sẵn, khung pháp lý mạnh, nếu có đột phá mới trong các quyết sách thực thi sẽ mang lại hiệu quả rất lớn. Để làm được điều đó, yếu tố then chốt là tính minh bạch trong thực thi chính sách, bởi minh bạch sẽ giúp cho tổ chức đoàn thể có thể thực hiện phản biện, giám sát lẫn nhau. Và muốn minh bạch, cần phải đẩy nhanh chính phủ điện tử trong hệ thống cơ quan hành chính. Nếu làm tốt, tôi tin rằng những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh sẽ thực hiện thành công.
Về phía Hiệp hội có kế hoạch hỗ trợ gì giúp DN vượt bão khó khăn và sớm phục hồi sau đại dịch?
Trong suốt thời gian dịch bệnh, hệ thống của VINASEM từ trung ương đến địa phương đã chủ động thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao, như: Tuyên truyền, hỗ trợ DN tiếp cận chính sách; tư vấn, hỗ trợ DN áp dụng công nghệ, chuyển đổi hình thức hoạt động, điều hành online, trực tuyến; khuyến khích DN thực hiện chuyển đổi số để tiết kiệm kinh phí, vận hành trong mọi hoàn cảnh. Tới đây, Hiệp hội sẽ đẩy mạnh hỗ trợ DN tiếp cận chính sách hỗ trợ, tổ chức chương trình đào tạo, tập huấn sâu về chuyển đổi số; đào tạo DN tiếp cận cách thức quản lý điều hành mới; chắp nối cho DN kết nối, tham gia chuỗi cung ứng từ nội tỉnh, liên tỉnh đến quốc tế; tạo mạng lưới gắn kết DN để cùng chia sẻ kinh nghiệm về kinh doanh, từng bước vượt qua khó khăn và phát triển.
Xin cảm ơn ông!