Bình Thuận: Tăng cường giám sát xuất hóa đơn trong bán lẻ xăng dầu
Theo UBND tỉnh /chu-de/tinh-binh-thuan.topic, trên địa bàn toàn tỉnh có 288 cửa hàng, 13 tàu dầu, bao gồm 1..443 cột bơm. Trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1123/CĐ-TTg ngày 18/11/2023 chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, toàn tỉnh chỉ mới có 21 cửa hàng, 88 cột bơm thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng (chiếm tỉ lệ 7,26%).
Các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu còn lại mặc dù đã thực hiện phát hành hóa đơn điện tử nhưng chưa thực hiện được việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.
Lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn (Ảnh: Cục QLTTBT) |
Theo đánh giá của Cục Thuế tỉnh Bình Thuận, trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện, đã có rất nhiều khó khăn liên quan đến việc các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải phát sinh chi phí đầu tư, thói quen tiêu dùng của người dân không lấy hóa đơn khi mua hàng, thói quen xuất hóa đơn tổng vào cuối ngày của các cửa hàng, các đơn vị cung cấp thiết bị vật tư ngành xăng dầu còn hạn chế, trong khi nhu cầu tăng cao đột biến trong thời gian ngắn,…
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã hiểu rõ hơn về trách nhiệm và nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để đáp ứng quy định về hóa đơn, chứng từ. Tính đến ngày 28/3/2024, toàn tỉnh Bình Thuận có 288/288 cửa hàng thực hiện áp dụng triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, đạt 100%.
Nhằm triển khai hiệu quả việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Công điện số 01/CĐ-TCT ngày 04/6/2024 của Tổng cục Thuế, mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành văn bản số 2221/UBND-TH về việc đẩy mạnh triển khai công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu và triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Đối với công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng trong hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu, Cục Thuế tỉnh Bình Thuận, các sở ngành có liên quan, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tuyên truyền đến người tiêu dùng, các đơn vị kinh doanh, bán lẻ xăng dầu hiểu rõ về lợi ích và trách nhiệm, hiệu quả của việc thực hiện việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.
Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc phát hành, sử dụng hóa đơn nói chung và hóa đơn đối với xuất bán xăng dầu nói riêng, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp sai phạm, không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu.
Việc xuất hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu đang góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số, chống thất thu ngân sách nhà nước - (Ảnh: TTXVN) |
Công an tỉnh Bình Thuận có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án gian lận trong kinh doanh xăng dầu, mua bán sử dụng hoá đơn không hợp pháp nhằm trốn thuế, để đưa ra xét xử trước pháp luật nhằm cảnh tỉnh, răn đe các đối tượng đã và đang có ý định buôn lậu xăng dầu, mua bán hóa đơn không hợp pháp góp phần chống thất thu thuế, thu hồi các khoản tiền thuế bị thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tỉnh Bình Thuận yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế và điểm i khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ, quy định lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán lẻ xăng, dầu cho khách hàng.
Phát hành hóa đơn điện tử phải đảm bảo về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử; nội dung, phương thức, thời điểm chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế theo quy định; người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Kịp thời phản ánh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để cơ quan thuế và các cơ quan liên quan phối hợp hỗ trợ, giải quyết.
Ngoài ra, đối với công tác triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tỉnh Bình Thuận yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp với cơ quan thuế triển khai các giải pháp nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước, trong đó, cần tập trung vào khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, trọng tâm là lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng bán lẻ ít lấy hóa đơn (ăn uống, nhà hàng, khách sạn, kinh doanh vàng bạc...).
Đồng thời, mở rộng việc rà soát và triển khai đối với một số lĩnh vực đặc thù khác như: Xăng dầu, phí đường bộ, dịch vụ sân golf, cáp treo... để đảm bảo việc triển khai thực hiện một cách khách quan, đồng bộ, hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi trong việc xuất hóa đơn điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với quyền được nhận hóa đơn khi tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.