Cụ thể, Cục Thuế tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 1602/QĐ-CTBTH ngày 1/7/2024 về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản đối với Công ty Cổ phần Tàzon (mã số thuế: 3400304424; địa chỉ: Km 1689, Quốc lộ 1A, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) để thi hành thông báo tiền thuế nợ số 11450/TB-CTBTH-ĐT ngày 12 tháng 6 năm 2024 của Cục Thuế tỉnh Bình Thuận.
Nguyên nhân Công ty Cổ phần Tàzon bị cưỡng chế là do nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế là hơn 15,7 tỷ đồng.
Cùng ngày, Cục Thuế tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 1612/QĐ-CTBTH về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản đối với Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường (mã số thuế: 0301906101; địa chỉ: Thôn Thuận Thành, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) để thi hành thông báo tiền thuế nợ số 11458/TB-CTBTH-ĐT ngày 12 tháng 06 năm 2024 của Cục Thuế tỉnh Bình Thuận.
Công ty này cũng nợ thuế quá 90 ngày, với số tiền nợ hơn 2,1 tỷ đồng.
Khu vực mỏ titan Nam Suối Nhum (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) của Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường từng xảy ra sự cố sạt lở khiến 4 công nhân tử vong (Ảnh: Đức Trong) |
Đồng thời, Cục Thuế tỉnh Bình Thuận cũng ban hành Quyết định số 1615/QĐ-CTBTH về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản đối với Công ty TNHH Khoáng sản Rạng Đông (mã số thuế: 3401063933; địa chỉ: Km 09 Quốc lộ 28B, xã Sông Bình, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) để thi hành thông báo tiền thuế nợ số 11526/TB-CTBTH-ĐT ngày 12 tháng 6 năm 2024 của Cục Thuế tỉnh Bình Thuận.
Công ty TNHH Khoáng sản Rạng Đông bị cưỡng chế là do nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế là hơn 1,5 tỷ đồng.
Cục Thuế tỉnh Bình Thuận yêu cầu Công ty Cổ phần Tàzon, Công ty TNHH Khoáng sản Rạng Đông, Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường nghiêm chỉnh thực hiện các quyết định cưỡng chế.
Tập đoàn Rạng Đông là chủ đầu tư dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (Ảnh: NĐT) |
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, cả 3 công ty nêu trên đều là công ty thành viên của Tập đoàn Rạng Đông.
Tập đoàn Rạng Đông được thành lập từ đầu năm 1991, tiền thân là tổ hợp xây dựng số 4. Khi này, quy mô lao động chỉ 5 người và trụ sở đầu tiên được đặt tại xã Măng Tố, tỉnh Bình Thuận. 4 năm sau, một phần của Tổ hợp được chuyển xuống thị xã Phan Thiết và đổi tên thành Xí nghiệp Xây lắp Rạng Đông với 120 lao động.
Công ty hoạt động ở các lĩnh vực: Công trình giao thông, Khoáng sản - Vật liệu Xây dựng, Khu nghỉ dưỡng, Khu bảo tồn và Bất động sản.
Đến năm 2007, Tập đoàn Rạng Đông (Công ty Cổ phần Rạng Đông) chính thức ra đời, đánh dấu cho quá trình đi lên và phát triển mới: Sở hữu 15 công ty thành viên, trên 3.000 lao động và hơn 300 dự án đã hoàn thành, tính đến thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, Tập đoàn Rạng Đông cũng được biết đến là chủ đầu tư dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (diện tích 62ha), dự án này đã khiến nhiều quan chức cấp cao của tỉnh Bình Thuận vướng vòng lao lý.