Bình Phước: Giá tiêu tăng cao, người dân buồn vui lẫn lộn
Theo ghi nhận, giá tiêu trong nước hôm nay ngày 4/6 giao động khoảng 137.000 - 144.000 đồng/kg. Đây là điều đáng mừng cho người trồng hồ tiêu Bình Phước sau nhiều năm chật vật bởi giá cả. Theo dự báo, hiện đà tăng giá hồ tiêu vẫn đang tiếp tục “nóng”, chưa dừng lại và có thể tiếp tục xô đổ những kỷ lục về giá trong những đợt sắp tới.
Khảo sát của phóng viên Báo Công Thương, hôm nay, tại tỉnh Bình Phước hồ tiêu được thu mua với giá 139.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/kg so với đợt gần nhất. Trung bình giá hồ tiêu trên các tỉnh, thành cũng tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Theo đó, ông Nguyễn Quang Cường (ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp) cho biết, đã lâu rồi thị trường tiêu mới có những bước nhảy vọt về giá như vậy.
"Vườn tiêu nhà tôi năm nay 8 năm tuổi, năm qua mất mùa chỉ đạt sản lượng hơn 2 tấn. Tuy giá tiêu rất cao nhưng sản lượng thấp khiến tôi và gia đình vẫn phải bù lỗ", ông Cường chia sẻ.
Người dân trồng tiêu tại huyện Lộc Ninh những ngày này có chút khấp khởi vì hồ tiêu tăng giá - (Ảnh: Chí Cường). |
Theo thông tin từ UBND huyện Lộc Ninh – nơi được mệnh danh là thủ phủ của hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, hiện nay toàn huyện có tổng diện tích trồng tiêu đạt khoảng 5.200 ha, năng suất đạt hơn 18 tạ/ha, sản lượng khoảng 9.400 tấn.
Năm 2024, trên địa bàn huyện có 24 câu lạc bộ về nghề trồng tiêu, với hơn 604 hộ nông dân tham gia cùng giúp nhau làm kinh tế. Tại địa bàn huyện có 8 hợp tác xã sản xuất tiêu, với tổng diện tích hơn 250 ha. Các hợp tác xã này mới thành lập nhưng hoạt động khá hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng nông sản, cung cấp cho thị trường.
Tuy nhiên, giá tiêu tăng mạnh mở ra hi vọng cho những người trồng tiêu quay lại tái cơ cấu vườn, tăng năng suất mùa vụ nhưng lại chưa thể… cứu vãn tình hình trước mắt.
Người dân tại huyện Lộc Ninh, Bù Đốp cũng như nhiều vùng khác ở tỉnh Bình Phước cho biết, năm nay mặc dù giá tiêu tăng cao so với các năm trước nhưng sản lượng không cao, diện tích trồng lại giảm.
Nguyên nhân là do một thời gian dài giá tiêu xuống thấp, bà con nông dân không có chi phí chăm sóc vườn tiêu, bên cạnh đó thời tiết khô hạn kéo dài khiến tiêu già cỗi, sâu bệnh, chết. Người dân cho biết, đối với các loại cây ăn trái, cây trồng khác thì dù ít chăm sóc cũng có thể ít bị ảnh hưởng, nhưng đối với cây tiêu thì phải chăm sóc cẩn thận, nếu không sẽ bị chết.
Bà Đặng Thị Huyền (ấp Tân Nghĩa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp) cho biết, gia đình bà trước đây có gần 2 ha hồ tiêu. Do một thời gian dài giá tiêu thấp, không đủ điều kiện chăm sóc vườn nên tiêu già cỗi và chết một nửa diện tích. "Năm nay, tiêu được giá, nhưng thật tiếc là một phần diện tích trồng tiêu của tôi và các hộ gia đình xung quanh đã bị chết và bị bỏ bê nhiều năm. Tôi nghĩ nó như quy luật năm được mùa thì mất giá, năm được giá thì mất mùa", bà Huyền chia sẻ.
Theo thống kê, tại tỉnh Bình Phước có 12.952 ha tiêu, diện tích đang cho thu hoạch 12.252 ha. Diện tích trồng tiêu ở Bình Phước bị giảm mạnh trong thời gian qua (năm 2019 có tổng diện tích trồng là 17.199 ha).
Nguyên nhân được đưa ra là do thời gian dài giá tiêu xuống thấp, việc biến đổi khí hậu thất thường, kèm theo nhiều bệnh của cây trồng nhưng chưa được phát hiện và chăm sóc đúng cách đã tác động không nhỏ trong quá trình phát triển cây tiêu. Nhiều người dân sau đó đã không còn mặn mà với loại cây này. Nhưng bất ngờ, thời gian này giá tiêu lên cao khiến những người dân cảm thấy tiếc nuối.