Thứ tư 27/11/2024 07:28

Biên soạn sách giáo khoa: Đề nghị giải trình trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa theo quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13.

Việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa còn nhiều bất cập

Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” kết luận như vậy sau phiên làm việc với Chính phủ.

Sách giáo khoa (Ảnh minh họa)

Đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo, giải trình của Chính phủ và các Bộ liên quan về công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo tinh thần của Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội.

Qua nghiên cứu báo cáo và nghe giải trình, Đoàn giám sát nhận thấy, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố và toàn ngành giáo dục đã nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, tạo chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện đã được ban hành tương đối toàn diện, bao quát những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất theo yêu cầu đổi mới; Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị, lý luận, khoa học và thực tiễn, có tính kế thừa và phát triển; việc đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục được triển khai rộng rãi.

Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục được quan tâm; có nhiều cố gắng trong việc biên soạn, phê duyệt, phát hành sách giáo khoa, tài liệu giáo dục; việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm.

Tuy nhiên, việc triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông còn những hạn chế, bất cập như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện ở một số cấp ủy Đảng, chính quyền có lúc chưa kịp thời. Một số văn bản hướng dẫn triển khai ban hành chậm, gây lúng túng trong tổ chức thực hiện. Công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông trong giai đoạn đầu chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Công tác thanh tra, kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên, phạm vi còn hạn chế, nhiều sai sót chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Việc tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp nhiều khó khăn do điều kiện và thời gian chuẩn bị chưa đáp ứng yêu cầu; việc triển khai đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa còn nhiều bất cập. Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa theo quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13, ảnh hưởng tới trách nhiệm Nhà nước trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là việc quản lý, phát triển nội dung sách giáo khoa; quản lý giá sách giáo khoa; thực hiện chính sách xã hội với học sinh dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, trang bị sách tại thư viện trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo.

Quy định về lựa chọn sách giáo khoa chưa chặt chẽ, thống nhất; giá sách, chi phí phát hành (chiết khấu) sách giáo khoa còn cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác tổng hợp, đánh giá hiệu quả các nguồn kinh phí còn hạn chế, chưa rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong phối hợp triển khai thực hiện; việc huy động kinh phí từ xã hội chưa đạt yêu câu.

Theo đó, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ có báo cáo giải trình đối với ý kiến của Đoàn giám sát (tại báo cáo số 561/BC-ĐGS ngày 27/7/2023) và đại diện các cơ quan, bộ, ngành trao đổi tại cuộc làm việc về: Đánh giá tổng quát về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội; mức độ đáp ứng các mục tiêu đối với xây dựng chương trình, đào tạo giáo viên, tổ chức triển khai, thực hiện dạy môn tích hợp; định mức giáo viên; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong phối hợp tổ chức thực hiện các Nghị quyết.

Đặc biệt, trách nhiệm của nhà nước trong bảo đảm các điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học triển khai chương trình; về yêu cầu giảm tải của chương trình; hiệu quả, tồn tại hạn chế trong công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện Nghị quyết; trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không thực hiện việc tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa; lựa chọn sách giáo khoa, giá sách giáo khoa...

Trong đó, làm rõ thêm những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân chủ quan, khách quan và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức liên quan; các giải pháp bảo đảm điều kiện về đội ngũ giáo viên, kinh phí, cơ sở vật chất; cung cấp thêm những mô hình tốt, những cách làm hiệu quả trong triển khai thực hiện.

Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, hoàn thiện các báo cáo gửi Đoàn giám sát trước ngày 4/8/2023 để Đoàn giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức tổ chức giám sát chuyên đề tại phiên họp tháng 8/2023.

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, chất lượng giáo viên

Trong thời gian tới, để bảo đảm tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm một số nội dung, nhiệm vụ sau: Thứ nhất, đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo và kiểm tra việc phối hợp triển khai thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương; rà soát cơ chế, chính sách, hoàn thiện văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động trong cá cấp ủy Đảng, chính quyền, trong toàn ngành, sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh và xã hội về việc triển khai Chương trình. Tăng cường đổi mới quản trị, quản lý nhà trường; đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá chất lượng giáo dục. Tổ chức sơ kết đánh giá, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay trong thực hiện Nghị quyết.

Thứ hai, đội ngũ nhà giáo là yếu tố then chốt bảo đảm cho sự thành công của việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá toàn diện về cơ cấu, thực trạng, nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên trong thời gian tới và có giải pháp phù hợp, kịp thời để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, chất lượng giáo viên và nguồn tuyển giáo viên; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng quá tải, thiếu lớp học, trường học ở các thành phố lớn và dự báo nhu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; có giải pháp giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện.

Thứ tư, đề nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên, thực hiện nghiêm việc bố trí ngân sách cho giáo dục, đào tạo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước ở trung ương và các địa phương; bố trí đầy đủ kinh phí triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nhất là nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt. Ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách xã hội hóa, nhất là việc huy động thêm các nguồn lực hợp pháp đầu tư cho giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục phổ thông nói riêng. Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa; phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong đánh giá hiệu quả việc triển khai thực hiện, kịp thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập để kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: sách giáo khoa

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

Doanh nghiệp Việt Nam, Đan Mạch cùng tạo nên những thương hiệu quốc tế chung

Bộ trưởng Công an lý giải nguyên nhân nhiều người vi phạm giao thông

Từ việc kênh Youtube Quang Linh Vlog bị chiếm đoạt, đại biểu Quốc hội lo ngại xu hướng tội phạm mạng

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình họp với 3 bộ, 8 địa phương về cải cách thủ tục hành chính

60% khiếu nại liên quan đến đất đai đến từ người dân vùng nông thôn, miền núi

Hoạt động của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang tại Campuchia

Khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực đất đai có chiều hướng gia tăng

Sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới

Tội phạm đánh bạc trên mạng Internet tăng cao

Thủ tướng chỉ đạo chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ

Tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 6 nhóm tăng cường hợp tác với Bulgaria

Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam-Lào-Campuchia: Biểu tượng đoàn kết khu vực

Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm trường mầm non Việt-Bun

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Tổng thống Bulgaria Rumen Radev

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề về Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử