Bầu cử Quốc hội Pháp: Đảng cực hữu ''hạ đo ván'' liên minh của Tổng thống Macron, giành chiến thắng lớn
Đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) đã đánh bại liên minh trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử quốc hội ở Pháp, báo hiệu một sự thay đổi lớn trên chính trường châu Âu.
Người ủng hộ Đảng RN ăn mừng chiến thắng vào tối ngày 30/6. (Nguồn ảnh: Reuters) |
Với tỷ lệ cử tri đi bầu cao bất thường, Đảng RN đã giành được 33,2% phiếu bầu, trong khi liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) đứng thứ hai với 28,1%, theo nhà thăm dò phiếu Ipsos vào khoảng 10 giờ tối giờ địa phương. Liên minh trung dung Ensemble của ông Macron đang đứng vị trí thứ 3 với 21% số phiếu bầu.
Các dự đoán cho thấy Đảng RN và các đồng minh của họ đang trên đà giành được nhiều ghế nhất trong Quốc hội, và thậm chí có khả năng chiếm thế đa số tuyệt đối trong vòng bỏ phiếu cuối cùng vào ngày 7 tháng 7. Nếu đảng này giành được 289 ghế trong số 577 ghế thuộc Hạ viện, Tổng thống Macron sẽ buộc phải thỏa thuận chia sẻ quyền lực với một thủ tướng từ Đảng RN.
Tuy nhiên, tỷ lệ cử tri cao đã dẫn đến số lượng các cuộc tranh cử giữa ba khối (trung dung, cánh tả, cực hữu) nhiều chưa từng có, khiến việc dự đoán kết quả ở vòng hai trở nên khó khăn. Hãng Ipsos ước tính sẽ có từ 285 đến 315 cuộc tranh cử giữa ba khối ở vòng hai, trong trường hợp không có ứng cử viên nào rút lui.
Với kết quả này, các ứng cử viên đảng cánh tả và trung dung giờ đây đang bắt đầu các cuộc thương lượng căng thẳng về việc có nên rút lui nhằm ngăn chặn Đảng RN giành chiến thắng hay không. Được biết, các đảng phải hoàn thiện danh sách ứng cử viên của mình trong vòng 48 giờ tới.
Thủ tướng Pháp Gabriel Attal trong một bài phát biểu vào tối 30/6. (Nguồn ảnh: Reuters) |
Thủ tướng đương nhiệm Gabriel Attal, thuộc liên minh Ensemble của ông Macron cho biết, ưu tiên trong chiến dịch tranh cử của ông là “ngăn chặn Đảng RN chiếm đa số tuyệt đối trong vòng hai và cai trị đất nước bằng kế hoạch tai hại của họ”. Đại diện liên minh Ensemble cho biết, các ứng cử viên của họ sẽ sẵn sàng rút lui ở những khu vực mà họ đang xếp thứ ba, với mục đích ủng hộ các ứng cử viên có khả năng đánh bại Đảng RN.
Tương tự, Tổng thống Macron vừa qua cũng kêu gọi cử tri liên minh Ensemble ủng hộ các ứng cử viên tôn vinh các giá trị “cộng hòa và dân chủ". Tuy nhiên, dựa trên những tuyên bố gần đây của ông Macron, các ứng cử viên từ đảng cánh tả Nước Pháp Không Khuất phục (LFI), thuộc liên minh NFP, sẽ không được ủng hộ.
Ngược lại, ông Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo đảng LFI, đã kêu gọi tất cả các ứng cử viên thuộc đảng cánh tả đang ở vị trí thứ ba rút lui để đánh bại Đảng RN. Phát biểu với giới truyền thông Pháp, ông Mélenchon khẳng định: "Mục tiêu của chúng tôi rất đơn giản và rõ ràng: đảm bảo sẽ không có thêm một phiếu bầu nào cho Đảng RN."
Về phía Đảng RN, bà Marie Le Pen, một trong những người đứng đầu Đảng RN, đã ca ngợi kết quả bầu cử vì đã “xóa sổ” khối trung dung của ông Macron. Sau khi giành chiến thắng dễ dàng tại vùng Hénin-Beaumont ở phía Bắc nước Pháp, bà Le Pen đã phát biểu với người ủng hộ: “Người Pháp đã bày tỏ mong muốn thay đổi, sau 7 năm dưới quyền của một chính phủ đã đối xử với họ một cách khinh thường”.
“Bài toán khó” cho Tổng thống Macron
Vòng bỏ phiếu đầu tiên đã giáng đòn “phản lưới” nặng nề đối với ông Macron, người đã kêu gọi một cuộc bầu cử quốc hội bất ngờ vào tháng trước, sau khi liên minh trung dung của ông thua Đảng RN trong cuộc bầu cử quốc hội châu Âu. Động thái này đã khiến công chúng choáng váng và khiến nhiều đồng minh của ông Macron tức giận.
Theo dự báo, liên minh của ông Macron có thể sẽ mất hơn 50% trong số 250 ghế hiện có ở Hạ viện, do chịu áp lực từ phe cực hữu đang trỗi dậy và phe cánh tả mới được thống nhất.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chuẩn bị bỏ phiếu hôm 30/6. (Nguồn ảnh: Yara Nardi) |
Trong khi đó, phe cực hữu, với Đảng RN làm trung tâm, đang có khả năng cao lãnh đạo chính phủ mới. Điều này đánh dấu kết quả của những nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của bà Le Pen nhằm “thanh trừng” Đảng RN, bao gồm cả việc khai trừ chính người cha của bà ra khỏi đảng.
Đảng RN cũng đang được lòng nhiều cử tri Pháp, nhờ các giải pháp cho vấn đề chi phí sinh hoạt và tiền lương, bên cạnh lập trường chống nhập cư của họ. Trong khi đó, cử tri Pháp lại đang ngày càng bất bình với ông Macron, người mà họ coi là chỉ tập trung vào “giới tinh hoa” mà “rời xa” quần chúng và người dân.
Sự bất mãn dành cho ông Macron cũng là lý do khiến Liên minh NFP đạt được thành công trong vòng bầu cử đầu tiên. Liên minh này đã thu hút các cử tri bằng chương trình nghị sự kinh tế nặng nề về thuế và chi tiêu, cũng như nhưng cam kết về gia tăng công bằng xã hội và tăng cường đầu tư vào dịch vụ công.
Ông Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo đảng LFI cùng các thành viên liên minh NFP. (Nguồn ảnh: Reuters) |
Tuy vậy, các thành viên trong liên minh NFP (bao gồm Đảng Xã hội, Đảng Xanh và Đảng Cộng sản) đang có những mâu thuẫn lớn về chính sách với Đảng LFI - đảng đứng đầu liên minh. Thậm chí, đã có nhiều đảng viên thuộc Liên minh NFP đã từ chối lựa chọn ông Mélenchon - người đứng đầu Đảng LFI, làm ứng cử viên Thủ tướng, nếu liên minh này giành chiến thắng.
Còn với ông Macron, "viễn cảnh trong mơ” của ông vào thời điểm này sẽ là một “quốc hội treo”, mà trong đó, không khối nào trong ba khối trung dung, cánh tả và cực hữu giành được thế đa số. Nếu điều này xảy ra, ông Macron có thể thành lập một chính phủ kỹ trị, với người đứng đầu các bộ, ngành trong chính phủ Pháp sẽ là các chuyên gia trong lĩnh vực tương ứng.
Về phía Đảng RN, ông Jordan Bardella, người giữ chức chủ tịch đảng, cho biết ông sẵn sàng trở thành thủ tướng, nếu đảng của ông giành được thế đa số tuyệt đối. Ông Bardella sau đó cũng đã loại trừ khả năng hợp tác với phe trung dung của ông Macron và phe cánh tả NFP để thành lập chính phủ.
Phát biểu với báo giới, ông Bardella nói: “Tôi sẽ là một Thủ tướng sẵn sàng “chung sống” với ông Macron, tôn trọng hiến pháp và văn phòng Tổng thống nước Cộng hòa, nhưng cũng sẽ không khoan nhượng về các chính sách mà Đảng RN muốn thực hiện.”