Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Chủ động đẩy mạnh hơp tác quốc tế
Hướng tới hệ thống an sinh xã hội bền vững
Ngành BHXH xác định, hợp tác và hội nhập quốc tế là một nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn 2016 - 2020, tiến tới thực hiện thành công Chiến lược phát triển BHXH Việt Nam. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 có 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, 50% tham gia BHXH và trên 80% tham gia bảo hiểm y tế (BHYT); tiến tới BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân.
Theo đó, mục tiêu của ngành BHXH là phát huy tối đa nguồn lực và điều kiện thuận lợi của hội nhập quốc tế góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội (ASXH) tại Việt Nam bền vững, hiệu quả, hiện đại; xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách về BHXH, BHYT phù hợp với các chuẩn mực, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Cụ thể, định hướng tới năm 2030 sẽ đưa các mối quan hệ quốc tế về BHXH, BHYT đã được thiết lập đi vào chiều sâu, chủ động, ổn định. Triển khai các chương trình hợp tác quốc tế hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực.
Đồng thời, ngành BHXH sẽ mở rộng quan hệ với các quốc gia, các vùng lãnh thổ, các hiệp hội, tổ chức ASXH trong khu vực và quốc tế. Đến năm 2030 sẽ tham gia và thực hiện đầy đủ các công ước quốc tế về BHXH, BHYT; ký kết các hiệp định song phương về BHXH, BHYT với toàn bộ các quốc gia thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và các cơ quan nhận nhiều lao động Việt Nam đến làm việc nhằm đảm bảo quyền lợi về các chế độ BHXH, BHYT.
Nhằm tổ chức thực hiện hiệu quả chiến lược hội nhập quốc tế của ngành BHXH, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các địa phương, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan. Trong đó, BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHXH, BHYT.
Mở rộng các mối quan hệ hợp tác
Mới đây BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 3635/KH-BHXH nhằm đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược hội nhập quốc tế giai đoạn 2016- 2020. Cụ thể, BHXH Việt Nam sẽ đẩy mạnh hoạt động hợp tác, đối ngoại đa phương theo hướng chủ động đóng góp, tích cực tham gia xây dựng các đề xuất, cơ chế hợp tác phù hợp với Việt Nam thông qua các diễn đàn ASXH khu vực và thế giới. Tích cực mở rộng các mối quan hệ hợp tác song phương thiết thực với các tổ chức ASXH nước ngoài trong đó ưu tiên các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, các quốc gia có hệ thống ASXH phát triển trên thế giới. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế trong khuôn khổ Liên hiệp quốc, các định chế tài chính quốc tế nhằm huy động tối đa nguồn lực để phát triển ngành BHXH Việt Nam.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam sẽ tích cực triển khai đàm phán, xây dựng và đề xuất ký kết các hiệp định quốc tế song phương về BHXH, BHYT với các quốc gia có công dân sang làm việc tại Việt Nam và quốc gia có công dân Việt Nam sang làm việc. Nghiên cứu, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi nội dung trong các hiệp định quốc tế về BHXH cho phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập. Rà soát, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi và ban hành mới chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT để tương đồng với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Ngành BHXH đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 80% công chức, viên chức ở Trung ương có thể sử dụng tiếng Anh, trong đó tối thiểu 30% có thể sử dụng tiếng Anh khi làm việc trực tiếp với đối tác nước ngoài; 50% cán bộ quản lý cấp tỉnh có thể sử dụng tiếng Anh cơ bản trong các hoạt động hội nhập quốc tế. |