Bánh gai xứ Dừa không chỉ là món ăn chơi
Bánh gai xứ Dừa xưa nay được xem là món ăn chơi, loại bánh này được người dân Tường Sơn làm quanh năm. Thế nhưng dịp áp Tết lại là vụ chính, theo người dân làm bánh tuy là nghề phụ nhưng lại là một sản phẩm mang lại cho họ khoản thu nhập chính.
Trong chuyến ngược miền Tây qua quốc lộ 7, đi về xã Tường Sơn để vào làng bánh gai. Mới tới đầu làng, một không khí náo nhiệt ở làng nghề bánh gai hiện ra trước mắt. Để kịp cho những đơn hàng Tết từ khắp nơi, làng nghề đã huy động hết nhân lực từ già đến trẻ tích cực làm bánh từ sáng sớm đến tối mịt.
Để cho ra sản phẩm bánh gai, người làm phải bỏ nhiều công sức vào từng khâu rất cầu kỳ từ tuyển chọn nguyên liệu |
Không ai trong xã Tường Sơn nhớ được bánh gai có từ bao giờ. Họ chỉ biết loại bánh này có từ rất lâu và là món quà quê không thể thiếu của người dân nơi đây. Theo hình thức cha truyền con nối, nghề làm bánh gai được gìn giữ cho đến ngày nay. Hầu hết người dân Tường Sơn, từ trẻ đến già ai cũng biết làm bánh. Gia đình nào không tự mở lò làm ở nhà thì đi làm thuê cho các cơ sở làm bánh trong xã. Vì thế, ở xã này từ già, trẻ, gái, trai... ai ai cũng biết làm ra sản phẩm đặc trưng của xứ Dừa.
Nguyên liệu làm bánh gồm bột nếp, đậu xanh, đường, lá gai, mật và lá chuối khô. Lá chuối sau khi thu mua về phải phân loại, lau chùi từng lá cho sạch sẽ, xay gạo nếp thành bột, đậu xanh ngâm nước đãi sạch vỏ, hái lá gai tươi về giã nát hoặc lá gai khô thì cho vào máy xay ra hoặc đâm, nghiền thật mịn rồi trộn đều với bột nếp.
Lá chuối khô được cắt và lau sạch để gói bánh |
Sau khi nên bột nên hồ, người làm bánh sẽ cho nhân đậu và một ít cùi dừa vào cho có vị thơm đặc trưng riêng của bánh gai dốc Dừa, lúc này người ta dùng lá chuối gói lại rồi xếp vào đầy nồi và bắc lên bếp để hấp cách thuỷ, sau khoảng vài tiếng đồng hồ bánh chín đều rồi vớt ra. Mỗi cặp bánh gai như thế giá chỉ 2.000 - 2.500 đồng.
Cơ sở bà Ngô Thị Thanh Lịch nằm ngay trên đỉnh dốc Dừa, bà Lịch cho biết, gia đình bà nhiều đời làm bánh gai. Từ nhỏ, bà đã được bố mẹ dạy cách làm bánh gai, lớn lên lập gia đình, bà Lịch gắn bó với nghề làm bánh. Từ đó, nghề làm bánh trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình.
Bà Lịch vui vẻ cho biết, năm nay lượng khách đặt mua bánh cũng bắt đầu nhiều lên, cơ sở có đến 20 người nhưng vẫn khá tất bật từ 4h sáng tới tận gần 12 giờ đêm mới có thể kịp cho đơn hàng. Khách hàng của bà chủ yếu từ Con Cuông, Đô lương, Tân Kỳ, Tương Dương, đến những vùng xa xôi như Nghĩa Đàn, Nghi Lộc, tới tận TP. Vinh... ai đi qua cũng ghé.
Lá gai sau khi giã nhuyễn được trộn đều với bột nếp, mật mía rồi cho nhân đậu vào gói kín |
Theo bà Lịch, ban đầu, gia đình bà chỉ kinh doanh nhỏ lẻ, chủ yếu bán cho người dân địa phương và các vùng lân cận, khách thập phương qua lại. Nhưng lâu dần khách đông bà phải thuê thêm lao động, mang bánh chào hàng nhiều nơi để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Vừa nhanh tay nhặt bánh cho khách bà Lịch tiếp chuyện chúng tôi, ngày thường nhà bà mở cửa bán từ 7h sáng đến 9-10h đêm mới hết khách. Những ngày giáp Tết, do lượng khách qua lại đông nên sáng 6 giờ đã mở cửa và bán cho đến nửa đêm nhiều khi vẫn còn khách qua đường dừng ăn bánh nóng và mua về làm quà. Vào dịp cao điểm bà thường bán được trung bình hàng chục nghìn chiếc bánh mỗi ngày.
Kế thừa bí quyết làm bánh gai của gia đình, bà Nguyễn Thị Hồng (72 tuổi) - người đã gắn bó với nghề làm bánh gai gần cả đời người, chia sẻ: “Nghề này nhìn nhàn nhã, thế nhưng để có được thương hiệu bánh gai xứ Dừa như hiện nay không phải là điều dễ dàng. Nếu đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, người làm nhanh có thể mỗi ngày làm được trên 1.000 chiếc bánh và tất cả các công đoạn đòi hỏi người làm phải cẩn thận và tỉ mỉ, kỳ công. Cái khác của bánh gai dốc Dừa với các địa phương khác là nó thơm, dẻo và bánh chỉ bé bằng một lần ăn chứ không làm to...
Tranh thủ những lúc nghỉ học các em học sinh cũng phụ giúp bố mẹ làm bánh |
Nghề làm bánh gai ở Tường Sơn ngày càng phát triển, hiện tại địa phương có khoảng 15 hộ sản xuất chuyên nghiệp, tạo công ăn việc làm cho vài chục lao động. Có thể kể đến như cơ sở bánh gai Hà Lương; cơ sở bà Lịch bà Lài; cơ sở Đoài Loan; cơ sở Ngọc Giáp...
Ông Nguyễn Ánh Sáng - Phó phòng kinh tế hạ tầng huyện Anh Sơn - cho biết: “Nghề làm bánh gai của địa phương đã có từ lâu đời. Bánh gai giờ đã trở thành món ăn, món quà quê không thể thiếu của mỗi thực khách khi đến với Anh Sơn. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc làm bánh gai mang lại, nhiều hộ dân đã mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, được đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh lựa chọn.
Theo ông Nguyễn Ánh Sáng, bên cạnh mặt thuận lợi, nghề sản xuất, kinh doanh bánh gai Tường Sơn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguồn nhân lực. Hiện nay, hầu hết thế hệ trẻ tại địa phương lại chọn nghề khác. Bên cạnh đó, bánh gai ở đây chưa có nhãn hiệu sản phẩm nên việc quảng bá thương hiệu đến tay người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng ngoài tỉnh chưa nhiều.
Sau khi hông chín, bánh gai được buộc thành từng cặp, mỗi cặp bánh có giá 2.500 đồng |
Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp để gìn giữ và phát triển nghề làm bánh gai Tường Sơn. Hiện, chính quyền đã tăng cường tuyên truyền đến người dân chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Huyện Anh Sơn cũng đang phối hợp với ngành chức năng xây dựng thương hiệu tập thể cho sản phẩm bánh gai xứ Dừa, tạo điều kiện tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm này.
Ông Mạnh chia sẻ: Trước mắt, bánh gai xứ Dừa hướng đến phục vụ nhu cầu của người dân địa phương và thực khách khi đến tham quan, du lịch qua huyện Anh Sơn, bởi họ chính là những "đại sứ thương hiệu" đưa món quà quê của người Tường Sơn đi khắp muôn nơi.
Rời dốc Dừa trong buổi chiều muộn ngày cuối năm, thế nhưng các cơ sở làm bánh đang vào vụ nên vẫn rất náo nhiệt kẻ bán người mua. Những chiếc bánh gai dẻo thơm xứ Dừa sẽ theo chân du khách tỏa đi khắp nơi làm nên một nét văn hóa riêng trên vùng đất miền Tây xứ Nghệ.
Ngày xưa, nhà ai làm bánh gai thì sẽ làm luôn tất cả công đoạn như hái lá chuối khô, trồng đậu xanh, trồng cây gai... giờ đây, ở xứ Dừa này, nghề làm bánh gai cũng đã được “chuyên môn hóa”. Nhiều hộ gia đình đã trồng chuối bán lá khô, hiện 1kg lá chuối khô có giá từ 3.500 - 4.000 đồng, bình quân 1 ngày 1 người hái lá chuối đem bán được trên 100.000 đồng. Họ không chỉ hái trong huyện mà còn sang các huyện lân cận hái lá chuối khô về bán cho những người làm bánh. |