Ban hành danh mục kiểm kê khí nhà kính 2024 trong tháng 7
3.120 cơ sở sẽ phải thực thi kiểm kê khí nhà kính?
Theo đó, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cập nhật danh mục năm 2024 (gọi tắt là Quyết định ban hành danh mục cập nhật năm 2024).
Theo dự thảo danh sách cập nhật ngành công thương có 2.281 cơ sở có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên (Ảnh minh họa) |
Đây là nội dung được thực hiện định kỳ 2 năm/lần nhằm rà soát, cập nhật danh mục lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính được quy định tại Khoản 3 Điều 91 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Khoản 2 Điều 6 Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.
Ông Tăng Thế Cường- Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024, dự kiến Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 7/2024.
Danh mục cập nhật các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính tại dự thảo Quyết định ban hành danh mục cập nhật năm 2024 bao gồm 3.120 cơ sở, tăng 1.208 cơ sở so với Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg, cụ thể:
Ngành công thương có 2.281 cơ sở (Phụ lục II) là các nhà máy điện, các cơ sở công nghiệp có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên.
Ngành giao thông vận tải có 89 cơ sở (Phụ lục III) là các công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên.
Ngành xây dựng có 213 cơ sở (Phụ lục IV) bao gồm các doanh nghiệp sản xuất xi măng, các tòa nhà thương mại có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên.
Ngành tài nguyên và môi trường có 62 cơ sở xử lý chất thải rắn (Phụ lục V) có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có 475 cơ sở (Phụ lục VI) hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi có tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm ước tính từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên.
Dự thảo Quyết định ban hành danh mục cập nhật năm 2024 không có nội dung quy định về thủ tục hành chính và vấn đề về bình đẳng giới.
Những điểm mới của danh mục ban hành
Cũng theo ông Tăng Thế Cường: Quá trình rà soát, cập nhật danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính ban hành kèm theo Quyết định được thực hiện trên cơ sở văn bản của các bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có nhiều điểm mới, cụ thể:
Ngành giao thông vận tải cập nhật tăng 19 cơ sở so với năm 2022, bao gồm 08 cơ sở thuộc lĩnh vực vận tải hàng không và 11 cơ sở thuộc lĩnh vực vận tải biển trên cơ sở danh mục bổ sung của Bộ Giao thông vận tải tại Công văn số 12988/BGTVT-KHCN&MT ngày 15/11/2023.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn bao gồm 475 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi có tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm ước tính từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên, trong đó bao gồm 411 cơ sở là các trang trại chăn nuôi quy mô lớn (363 cơ sở chăn nuôi lợn và 48 cơ sở chăn nuôi bò) thuộc danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tại Công văn 827/BNN-CN ngày 29/01/2024 và 64 cơ sở chăn nuôi do các tỉnh, thành phố cập nhật trên cơ sơ tiêu chí tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 06/2022/NĐ-CP.
475 cơ sở chăn nuôi trong danh mục cập nhật phải thực thi kiểm kê khí nhà kính (Ảnh minh họa) |
Ngành công thương cập nhật tăng 619 cơ sở so với năm 2022 theo rà soát, cập nhật của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 11 cơ sở sản xuất năng lượng (điện, khí...) và 608 cơ sở sản xuất, kinh doanh khác thuộc ngành công thương (sản xuất cơ khí, sản phẩm công nghiệp, hàng tiêu dùng,....).
Ngành xây dựng cập nhật tăng 109 cơ sở so với năm 2022 theo rà soát, cập nhật của Bộ Xây dựng (Công văn số 5319/BXD-KHCN ngày 21/11/2023) và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm 24 cơ sở sản xuất xi măng, 28 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng (kính, gạch, gốm, sứ...) và 57 tòa nhà thương mại, bệnh viện.
Ngành tài nguyên và môi trường cập nhật giảm 14 cơ sở xử lý chất thải so với năm 2022 theo rà soát của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do các cơ sở này đã dừng hoạt động, chưa đi vào hoạt động hoặc giảm công suất xử lý.
Tổng số cơ sở thuộc các danh mục cập nhật là 3.120 cơ sở, tăng thêm 1.208 cơ sở, chiếm khoảng 37,4% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia. Đây là một bước tiến bộ trong công tác quản lý phát thải khí nhà kính trên toàn quốc, thực hiện quy định của Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu về kiểm soát ít nhất 85% các nguồn phát thải chính tùy thuộc vào năng lực quốc gia (Khoản 25, Phụ lục của Quyết định FCCC/PA/CMA/2018/3/Add.2 ngày 19/3/2019) và đóng góp vào việc đạt được các mục tiêu giảm phát thải theo NDC vào năm 2030.