Bài thơ "Bắt nạt": Chuyên gia giáo dục nói "tầm thường", tác giả bảo "ẩn chứa mong muốn sâu sắc"
Những ngày qua, bài thơ “Bắt nạt” trong sách giáo khoa (SGK) lớp 6 tiếp tục gây tranh cãi, bức xúc về chất lượng, giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
Theo tìm hiểu, bài thơ này nằm trong sách Ngữ văn lớp 6 (tập 1), thuộc bộ sách giáo khoa (SGK) “Kết nối tri thức với cuộc sống” do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành.
Bài thơ được trích từ tập thơ “Ra vườn nhặt nắng” (Nhà Xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2017, trang 24-25), tác giả là Nguyễn Thế Hoàng Linh.
Tác giả cho rằng bài thơ ẩn chứa nhiều mong muốn sâu sắc của những người trong ngành |
Năm 2021, khi chương trình sách giáo khoa mới lớp 6 được triển khai, bài thơ “Bắt nạt” đã trở thành tâm điểm dư luận với hàng loạt ý kiến trái chiều của độc giả.
Phần lớn các ý kiến cho rằng, đây không phải là thơ bởi không có vần điệu, gieo vần không chuẩn. Cụ thể, cách dùng từ trong bài của tác giả được đánh giá là ngô nghê và vô tri. Việc dùng hình ảnh “mù tạt” để ẩn dụ cho hành vi bắt nạt người khác là không phù hợp, gây khó hiểu, không có giá trị truyền tải đích đến của thông điệp.
Mặt khác, bài thơ còn tồn tại một vài lời thơ có ý kích bác, dạy con trẻ bản tính hiếu thắng, hiếu chiến sẵn sàng khiêu khích bạn bè khi viết “Bạn nào bắt nạt bạn/Cứ đưa bài thơ này/Bảo nếu cần bắt nạt/ Thì đến gặp tớ ngay”.
Trước những ý kiến trái chiều của đọc giả, mới đây, trên Facebook cá nhân, tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh đã dẫn lại những chia sẻ từ năm 2021 về bài thơ này.
Anh cho rằng, việc tranh cãi trong văn học là điều bình thường, anh đón nhận điều đó như một luồng năng lượng khác biệt đến từ những độc giả mới biết tới anh.
Lý giải về bài thơ “Bắt nạt” có cách viết và nội dung được cho rằng khác lạ, chưa có sự liên kết, chưa đạt được giá trị về mặt ý nghĩa. Tác giả cho hay, trên phương diện nghệ thuật, bài thơ vẫn có sự liên kết âm, vần, cụ thể được viết trong hai khổ thơ đầu tiên “Bắt nạt là xấu lắm/Đừng bắt nạt, bạn ơi/ Bất cứ ai trên đời/Đều không cần bắt nạt”; “Tại sao không học hát/Nhảy hip-hop cho hay?/Thời gian trong một ngày/Đâu để dành bắt nạt”.
Liên quan đến hình ảnh ẩn dụ, so sánh “bắt nạt” với “mù tạt” trong bài thơ, tác giả vẫn giữ nguyên quan điểm việc sử dụng hình ảnh đó đều phù hợp, ngoài giúp cho thông điệp bài thơ như đã truyền tải nói về những mặt tiêu cực, không tốt của việc đi bắt nạt người khác và khuyên các em học sinh không nên bắt nạt các bạn yếu thế hơn mình được cụ thể và rõ ràng hơn, thì nó còn để nhấn mạnh về tính quân tử. “Mù tạt là ẩn dụ của kẻ mạnh, nếu nghĩ mình là kẻ mạnh thì hãy đương đầu với kẻ mạnh”, nhà thơ cho biết.
Theo anh Nguyễn Thế Hoàng Linh, dụng ý thơ còn thể hiện trách nhiệm của tôi về lời khuyên tôi gửi gắm trong bài, tôi luôn mong muốn sẽ có sự trợ giúp lan tỏa ý thức của toàn xã hội, mỗi người đều luôn rèn luyện để mạnh mẽ hơn nhưng không cần bắt nạt.
"Việc này sẽ giúp tăng cường văn hóa bảo vệ trẻ em, mặt khác, khi đất nước Việt Nam đạt được cả hai yếu tố vừa mạnh vừa văn minh cũng sẽ nhận được sự tôn trọng từ các nước khác trên thế giới”, anh Nguyễn Thế Hoàng Linh bày tỏ.
Bên cạnh những chia sẻ trên, tác giả cho rằng bài thơ chỉ là một công cụ hỗ trợ về tư tưởng và cảm thức nghệ thuật, để truyền tải được hết thông điệp của bài thơ, còn cần dựa trên cách tiếp cận của giáo viên và học sinh học bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống” này.
“Cách tiếp cận mà tôi đề xuất chỉ là ý kiến chủ quan để các quý thầy cô tham khảo, cốt lõi vẫn nên để các em học sinh được học bài thơ một cách tự nhiên, được thảo luận tự do bên cạnh sự hỗ trợ, hướng dẫn của thầy cô. Việc để các em chủ động tiếp cận và thuyết phục các em bằng hiểu biết, kiến thức của thầy cô sẽ làm các bạn có xu hướng bị bắt nạt không bị ấm ức, không cảm thấy bị bắt nạt, đồng thời các bạn bắt nạt cũng hào hứng chia sẻ, trở nên thân thiện hơn từ đó dễ dàng hóa giải vấn đề”, tác giả chia sẻ.
Theo tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh, bài thơ “Bắt nạt” được nhóm biên soạn bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” tin tưởng lựa chọn để đưa vào chương trình sách Ngữ văn 6 mang tính giáo dục cao và ẩn chứa nhiều mong muốn sâu sắc của những người trong ngành.
Khi lên cấp trung học cơ sở, tình trạng bắt nạt có thể bắt đầu xuất hiện “dữ dội” và thường xuyên hơn, việc đưa bài thơ vào chương trình giảng dạy và học tập sẽ giúp ích cho các bạn học sinh biết lựa chọn xử lý vấn đề một cách đúng đắn nhất, anh Linh bày tỏ.
Bàn về bài thơ “Bắt nạt”, theo chuyên gia giáo dục, thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương, đây là một đề tài khó, nếu người viết không tinh tế, sâu sắc sẽ khó thuyết phục được bạn đọc.
Ông Vương cho rằng, bài thơ gây tranh cãi không phải về chủ đề hay chi tiết ẩn dụ “mù tạt” mà bởi sự kém duyên, không hấp dẫn về nội dung tư tưởng và nghệ thuật.
“Bài thơ tầm thường ở cả mặt tư tưởng lẫn nghệ thuật. Tác giả diễn đạt hơi vụng, đặc biệt ở khổ thơ cuối. Mọi người quan niệm sách giáo khoa phải chuẩn mực, ngữ liệu đưa vào sách thực sự phải chắt lọc. Với một bài thơ có tính nghệ thuật thấp như "Bắt nạt" không phù hợp được sử dụng làm ngữ liệu trong sách giáo khoa", ông Vượng đánh giá.