Thứ sáu 29/11/2024 12:52
Hàng giả bán giữa Trung tâm thương mại Saigon Square và câu hỏi trách nhiệm

Bài 3: Sức mạnh mô hình dọc, sức mạnh kỷ cương phép nước!

Với việc tổ chức "đột kích" vào Trung tâm Saigon Square, lực lượng Quản lý thị trường một lần nữa thể hiện sự quyết tâm không khoan nhượng với tiêu cực.

Không ai có thể đứng ngoài cuộc

Bắt đầu từ ngày 01/11/2022, Tổng cục Quản lý thị trường, dẫn đầu là Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh chia làm 6 tổ công tác bất ngờ “đột kích” kiểm tra 6 điểm kinh doanh tại Trung tâm thương mại Saigon Square (quận 1. Thành phố Hồ Chí Minh), khiến tiểu thương “trở tay không kịp”. Qua kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường đã thu giữ hơn 2000 sản phẩm. Đồng thời, để làm rõ từng hành vi, số lượng vi phạm, từ ngày 01 đến ngày 03/11, Tổng cục Quản lý thị trường đã liên tục tăng cường lực lượng kiểm đếm để các chủ gian hàng tại đây phải “tâm phục, khẩu phục”.

Lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm đếm các gian hàng tại Trung tâm thương mại Saigon Square

Được biết, Trung tâm Thương mại Saigon Square, cùng với chợ Bến Thành được mệnh danh là “thiên đường mua sắm”, biểu tượng, thủ phủ “bất khả chiến bại” của vấn nạn buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc suốt một thời gian dài vừa qua. Nơi đây còn như là một sự “thách thức” với chính quyền địa phương và các lực lượng thực thi pháp luật. Bởi trước đó, vào năm 2020, 2021, lực lượng Quản lý thị trường tại TP.HCM đã liên tiếp kiểm tra, phát hiện, thậm chí thu giữ, xử phạt hàng loạt các cơ sở vi phạm. Song sau các cuộc kiểm tra, các chủ cơ sở lại tiếp tục công khai bày bán hàng giả, hàng nhái như chưa hề có...bóng dáng Quản lý thị trường, coi thường kỷ cương, phép nước, có dấu hiệu tự cho mình cái quyền “đứng ngoài vòng pháp luật”. Thậm chí, các chủ cơ sở ở đây còn “tự tin” khi cho rằng, với thâm niên tồn tại hơn 2 thập kỷ (ra đời từ năm 2000) nên đã có đủ thời gian tích lũy “kinh nghiệm” các chiêu trò để đối phó với các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn, hạn chế việc kiểm tra.

Song với quyết tâm không khoan nhượng trước tiêu cực, giữ vững ổn định của thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường đã quyết tâm “triệt phá” bằng được “thành trì” hàng giả, hàng nhái tại Trung tâm Thương mại Saigon Square. Có vị lãnh đạo xin phép được giấu tên đã từng chia sẻ rằng, để xử lý dứt điểm vấn nạn hàng giả, hàng nhái tại Trung tâm thương mại Saigon Square không phải là câu chuyện “một sớm, một chiều” mà đó là cả một vấn đề khó. Khó bởi nó đã hình thành, tồn tại suốt 20 năm và khó vì nó dường như đã trở thành một “biểu tượng" của mua sắm Sài thành, một “thành trì”...”bất khả chiến bại”, càng xử lý, triệt phá, truy quét thì ngay sau đó lại mọc lên “như nấm sau mưa”. Và câu chuyện này rơi vào thế khó cũng bởi phía sau nó còn nhiều vấn đề khác cần phải xử lý tận gốc và việc phối kết hợp, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương còn nhiều bất cập.

Sự kiên quyết thể hiện rõ khi Tổng cục trưởng và nhiều lãnh đạo các cấp trực tiếp có mặt trong cuộc đột kích, 6 tổ công tác tinh nhuệ và những con người kiên quyết nhất được tung vào cuộc. Không còn là những cuộc kiểm tra với lực lượng mỏng kiểu "bắt cóc bỏ đĩa" như trước. Không còn có chuyện thấy kiểm tra thì bỏ chạy, đóng cửa hay nghe ngóng hôm sau "bình yên" thì lại "bung lụa". Cũng không còn có chuyện khoá cửa, kín cổng cao tường chủ hàng biến mất thì QLTT "bó tay" như trước mà các tổ đột kích sẵn sàng mở toang sào huyệt, kiểm đếm thu giữ hàng hoá vi phạm, làm việc liên tục từ sáng đến đêm, một ngày chưa xong thì hai ngày, ba ngày và hơn thế!

Sự kiên quyết còn là lời cảnh tỉnh cho những ai dám coi "phép vua thua lệ làng", "quan xa bản nha gần" hay những tư tưởng ngại khó, đùn đẩy trách nhiệm. Tinh thần "ai không muốn, không dám thì đứng qua một bên cho người khác làm" được thể hiện rất rõ. Đây không phải lần đầu Saigon Square bị "đột kích", những năm trước từng có những cuộc thu giữ không ít hàng hoá nhưng rồi "mèo lại hoàn mèo". Lần này khác! Cả Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh và Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thành Nam khi trao đổi với phóng viên Báo Công Thương đều khẳng định: Chắc chắn cuộc đột kích lần này sẽ là cuộc chiến không khoan nhượng với hàng giả, hàng nhái dù chủ hàng có là ai! "Vương quốc" hàng giả giữa trung tâm kinh tế thương mại sầm uất số 1 quốc gia này phải bị xoá sổ, thiết lập lại kỷ cương để trở thành trung tâm thương mại văn minh, thực sự là niềm tự hào của Thành phố Hồ Chí Minh, điểm đến của du khách trong nước và quốc tế!

Lực lượng Quản lý thị trường chủ động truy quét tới cùng "thủ phủ" hàng giả tại Trung tâm Saigon Square

Với cuộc “đột kích” trực tiếp vào "sào huyệt" hàng giả, hàng nhái tại Trung tâm thương mại Saigon Square vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường dường như đã gióng lên một hồi chuông như để cảnh tỉnh và sẵn sàng “tuyên chiến” với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, cái xấu, cái không đúng sẽ không có chỗ đứng. Mọi công dân đều được làm tất cả những việc mà pháp luật không cấm nhưng không được phép đi qua “lằn ranh” của vi phạm các quy định để trục lợi, làm giàu phi pháp.

Lấy lại hình ảnh, củng cố niềm tin

Theo thông tin được biết, cũng giống như bao lần chứng kiến kiểm tra trước, các chủ gian hàng tại Trung tâm thương mại Saigon Square khi chứng kiến thấy sự có mặt của lực lượng Quản lý thị trường thì ngay lập tức “tung chiêu” "bổn cũ soạn lại" đóng cửa gian hàng nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Song với quyết tâm “đã làm không nản, đã nản không làm”, không “đầu hàng” trước vi phạm, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục trưởng, một việc làm chưa từng có trong tiền lệ khi lực lượng Quản lý thị trường đã cho niêm phong lại các cơ sở vi phạm để gia hạn thời gian tiếp tục kiểm tra, phát hiện, thu giữ hàng hóa vi phạm để xử lý.

Hành động niêm phong “truy tới cùng” nơi tập kết hàng giả, hàng nhái của Quản lý thị trường đã cho thấy trách nhiệm, bản lĩnh của người đứng đầu. Song song với đó, trước hành động quyết liệt đó, cái xấu cũng sẽ phải dần lùi bước khi chủ gian hàng buộc phải thay đổi tư duy vì trước đây chỉ kiểm tra rồi sau đó lại tái phát, chỉ kiểm tra tại chỗ thì họ đóng cửa nghỉ bán đối phó. Nhưng giờ, câu chuyện này đã hoàn toàn khác, hành vi vi phạm sẽ bị truy quét đến cùng, mọi thứ phải được làm rõ, công bằng và

Thông qua cuộc “đột kích” vào Trung tâm thương mại Saigon Square cũng đã phần nào thể hiện được quyết tâm của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường là lấy lại cho được “màu cờ sắc áo”, hình ảnh của những người giữ vững sự bình ổn của thị trường. Cũng chẳng phải dùng “đại ngôn” hay “mỹ từ” khi nói về cuộc kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường vào Trung tâm Saigon Square khi cho rằng: Đây một quyết tâm lớn, đã giành lại uy thế, danh dự và củng cố lòng tin của người dân vào lực lượng Quản lý thị trường, vào sự lãnh đạo của Đảng ủy Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, nêu cao trách nhiệm, bản lĩnh của những người đứng đầu các đơn vị, danh dự của những đảng viên mang màu áo thiên thanh!

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, rà soát hàng loạt các kiôt

Không chỉ có vậy, cuộc kiểm tra còn là một lời cam kết thực hiện lời hứa với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, góp phần hiện thực hóa những nhiệm vụ, chỉ đạo của Bộ trưởng tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Quản lý thị trường. Bởi chính tại hội nghị này, Bộ trưởng đã đánh giá rất cao vai trò lực lượng Quản lý thị trường khi cho đây là những thanh gươm bảo kiếm, lực lượng quan trọng, giúp cho nền kinh tế đất nước nói chung, nhất là hoạt động kinh tế thương mại của ngành Công Thương đảm bảo lành mạnh, góp phần tích cực vào mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chuyển dần trạng thái, hiệp đồng “tác chiến”

Được biết, sau khi một số các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Công Thương phản ánh về tình trạng hàng nhái, hàng giả tiếp tục được bày bán tại Trung tâm thương mại Saigon Square, Tổng cục Quản lý thị trường đã ngay lập tức lên phương án “tác chiến”, dưới sự tổng chỉ huy của Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh. Đặc biệt, cuộc kiểm tra này còn có sự phối hợp rất chặt chẽ của chính quyền và các lực lượng chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Duy An - Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP. Hồ Chí Minh, cho biết: Trong quá trình kiểm tra này, lực lượng Công an Kinh tế của quận đã phối hợp cùng lực lượng Quản lý thị trường thực hiện.

Điều này minh chứng cho việc, công tác đấu tranh tham nhũng, tiêu cực của Đảng đã lan tỏa, sâu rộng tới mọi tầng lớp, cơ quan đơn vị bằng những cách làm khoa học, bài bản, có chiến lược, phương châm, phương pháp sáng tạo, đúng quyền hạn và trách nhiệm, không “lấn sân”. Với lực lượng nòng cốt là Quản lý thị trường trong việc kiểm tra hàng giả, hàng nhái tại Trung tâm thương mại Saigon Square thể hiện các cơ quan chức năng đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong tổ chức, phá vỡ đi tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây” “trên nóng dưới lạnh”.

Qua cuộc kiểm tra lần này, với vai trò chủ lực của Quản lý thị trường và sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã cho thấy cuộc đấu tranh với hàng giả, hàng nhái đã chuyển từ trạng thái bị động sang chủ động tấn công, đã tấn công thì làm tới cùng, nhìn thẳng vào thực trạng và “truy quét" tới cùng của gốc rễ. Đồng thời, qua lần “đột kích” vào “sào huyệt”, điểm nóng của hàng giả, hàng nhái tại Trung tâm thương mại Saigon Square một lần nữa minh chứng hiệu quả cần thiết của mô hình hệ thống dọc, thành lập Tổng cục Quản lý thị trường là hoàn toàn đúng đắn. Nhờ đó, vai trò lực lượng quản lý thị trường đấu tranh với hàng giả hàng nhái và tội phạm hiệu quả hơn, chỉ đạo “dọc ngang thông suốt”, tránh “trên nóng dưới lạnh”, khắc phục sự phối hợp không tốt giữa Trung ương và địa phương, tình trạng đùn đẩy, đổ lỗi cho nhau giữa các cơ quan chức năng. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương tai cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2022: “Dứt khoát phải có cơ chế bảo đảm “song trùng” quản lý giữa lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục, các cấp ủy chính quyền địa phương và cơ chế phối hợp với các lực lượng từ trung ương đến địa phương”.

Chuyển đổi số trong phòng chống hàng giả, hàng nhái

Có thể nhận thấy, thời gian gần đây, với những cuộc truy quét hàng giả, hàng nhái lớn, đã rất “xa rồi” hình ảnh cán bộ lực lượng Quản lý thị trường ngồi “hì hục” viết ấn chỉ tại các cuộc kiểm tra. Mà thay vào đó, là hình ảnh những cán bộ ngồi cùng với máy tính thống kê, “điểm danh” từng danh mục vi phạm để truy tới tận cùng hành vi vi phạm.

Tại cuộc kiểm tra vào Trung tâm thương mại Saigon Square cũng vậy, không khó để bắt gặp những cán bộ Quản lý thị trường ngồi “lọt thỏm” giữa tang vật vi phạm, cặm cụi, chăm chú thống kê từng mặt hàng mà đồng nghiệp đã kiểm đếm. Tất cả những vi phạm này sẽ được cập nhật chính xác trên Hệ thống xử lý vi phạm hành chính (INS) của toàn lực lượng Quản lý thị trường.

Lực lượng Quản lý thị trường đã ứng dụng chuyển đổi số để đẩy nhanh việc xác minh, làm rõ các vi phạm

Qua đánh giá, việc ứng dụng phần mềm quản lý việc kiểm tra, kiểm soát, tạo sự đồng bộ, giúp thống nhất liên thông quản lý, điều hành, xử lý, lưu trữ hồ sơ trong toàn lực lượng, phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Rút ngắn thời gian tổng hợp, đánh giá hiệu quả trong việc thực thi nhiệm vụ… từ đó tránh được thiếu sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đây cũng là bước tiến quan trọng, góp phần cải cách hành chính, bắt buộc cá nhân, đơn vị phải hoàn thành nghĩa vụ thiết lập hồ sơ vụ việc xử phạt vi phạm hành chính theo đúng trình tự, quy trình nghiệp vụ.

Không chỉ có vậy, giống như các cuộc kiểm tra khác tại một số địa bàn như Tuyên Quang, Sơn La...cuộc “đột kích” vào Trung tâm thương mại Saigon Sqare đã liên tục được “gia hạn” thời gian kiểm đếm lên tới nhiều ngày, không kể đó là ngày hay đêm càng thể hiện quyết tâm làm thật, làm không khoan nhượng của lực lượng Quản lý thị trường thời gian qua. Đặc biệt, các tang vật vi phạm sẽ được cán bộ Quản lý thị trường thống kê chi tiết, cụ thể lên Hệ thống INS để bảo đảm tính khách quan, thông suốt, minh bạch từ trên xuống dưới đều có thể theo dõi, nắm rõ tiến độ. Điều này cũng góp phần hiện thực hóa cho minh chứng “nhìn thẳng, nói thật, làm thật” của Tổng cục Quản lý thị trường khi tiên phong trong chuyển đổi số ở lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính của bộ máy công quyền hiện nay. Cao hơn đó là việc ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, sự tha hóa, biến chất từ sớm, từ xa... trong chính lực lượng thực thi công vụ...

Dẫn chứng sinh động cho quyết tâm xây dựng và đưa Luật Bảo vệ Người tiêu dùng vào cuộc sống

Còn nhớ cách đây ít ngày, thảo luận ở phiên họp tổ Quốc hội về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sáng ngày 2/11, nhiều đại biểu đã lo ngại về vấn nạn hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng.

Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh- đoàn Bình Định, hàng giả còn có nghĩa là hàng nhái thương hiệu nổi tiếng. Việc mua bán hàng giả hiện rất phổ biến với cả người mua và người bán."Thực tế có nhiều thương hiệu nổi tiếng bị bán giả công khai và người tiêu dùng sử dụng một cách vô tư, trong pháp luật chưa có rõ trong vấn đề này. Do đó, để bảo vệ người tiêu dùng một cách bền vững cần công bằng trong vấn đề này với cả người bán lẫn người mua” - đại biểu nhấn mạnh.

Phát biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định việc sửa đổi Luật làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương. So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Dự thảo Luật đã quy định rõ hơn về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương tới địa phương. Quyết tâm chính trị triệt phá "thủ phủ" hàng giả Saigon Square như một dẫn chứng tiêu biểu của nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ các thương hiệu và đối tác thương mại, đồng thời sớm đưa Luật vào cuộc sống khi được thông qua.

Có thể khẳng định, cuộc “truy quét” hàng giả, hàng nhái vào “thủ phủ”, “biểu tượng” cho mua sắm tại Saigon Square của Tổng cục Quản lý thị trường như một lần nữa khẳng định được quyết tâm “nhìn thẳng”, nhìn vào tận gốc rễ của vấn đề để “làm thật”, làm quyết liệt, đấu tranh tới cùng với hành vi tiêu cực. Qua đó, nó đã tạo hiệu ứng tích cực, để lại dấu ấn tốt, củng cố niềm tin của nhân vào lực lượng nòng cốt đấu tranh với vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Cao hơn hết, cuộc “đột kích này” đã là “mảnh ghép” đồng điệu với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng ta đang thực hiện đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược.

Nhóm PV
Bài viết cùng chủ đề: Tổng cục Quản lý thị trường

Tin cùng chuyên mục

Trong tháng 11/2024, Cục Quản lý thị trường Vĩnh Long xử phạt 51 vụ vi phạm

Cục QLTT Quảng Bình: Kiên quyết đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vào dịp cuối năm

Quảng Ninh: Phát hiện, xử lý 54 vụ vi phạm trong kinh doanh thuốc lá

Lào Cai: Xử lý gần 700 vụ vi phạm, tăng cường kiểm tra dịp cao điểm cuối năm

Bắc Giang: Giám sát chất lượng hàng hóa tại Tuần lễ thương mại quốc gia và Online Friday 2024

Hưng Yên: Xử lý 24 vụ vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử, nộp ngân sách hơn 400 triệu đồng

Giới thiệu trưng bày thật, giả hơn 450 sản phẩm lĩnh vực thời trang, hóa mỹ phẩm, gia dụng

Hà Nội: 10 cơ sở y dược bị xử phạt hành chính vì vi phạm quy định

Hà Nội: Xử phạt 22 vụ vi phạm an toàn thực phẩm trong tháng 10 năm 2024

Yên Bái: Gian nan xử lý vi phạm hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử

TP. Hồ Chí Minh: Thu giữ lô nước hoa trị giá gần 1,2 tỷ đồng nghi giả mạo tại Namperfume

Lai Châu: Tập trung kiểm tra, ổn định hàng hóa tiêu dùng dịp cuối năm

Bắc Giang: Xử phạt hộ kinh doanh bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu Adidas, Nike

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tạm giữ 160 sản phẩm thuốc lá điện tử nhập lậu

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh: Phát hiện hơn 2.100 vụ buôn lậu và gian lận thương mại

Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều cửa hàng bất chấp kinh doanh thuốc lá điện tử trái phép

Nam Định: Tạm giữ 200 áo phao không rõ nguồn gốc bán trên TikTok Shop

Hà Giang: Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Hà Nội: Xử lý 2.295 vụ việc gian lận thương mại trong tháng 10 năm 2024

Bà Rịa - Vũng Tàu: Kiểm tra tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn