Thứ sáu 22/11/2024 03:58

Ba Bộ trưởng giải trình về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội

Chiều 28/10 tại Kỳ họp thứ 7, ba Bộ trưởng đã tiếp thu, giải trình làm rõ vấn đề đại biểu nêu về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Chiều 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Sau phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tiếp thu, giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu nêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 28/10. Ảnh:quochoi.vn

Tiếp thu, giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, qua báo cáo giám sát và ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng thấy rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sảnvà phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023.

Phát triển nhà ở xã hội: Nhiều vướng mắc liên quan đến quy định và thực thi pháp luật

Báo cáo một số nội dung liên quan đến công tác phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của công nhân, người lao động và người thu nhập thấp.

Nhiều vướng mắc liên quan đến quy định và thực thi pháp luật, vướng mắc liên quan đến quy hoạch đất đai, đầu tư, đấu thầu, xây dựng, tín dụng… liên quan đến thủ tục hành chính triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội. Chính sách ưu đãi chưa thực sự khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội như báo cáo giám sát và ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh:quochoi.vn

Thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Bộ trưởng cho biết, từ năm 2021 đến nay, các địa phương đã quy hoạch 9.757 ha đất để xây dựng nhà ở xã hội; có 622 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 565.177 căn, trong đó đã hoàn thành 79 dự án với quy mô 40.679 căn; đã khởi công xây dựng 131 dự án, với quy mô 111.687 căn và đã chấp thuận chủ trương đầu tư 412 dự án.

Tuy nhiên, kết quả này chưa đáp ứng nhu cầu của công nhân, người lao động và người thu nhập thấp; nhiều địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội.

Từ những vướng mắc khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy công tác này. Gần đây nhất, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Chính phủ đã ban hành kế hoạch, đề án và nhiều chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội; Quốc hội đã ban hành Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Đất đai năm 2024 và nhiều quy định pháp luật có liên quan để tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã điểm lại một số điểm mới, nổi bật của các luật này, góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát và các đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng cùng với các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung thực hiện Chỉ thị 34 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; cũng như thực hiện các nghị quyết giám sát của Quốc hội về chuyên đề này và các chương trình, đề án, kế hoạch chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển nhà ở xã hội, xác định phát triển nhà ở xã hội là quyết tâm chính trị, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội và hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của từng địa phương.

Phát triển đa dạng các loại hình nhà ở xã hội để có thể mua, thuê, thuê mua nhà lưu trú, tăng tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê. Ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn, các quy định pháp luật vừa được thông qua liên quan đến phát triển nhà ở xã hội; đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến phát triển nhà ở xã hội; thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội tại các địa phương…

Có dấu hiệu đầu cơ, thổi giá trong đấu giá quyền sử dụng đất

Liên quan đến tình hình triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, Chính phủ, các bộ ngành đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai kịp thời ban hành và có hiệu lực đồng thời với Luật gồm: 10 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 7 thông tư của các bộ. Các địa phương cũng đã nỗ lực để ban hành các quy định chi tiết theo thẩm quyền do Luật giao (20 nội dung).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy.Ảnh:quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhấn mạnh, còn nhiều địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản thuộc thẩm quyền đã ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật, ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp là người sử dụng đất.

Liên quan đến điều chỉnh Bảng giá đất hiện hành để tiếp tục áp dụng đến 31/12/2025, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, vướng mắc liên quan đến điều chỉnh Bảng giá đất hiện hành theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024: “Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương”.

Đây là quy định chuyển tiếp, nhằm giúp các địa phương thực hiện lộ trình từng bước xây dựng Bảng giá đất mới theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 để áp dụng từ ngày 1/1/2026, tránh cú sốc tăng giá đột biến trong Bảng giá đất, ảnh hướng đến quyền và nghĩa vụ của một số đối tượng sử dụng đất”- Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho hay.

Theo Bộ trưởng, khi tiến hành điều chỉnh Bảng giá đất hiện hành, nếu các địa phương không xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tác động một cách đầy đủ thì sẽ xảy ra trường hợp giá đất trong Bảng giá đất sau khi điều chỉnh có chênh lệch lớn so với giá đất trong Bảng giá đất hiện hành. Đặc biệt là tại các địa phương trong suốt giai đoạn 2021 - 2024 không điều chỉnh hoặc không thường xuyên điều chỉnh Bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, nay khi thực hiện điều chỉnh lại điều chỉnh với mức chênh lệch lớn khiến người dân, doanh nghiệp phản ứng vì số tiền người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai sẽ tăng cao so với khi áp dụng giá đất trong Bảng giá đất trước khi điều chỉnh.

Về công tác đấu giá quyền sử dụng đất, Bộ trưởng cho biết, tại một số địa phương, tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá, có dấu hiệu đầu cơ, thổi giá.

Nguyên nhân được Bộ trưởng chỉ ra bao gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được công khai, minh bạch. Một số đối tượng tham gia đấu giá chủ yếu vì mục đích đầu cơ, không phải nhu cầu thực. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa chủ động tạo quỹ đất để đấu giá; Giá đất trong bảng giá đất chưa được điều chỉnh kịp thời.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin, Bộ đã đề xuất các giải pháp bao gồm: Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất; Rút ngắn thời gian nộp tiền thanh toán trúng đấu giá. Đồng thời công khai các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc; tăng cường biện pháp bảo đảm nguồn cung bất động sản nhà, đất ở có giá cả hợp lý. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tăng trưởng tín dụng của bất động sản cao hơn so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế

Liên quan đến vấn đề tiếp cận tín dụng trong các dự án bất động sản và nhà ở xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: Vốn đầu tư vào bất động sản cần được huy động từ nhiều kênh. Các tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng về thời hạn, lãi suất cũng như đảm bảo yêu cầu an toàn thu hồi vốn…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.Ảnh:quochoi.vn

Trên thực tế, tín dụng vào lĩnh vực bất động sản cũng tăng rất nhanh và trong thời gian vừa qua, tăng trưởng tín dụng của bất động sản cao hơn so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Các tổ chức tín dụng phải rất thận trọng khi cho vay mới và đặc biệt là đối với các dự án bất động sản có kỳ hạn dài. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất quốc tế tăng rất cao nhưng mặt bằng lãi suất của Việt Nam lại kiểm soát được và lãi suất cho vay mới giảm khoảng 3% từ đầu năm 2022 đến nay. Khi doanh nghiệp và người dân khó khăn thì các tổ chức tín dụng cũng dành chính nguồn lực tài chính của mình để miễn, giảm lãi suất cũng như là miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân.

Về tín dụng nhà ở xã hội, trong Báo cáo giám sát đã chỉ ra thị trường bất động sản đang tồn tại sự mất cân đối và đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế. Trên thực tế, Chính phủ đang rất quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, bộ, ngành tập trung các giải pháp để phát triển nhà ở xã hội và kể cả việc kêu gọi xã hội hóa để xóa nhà tạm, dột nát.

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực tài chính của Nhà nước”- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Trước đó, sáng 28/10, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội trình bày báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Trước đó, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Sau báo cáo của Đoàn giám sát, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường. Theo đó, tại phiên thảo luận buổi sáng, các đại biểu đã tập trung phân tích kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân những tồn tại trong phát triển thị trường bất động sản và nhà ở xã hội.

Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: thị trường bất động sản

Tin cùng chuyên mục

Phản ứng của Việt Nam về những động thái mới của Philippines tại Biển Đông

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Thủ tướng Malaysia

Bộ Ngoại giao thông tin về việc tiếp nhận 5 máy bay huấn luyện từ Hoa Kỳ

Việt Nam luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc

Xung đột Nga-Ukraine lan rộng, Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine

Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo các ông Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Thể

Việt Nam - Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Quốc hội điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 8, xem xét công tác nhân sự

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Thủ đô Phnom Penh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Campuchia

Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Phó Thủ tướng Lê Thành Long hội kiến Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng Chiết Giang, Trung Quốc

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lên đường thăm chính thức Campuchia

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Malaysia

Giá bất động sản phi mã, lao động, công chức khó có thể mua

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Tổng thống Cộng hòa Dominica

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

Nhiều mỏ cát phục vụ cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long không đạt tiêu chuẩn

Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025

Chuyến thăm Malaysia của Tổng Bí thư tạo xung lực mới cho quan hệ hai nước

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan