Thứ ba 26/11/2024 09:58
56 năm thành lập ASEAN (8/8/1967-8/8/2023)

ASEAN: Luồng gió mới cho hợp tác kinh tế và phát triển

Với dân số gần 700 triệu người và GDP gần 4.000 tỷ USD, ASEAN là một không gian kinh tế rộng lớn, phát triển năng động và đầy triển vọng.

ASEAN là một không gian kinh tế rộng lớn

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra đời ngày 8/8/1967, đặt nền móng cho hợp tác khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, từng bước lớn mạnh, ASEAN chăm chỉ gieo trồng hạt giống trên vùng đất mới. Đó chính là những hạt giống của hàn gắn rạn nứt, nuôi dưỡng lòng tin, mở đường cho Đông Nam Á hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Thành tựu nổi bật nhất của tổ chức khu vực ASEAN sau 56 năm tồn tại và phát triển là duy trì được hòa bình và an ninh, cũng như việc mở rộng thành 10 nước, và sắp tới là 11 nước với việc kết nạp Timor-Leste, qua đó quy tụ toàn bộ khu vực Đông Nam Á thành một cộng đồng.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, ngay từ những ngày đầu thành lập, ASEAN lấy kinh tế - thương mại làm nền tảng và động lực cho hợp tác khu vực. Sự phát triển của liên kết kinh tế - thương mại được đánh dấu bằng việc thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) năm 1992 và các nỗ lực tự do hóa dòng chảy thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư.

ASEAN: Luồng gió mới cho hợp tác kinh tế và phát triển

Cùng với liên kết nội khối, ASEAN mở rộng liên kết với bên ngoài, đưa Cộng đồng Kinh tế ASEAN thành tâm điểm giao thoa của các thỏa thuận hợp tác đa phương. Mạng lưới Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới cùng việc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực vào ngày 1/1/2022 là đóng góp thiết thực của ASEAN cho hệ thống thương mại đa phương, rộng mở, minh bạch trong khu vực và trên thế giới.

Với dân số gần 700 triệu người và GDP gần 4.000 tỷ USD, ASEAN là một không gian kinh tế rộng lớn, phát triển năng động và đầy triển vọng. "Vượt qua những “cơn gió ngược” của nền kinh tế thế giới, ASEAN thổi luồng gió mới, tạo động lực và mang lại hy vọng lạc quan cho kinh tế khu vực" - Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Giữa những gam màu ảm đạm của bức tranh kinh tế thế giới, ASEAN là điểm sáng tăng trưởng và điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tăng trưởng khu vực được dự báo tích cực, đạt mức 4.7% năm 2023 và 5% vào năm 2024, vượt xa mức tăng trưởng trung bình của thế giới. Trong khi đó năm 2022, thương mại hàng hóa của ASEAN tăng gần 15% đạt 3.800 tỷ USD, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 5,5% đạt gần 225 tỷ USD.

Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhấn mạnh: ASEAN trở thành cứ điểm sản xuất và thị trường đơn nhất trên cơ sở một cộng đồng kinh tế. Cộng đồng Kinh tế ASEAN ngày càng mở rộng, thu hút sự quan tâm ngày càng tăng của các đối tác thương mại.

Minh chứng ở việc, ASEAN đã ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương với các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ...; có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand; đang tiến hành đàm phán FTA với Canada và thảo luận khả năng ký kết FTA với các khu vực mậu dịch khác như Liên minh châu Âu (EU) nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn từ thương mại tự do cho các công dân trong khối.

Việc nhiều biện pháp được triển khai quyết liệt như đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại và hàng hóa ASEAN, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…; đưa ra nhiều sáng kiến mới như xây dựng Hiệp định Khung kinh tế số ASEAN, Khung Kinh tế tuần hoàn, Khung Kinh tế biển xanh, Chiến lược trung hòa carbon… "Đây chính là hành trang cho một ASEAN chủ động thích ứng với các cơ hội, thách thức hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm và nâng cao tự cường cho khu vực" - Bộ trưởng Ngoại giao cho hay.

Sự chủ động của Việt Nam

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn: Trước các xu thế lớn của thời đại, ASEAN đã nhanh chóng điều chỉnh cách tiếp cận, đổi mới, sáng tạo hơn trong phương thức và nội dung hợp tác theo hướng xanh, sạch và bền vững. Tìm kiếm, mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng mới là trọng tâm và mối quan tâm hàng đầu trong trao đổi giữa ASEAN và với các đối tác.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, tham gia ASEAN vào thời điểm bắt đầu đổi mới, hội nhập, hành trình gắn bó cùng ASEAN gần 30 năm qua thể hiện nhất quán chủ trương của Việt Nam, luôn nỗ lực và đóng góp hết mình vì một ASEAN đoàn kết và phát triển vững mạnh.

Bám sát đường lối đối ngoại của Đảng, 10 năm triển khai Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và 5 năm triển khai Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Việt Nam đang từng bước vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực hợp tác của ASEAN.

Với tinh thần tham gia chủ động, tích cực, trách nhiệm và đóng góp hiệu quả, Việt Nam cam kết cùng các nước thành viên nỗ lực và quyết tâm hiện thực hóa khát vọng về một ASEAN chuyển mình mạnh mẽ và vươn tầm bứt phá, thực sự là tâm điểm của hòa bình, hợp tác và phát triển. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Việt Nam nguyện hết lòng chăm lo vun đắp cho sự bền vững của ngôi nhà chung ASEAN. Hợp tác, liên kết ASEAN là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược của Việt Nam”.

Nói về những thành quả của ASEAN trong hơn 5 thập kỷ qua, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong nỗ lực gắn kết và xây dựng Cộng đồng, Tổng thư ký ASEAN, Tiến sĩ Kao Kim Hourn đánh giá cao sự tích cực, chủ động và trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN, đồng thời cho rằng Việt Nam có thể chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu cho các nước trong khu vực.

Tổng thư ký Kao Kim Hourn nhấn mạnh, kể từ khi gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995, Việt Nam đóng vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm, trong đó có việc thúc đẩy ASEAN kết nạp các thành viên mới, đưa tổ chức này quy tụ toàn bộ các nước lục địa và quần đảo trong khu vực và không còn bị chia rẽ về mặt địa lý.

"Việt Nam tham gia tất cả các cơ chế do ASEAN thành lập, là một trong những nước tích cực và đóng vai trò chính trong việc soạn thảo Hiến chương ASEAN nhằm bảo đảm rằng văn kiện này là kim chỉ nam cho sự phát triển của cộng đồng ASEAN" - Tổng thư ký ASEAN nhấn mạnh và bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển kinh tế và thương mại mạnh mẽ của Việt Nam với nhiều thỏa thuận thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.

Theo ông Kao Kim Hourn, Việt Nam tạo được dấu ấn riêng trong tổ chức khu vực này và giành nhiều thành công trong 3 lần giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 1998, 2000 và 2020. Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động liên kết ASEAN, luân phiên đảm nhiệm vai trò quốc gia điều phối quan hệ với các nước đối tác đối thoại, đảm trách nhiều vai trò quan trọng trong các tổ chức toàn cầu như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc…

Mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng vai trò thành viên chủ động, tích cực của ASEAN, Tổng thư ký Kao Kim Hourn cho rằng, Việt Nam có thể chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu cho các nước trong khu vực, ví dụ trong lĩnh vực phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, quản lý thiên tai, ngoại giao và thúc đẩy sự tham gia của các đối tác bên ngoài, song song với việc tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của ASEAN trên tất cả các lĩnh vực và trụ cột cộng đồng, cũng như hỗ trợ phát triển các tiểu vùng trong đó có Tiểu vùng sông Mekong.

Thứ trưởng Ngoại giao Lào, ông Thongphan Savanphet đã khẳng định: Việc Việt Nam gia nhập ASEAN và các hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác ASEAN suốt 28 năm qua đã phản ánh thành công của công cuộc Đổi mới và chính sách đối ngoại của Việt Nam trong việc tăng cường và phát triển quan hệ hợp tác với tất cả các nước trên thế giới cũng như ở khu vực Đông Nam Á, cho thấy vị thế của Việt Nam tại diễn đàn khu vực và quốc tế ngày càng được nâng cao.

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (tiếng Anh: Association of South East Asian Nations, viết tắt: ASEAN) là một tổ chức kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. ASEAN được thành lập ngày 8/8/1967, tại Bangkok, Thái Lan.

Sáng 8/8/2023, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam long trọng tổ chức lễ thượng cờ ASEAN nhân kỷ niệm 56 năm Ngày thành lập ASEAN và 28 năm ngày Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức này. Lễ Thượng cờ ASEAN vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập ASEAN 8/8 hằng năm là thông lệ đáng tự hào của tất cả các nước thành viên ASEAN.

Hà Hương
Bài viết cùng chủ đề: Cộng đồng Kinh tế ASEAN

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam - Lào - Campuchia tổ chức thành công diễn tập cứu hộ cứu nạn

Chiến sự Nga-Ukraine chiều 25/11: Moscow giành lại 40% lãnh thổ Kursk; Kiev ‘khám nghiệm’ mảnh vỡ tên lửa Nga

Cựu Tổng thống Ukraine hé lộ giải pháp kết thúc chiến sự 'trong vòng 24 giờ'

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 25/11/2024: 200 mục tiêu của tên lửa ATACMS trên lãnh thổ Nga đã được xác định

Năng lượng hạt nhân: Xu thế của tương lai?

Chiến sự Nga-Ukraine ngày 25/11/2024: Điện Kremlin hé lộ về tên lửa Oreshnik

Bước ngoặt COP29: Đạt thỏa thuận góp 300 tỷ USD để hỗ trợ biến đổi khí hậu cho các nước nghèo hơn

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 25/11: Lính đánh thuê thiệt mạng ở Kursk; Tên lửa ATACMS tập kích vào Nga

Chiến sự Nga-Ukraine tối 24/11: Ukraine 'thua đậm' tại Kursk, Nga chịu thương vong lớn

Hiệp định EVFTA - động lực mở đường lớn cho hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Bulgaria

Chiến sự Nga-Ukraine 24/11/2024: Xung đột ở Ukraine không còn mang tính khu vực; thông tin mới nhất về tình hình Kursk

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 24/11: NATO họp khẩn, Quốc hội Ukraine hủy họp vì tên lửa ICBM của Nga

Chiến sự Nga-Ukraine tối 23/11: Nga sắp bao vây vùng chiến sự; Ukraine khẩn trương đối phó với vũ khí mới

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 23/11/2024: Tổng thống Ukraine thay đổi quan điểm về cuộc xung đột với Nga?

Tình báo Ukraine nói tên lửa Oreshnik của Nga bay hơn 13.000km/giờ

Trí tuệ nhân tạo AI được cho thử nghiệm tác chiến không quân

Việt Nam - Ấn Độ nâng cao khả năng phối hợp trong hoạt động gìn giữ hòa bình

Chiến sự Nga-Ukraine ngày 23/11/2024: Xung đột ở Ukraine đang bước vào giai đoạn quyết định; NATO-Ukraine tổ chức họp khẩn

EU và Trung Quốc tiến gần đến thỏa thuận xóa bỏ thuế quan đối với ô tô điện

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 23/11: Lính đánh thuê NATO thiệt mạng; Mỹ gửi loại mìn cấm cho Ukraine