Áp dụng đúng các quy định về thuế và xuất xứ hàng hoá với lô nhôm 4,3 tỷ USD
Cụ thể, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hoá, ông Mai Sỹ Diến về việc hai công ty tại Hồng Kông gửi một lượng lớn nhôm vào kho ngoại quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó Công ty nhôm Toàn cầu làm thủ tục chuyển quyền sở hữu lô nhôm trên là đúng pháp luật. Tuy nhiên vướng mắc hiện nay là không có quy định thời gian hàng hóa gửi tại kho ngoại quan và hàng nhập khẩu vào khu chế xuất không phải chịu thuế.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp |
Theo đại biểu, theo cách này thì hàng hóa nước ngoài gửi vào Việt Nam trong một thời gian bằng nhiều cách một số doanh nghiệp sẽ mập mờ chuyển hóa thành hàng hóa ở Việt Nam. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết trách nhiệm Bộ trưởng trong việc phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính đề ra các giải pháp khắc phục tồn tại nêu trên, chỉ đạo giám sát cấp giấy chứng nhận xuất xứ khi doanh nghiệp xuất lô hàng trên ra nước ngoài nếu doanh nghiệp có động tác tìm cách gian lận xuất xứ nhằm ngăn chặn có hiệu quả những vụ việc tương tự.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, qua công tác nắm bắt thông tin, từ năm 2016 Bộ Công Thương đã nắm bắt được những thông tin bước đầu về lô hàng này.
“Đầu năm 2017, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, trực tiếp là Tổng cục Hải quan tổ chức đoàn kiểm tra thực tế” – Bộ trưởng cho biết. Về kết quả, theo Bộ trưởng, đây là doanh nghiệp đã nhập khẩu nhiều sản phẩm nhôm thỏi, nhôm hình từ Trung Quốc đưa về kho ngoại quan phục vụ xuất khẩu.
Tại thời điểm kiểm tra, các hoạt động xuất khẩu nhôm của doanh nghiệp này chưa có gì đột biến và số lượng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ không đáng kể, chỉ chiếm khoảng 10%. Cụ thể, 82% số lượng hàng xuất khẩu tại thời điểm kiểm ra không xin cấp C/O vì các thị trường xuất khẩu, trừ Hoa Kỳ có đánh thuế đối với mặt hàng nhôm của Trung Quốc, còn các thị trường nhập khẩu khác không có yêu cầu này.
“Trong 10% sản lượng nhôm xuất sang Hoa Kỳ thì chỉ có 3% phải yêu cầu có C/O” – Bộ trưởng nói và cho biết thêm, khi đó, qua kiểm tra, chúng tôi chưa phát hiện những sai phạm trong việc cấp C/O. Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chỉ đạo tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp. Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng, trong đó có Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tăng cường kiểm soát chặt chẽ trong quá trình cấp C/O, nhất là với hàng hoá xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Chính vì vậy, từ thời điểm kiểm tra đến nay, hoạt động xuất khẩu nhôm của doanh nghiệp này xuất khẩu vào Hoà Kỳ không gây ra vướng mắc gì.
Tuy nhiên, trước băn khoăn của các đại biểu Quốc hội về khả năng có hay không hành vi gian lận xuất xứ hàng hoá Việt Nam để xuất khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam hay không, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, theo Luật Hải quan năm 2014 thì hàng hoá đưa vào Việt Nam để chờ xuất khẩu được lưu giữ tại kho ngoại quan trong thời gian không quá 12 tháng, nếu quá thời gian này, nếu có lý do chính đáng mới được Cục trưởng Cục hải quan và cơ quan quản lý kho ngoại quan gia hạn thêm. Vì vậy, việc giám sát hàng hoá tại kho ngoại quan chủ yếu do cơ quan hải quan chịu trách nhiệm.
Đối với lô hàng nhôm nói trên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nếu tiêu thụ tại thị trường Việt Nam thì chắc chắn chúng ta phải thực hiện các thủ tục áp thuế, trong đó có thuế nhập khẩu theo đúng quy định.