An Giang, Tiền Giang, Cà Mau liên tục kiểm tra, giám sát cửa hàng bán lẻ xăng dầu
Nhiều cửa hàng xăng dầu bị xử phạt
Trong bối cảnh tình hình nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tỉnh còn nhiều diễn biến đa chiều. Lực lượng Quản lý thị trường các địa phương đã liên tục giám sát, xử lý các các cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm.
Theo đó, tại An Giang trong 2 ngày 7 và 8/9, qua kiểm tra định kỳ và đột xuất, Đội Quản lý thị trường số 6 phát hiện 1 cơ sở kinh doanh xăng dầu tại ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường, không ghi thời gian bán hàng tại khu vực bán hàng theo quy định; 1 cơ sở kinh doanh xăng dầu tại ấp Hòa Hưng, xã Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành vi phạm về ghi không đúng tên thương nhân đầu mối trên biển hiệu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và củng cố hồ sơ trình Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6 ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 cửa hàng xăng dầu nêu trên.
Tại Cà Mau, ông Huỳnh Vũ Phong, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Thường trực Ban Chỉ đạo 389 cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau 20 doanh nghiệp là công ty con, công ty thành viên thông qua ủy quyền của thương nhân đầu mối kinh doanh, thương nhân phân phối, 1 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu có hệ thống cung ứng xăng dầu. Toàn tỉnh có 372 cửa hàng hoạt động bán lẻ xăng dầu, nghỉ là 5 cửa hàng, hiện còn 367 cửa hàng đang hoạt động.
Theo ông Phong, trước lễ 2/9 có 5 cửa hàng tạm ngưng hoạt động; trong dịp lễ có 25 cửa hàng tạm ngưng hoạt động và sau dịp lễ có 12 cửa hàng tạm ngưng hoạt động.
Lực lượng Quản lý thị trường liên tục kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh xăng dầu |
Tính đến ngày 13/9, sau kỳ điều chỉnh giá lúc 15 giờ ngày 12/9, có 10 cửa hàng tạm ngưng hoạt động do thiếu hụt nguồn cung cấp xăng, dầu (2 cửa hàng thuộc huyện Đầm Dơi, 8 cửa hàng thuộc huyện Ngọc Hiển).
Kết quả thực hiện kiểm tra đến ngày 12/9/2022, tỉnh đã tổ chức kiểm tra 89 vụ (theo kế hoạch 86 vụ, kiểm tra đột xuất 03 vụ), phát hiện vi phạm 7 vụ, xử phạt vi phạm hành chính, thu số lợi bất hợp pháp nộp ngân sách Nhà nước tổng số tiền là 138.911.575 đồng (xử phạt hành chính 84.000.000 đồng, số lợi bất hợp pháp là 54.911.575 đồng). Hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm về niêm yết giá; không ghi rõ thời gian bán hàng, không treo biển hiệu của thương nhân phân phối; người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được đào tạo huấn luyện về phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường; không có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
Tương tự tại Tiền Giang, từ ngày 11- 13/9/2022, lực lượng Quản lý thị trường đã tiếp nhận thông tin phản ánh về 5 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn đóng cửa, ngưng bán hàng. Ngay khi nhận được thông tin, đơn vị đã giám sát, làm việc trực tiếp với đại diện 5 cửa hàng. Hiện các cửa hàng đã mở cửa hoạt động lại bình thường.
Liên tục kiểm tra, giám sát
Đại diện Cục Quản lý thị trường Tiền Giang cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát, nắm tình hình hoạt động của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm ngưng nghỉ kinh doanh không lý do, găm hàng, bán nhỏ giọt phải kịp thời làm việc ngay để xác định rõ nguyên nhân, nếu có dấu hiệu vi phạm phải làm rõ xử lý theo đúng quy định.
Hoạt động đo bồn, kiểm tra xăng dầu tại cửa hàng ở TP. Mỹ Tho |
Tại Cà Mau, ông Huỳnh Vũ Phong, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thông tin, Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh có hành vi vi phạm đối với các mặt hàng xăng dầu và vật liệu xây dựng. Chủ động trong nắm bắt thông tin, kịp thời xử lý nhanh trước những biến động thị trường, đảm bảo nguồn cung phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, nhất là tại các cửa biển.
Bên cạnh việc kiểm tra, giám sát, Cục Quản lý thị trường cũng phối hợp với các đơn vị có liên quan, tổ chức các buổi “Hội thảo tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu và phổ biến, công khai các quy định của pháp luật mới ban hành” tại thành phố Cà Mau.
Ngoài ra, đơn vị cũng tăng cường kiểm tra, phối hợp xử lý, các tổ chức kinh doanh xăng dầu, vật liệu xây dựng trên địa bàn có các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; chủ động xây dựng kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý nghiêm trong hoạt động kinh doanh nguồn vật tư đầu vào phục vụ sản xuất, nhất là trên lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản.