Thứ sáu 16/05/2025 02:18

ADB dự báo GDP Việt Nam năm 2020 xuống mức 4,8%

Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới công bố sáng ngày 3/4 cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự tính giảm mạnh trong năm 2020, xuống mức 4,8% do ảnh hưởng dịch Covid-19. Mặc dù bị suy giảm, song kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

Báo cáo cho thấy, trong quý I/2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống mức 3,8%, so với mức 6,8% cùng kỳ năm 2019. Việc hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn lây lan virus dẫn đến tiêu dùng nội địa chậm lại.

Tăng trưởng khu vực công nghiệp chậm lại, xuống mức 5,1% trong quý 1 năm nay. Ảnh: Internet

Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo duy trì được sản xuất cho dù có những khó khăn trong thời gian đầu, chủ yếu dựa vào nguyên vật tồn kho, tuy nhiên nguồn này cũng đang giảm dần. Do ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỉ trọng lớn trong khu vực công nghiệp, nên tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp trong tháng 2/2020 đã giảm xuống mức 6,2% so với mức 9,2% cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, chỉ số quản trị mua hàng của công nghiệp chế biến chế tạo – chỉ số đo lường cơ bản của ngành – đã giảm từ 50,6 vào tháng 1/2020 qua ngưỡng 50 và rơi vào vùng suy giảm còn 49,0 vào tháng 2/2020 – lần đầu tiên xuống mức thấp như vậy trong 4 năm qua. Sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh nhất trong 6,5 năm qua, khi các đơn hàng mới lần đầu tiên giảm mạnh kể từ tháng 11/2015, một phần do kim ngạch xuất khẩu giảm cùng với việc giảm đơn hàng từ các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Báo cáo cũng chỉ ra, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục bị gián đoạn do việc hạn chế đi lại cản trở lao động có tay nghề từ Trung Quốc và Hàn Quốc quay trở lại Việt Nam sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1, cộng với thời gian cách ly bắt buộc 14 ngày đối với những người tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Tăng trưởng khu vực công nghiệp chậm lại, xuống mức 5,1% trong quý 1 năm nay, so với 8,6% cùng kỳ năm trước. Một khảo sát doanh nghiệp được Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính thực hiện vào tháng 3 cho biết 74% số doanh nghiệp được khảo sát dự kiến phải tạm thời dừng hoạt động nếu đến tháng 6/2020 bệnh dịch vẫn chưa được khống chế.

Sản xuất nông nghiệp bị đình trệ, do cầu tiêu thụ nông sản xuất khẩu giảm, và ảnh hưởng nghiêm trọng của xâm ngập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, tăng trưởng của khu vực dịch vụ, khu vực bị tác động nhiều nhất của đại dịch, giảm xuống chỉ còn 3,2% trong quý I/2020, so với mức 6,5% cùng kỳ năm 2019.

Để hỗ trợ các hoạt động kinh tế, ngay từ đầu tháng 3/2020, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ tín dụng trị giá 10,8 tỷ USD (khoảng 0,4% GDP) bao gồm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm các loại lãi suất và phí. Chính phủ cũng đưa ra hai gói hỗ trợ ngân sách trị giá 1,3 tỷ USD bao gồm giảm các loại thuế, phí cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đồng thời cũng giãn thời hạn nộp thuế, và dự tính các hỗ trợ về mặt ngân sách của Chính phủ sẽ còn tăng lên. Ngân hàng Nhà nước cũng cắt giảm các lãi suất chính sách từ 0,5-1%, hạ trần lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam với các kỳ hạn dưới 6 tháng và hạ trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với những lĩnh vực ưu tiên.

Theo nhận định của ADB, nền tảng của kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì. Nếu đại dịch được khống chế trong nửa đầu năm 2020, nền kinh tế sẽ phục hồi trở lại với mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2021 - theo như dự báo của ADB trước khi xảy ra COVID-19 - và nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong trung và dài hạn.

Cũng theo ADB, các động lực của tăng trưởng kinh tế là tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và khu vực kinh tế tư nhân năng động – hiện vẫn đang phát triển mạnh mẽ. Môi trường kinh doanh trong nước vẫn tiếp tục được cải thiện. Ngoài ra, chi tiêu công ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2020, có khả năng tiếp tục gia tăng. Số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia, hứa hẹn tăng khả năng tiếp cận thị trường, sẽ giúp nền kinh tế tăng tốc trở lại. Việt Nam cũng hưởng lợi từ việc Trung Quốc khống chế được dịch COVID-19, và việc phục hồi tăng trưởng trở lại của Trung Quốc, sẽ góp phần khôi phục lại chuỗi giá trị toàn cầu.

Cho dù các hoạt động kinh tế suy giảm và các rủi ro do dịch COVID-19 vẫn còn, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á” - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick nhấn mạnh.

Thu Phương

Tin cùng chuyên mục

Ngân hàng ồ ạt tăng vốn điều lệ để đón chuẩn Basel III

Việt Nam ‘điểm sáng’ trong chiến lược đầu tư của Ấn Độ

Thông tin mới nhất về 34 bảo hiểm xã hội khu vực

Tập đoàn công nghệ Hoa Kỳ coi trọng thị trường Việt Nam

WFIS 2025 vinh danh hai lãnh đạo công nghệ của Techcombank dẫn dắt hành trình chuyển đổi số của ngân hàng

Khai trương phòng chờ Techcombank Private Lounge

Thủ tướng chỉ đạo công khai kết luận thanh tra vàng

Làm gì để doanh nghiệp miền Trung tiếp cận tín dụng xanh?

Nghị quyết 68: Thêm động lực cho thị trường chứng khoán

Prudential ra mắt sản phẩm bảo hiểm mới, tối ưu quyền lợi tài chính

Ninh Thuận: Tăng tốc thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả chính sách tín dụng

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp Ấn Độ

Trải nghiệm đẳng cấp tại The SENS - Đặc quyền mới dành cho khách hàng VIP của VPBank

Mirae Asset 'đãi cát tìm vàng' sau mùa báo cáo quý I/2025

Techcombank giành giải vàng Stevie Awards châu Á - Thái Bình Dương

Tăng cường liên kết hệ thống quỹ tín dụng từ mô hình đại lý thanh toán

App ngân hàng hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Giải pháp tài chính đột phá cho người mua nhà: Vay 1 tỷ trả gốc 1 triệu đồng/tháng

Ngân hàng giải ngân gần 1.000 tỷ đồng để xóa nhà tạm

Pi Network tăng giá: Cẩn trọng trước làn sóng đầu cơ mới